Olympic Paris 2024

Các cung thủ Paralympic của Indonesia đặt mục tiêu giành HCV

Đội tuyển Bắn cung người khuyết tật của Indonesia đến Paris tranh tài với 5 cung thủ xuất sắc nhất. Toàn đội đang tích cực chuẩn bị cho mục tiêu hướng đến tấm HCV tại Thế vận hội Paralympic Paris sắp tới.

Đây là lần đầu tiên các VĐV của môn Bắn cung người khuyết tật đến từ quốc gia khu vực Đông Nam Á đủ điều kiện tham gia Paralympic và họ rất mong muốn tạo nên lịch sử.

Kholidin thể hiện kỹ năng phi thường kéo cung bằng răng (ảnh: insdethegames)

Ken Swagumilang, VĐV đã phải loại bỏ một chân do ung thư xương, sẽ tham gia thi đấu ở hạng mục đứng bắn. Mô tả việc đủ điều kiện tham gia Paralympic Paris 2024 là một thành tựu to lớn, Ken Swagumilang bày tỏ niềm tự hào vô cùng về những gì đội đã đạt được. Với sự ủng hộ không ngừng nghỉ từ gia đình và Chính phủ, những VĐV này quyết tâm khắc tên mình vào biên niên sử của lịch sử thể thao Indonesia.

Ken Swagumilang từng giành HCĐ tại Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á 2022 và đang hướng đến mục tiêu vượt qua thành công của chính mình: giành HCV Paralympic mùa hè 2024. "Mục tiêu được đứng trên bục cao nhất thể hiện ý chí phấn đấu không ngừng nghỉ của đội”, Ken Swagumilang chia sẻ.

Nhiều năm luyện tập nghiêm ngặt đã giúp cho đội Bắn cung Paralympic Indonesia đạt đến đỉnh cao với những thành tích đáng chú ý tại các giải đấu quốc tế gần đây. Đội đã giành được 02 HCV tại sự kiện xếp hạng thế giới về Bắn cung Paralympic ở Cộng hòa Séc. Ngoài ra, hai HCĐ tại Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á 2022 đã tiếp thêm sự tự tin cho họ tiến gần đến tấm huy chương danh giá tại đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh dành cho người khuyết tật. 

Một thành viên nổi bật khác của đội, Kholidin, cũng thi đấu ở hạng mục đứng bắn. Sau khi mất cánh tay phải trong một vụ tai nạn, Kholidin đã phát triển kỹ năng phi thường là kéo cung bằng răng, một kỳ tích đòi hỏi sự nỗ lực to lớn để thành thạo. "Chúng tôi ở đây để chứng minh sức mạnh và khả năng phục hồi của mình", Kholidin nhấn mạnh.

Chính phủ Indonesia góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ hành trình của đội, đảm bảo họ được tham gia thi đấu các sự kiện quốc tế nhiều nhất có thể. Mặc dù Ủy ban Paralympic quốc gia Indonesia không áp đặt kỳ vọng huy chương cụ thể, nhưng các cung thủ đã đặt mục tiêu cao. "Mục tiêu của chúng tôi không gì khác ngoài “Vàng”, Kholidin khẳng định một cách tự tin.

Khi Paralympic đang đến gần, một số thành viên trong đội đã được đến châu Âu để thích nghi với khí hậu mát mẻ hơn, hoàn toàn trái ngược với cái nóng nhiệt đới ở quê nhà.

Teodora Audi Atudia, người đã mất khả năng sử dụng phần thân dưới trong một vụ tai nạn xe hơi khi còn đi học, là một thành viên chủ chốt khác của đội. Teodora Audi Atudia đã trải qua một hành trình gian nan, tìm cách tăng cường sức mạnh cho cánh tay của mình để cạnh tranh trên đấu trường lớn nhất thế giới dành cho các VĐV người khuyết tật. Luôn hy vọng ở một tương lai tươi sáng hơn, Teodora Audi Atudia mong muốn được truyền cảm hứng cho những người khác thông qua câu chuyện của mình.

Cùng với các đồng đội khác là Setiawan và Wahyu Retno Wulandari, những cung thủ Indonesia không chỉ theo đuổi mục tiêu huy chương mà còn phấn đấu nâng cao vị thế của các VĐV Indonesia trên đấu trường toàn cầu.

A.T biên dịch

Ảnh trong bài
  • Các cung thủ Paralympic của Indonesia đặt mục tiêu giành HCV
  • Các cung thủ Paralympic của Indonesia đặt mục tiêu giành HCV