Bắn súng và thể thao Việt Nam đã có thêm một kỳ Olympic trắng tay khi không giành được huy chương nào. Điều này đánh dấu việc đã 8 năm kể từ Olympic Rio de Janeiro 2016, thể thao Việt Nam không có nổi một tấm huy chương Olympic. Buồn có, thất vọng có, nhưng niềm hy vọng cũng không phải đã cạn.
Tuổi Trẻ đã có cuộc đối thoại với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - VĐV Việt Nam duy nhất giành được HCV Olympic.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trong cuộc đối thoại với báo Tuổi Trẻ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Vấn đề là huấn luyện
* Sau 8 năm trở thành nhà vô địch Olympic, công việc và cuộc sống của anh có gì thay đổi?
- Sau Olympic 2016, cuộc sống của tôi có ít nhiều thay đổi. Hiện tôi vẫn đang làm việc ở đội bắn súng Quân đội. Công việc là tuyển chọn, đào tạo các VĐV bắn súng và một số nhiệm vụ khác do cấp trên yêu cầu.
Sau khi đoạt HCV Olympic, một số người nhận ra khi gặp tôi ở ngoài đường. Tôi trân trọng và thấy đó là điều hạnh phúc. HCV Olympic 8 năm trước giờ với tôi là kỷ niệm, nó nhắc nhở tôi là phải làm thế nào để cống hiến nhiều hơn cho bắn súng Việt Nam qua công việc đào tạo lực lượng kế cận.
* Hai năm qua bắn súng Việt Nam có những tài năng mới như nhà vô địch Asiad Phạm Quang Huy, hai VĐV dự Olympic là Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền. Thế nhưng Việt Nam vẫn chưa thể có huy chương ở Olympic. Theo anh, có những vấn đề nào cần đặt ra?
- Trong 5 năm qua, đội tuyển bắn súng Việt Nam có một thế hệ VĐV với tài năng, ý thức và khát khao trở thành xạ thủ giỏi. Đội tuyển hiện có xạ thủ khá giỏi Phạm Quang Huy (vô địch Asiad 19), dù mới bộc lộ tài năng trong thời gian ngắn nhưng tiềm năng của Huy rất lớn. Bên cạnh đó là Lại Công Minh, Phan Công Minh. Ở nữ có Trịnh Thu Vinh, Mộng Tuyền, Phí Thanh Thảo...
Để nâng cao thành tích, các VĐV cần được đầu tư nhiều hơn với trang thiết bị tốt, được đi thi đấu quốc tế liên tục ở những giải đấu lớn. Như vậy các VĐV có tiềm năng này mới có thể cọ xát, tích lũy kinh nghiệm và quen với việc đương đầu cùng những VĐV đẳng cấp thế giới. Từ đó các bạn sẽ được trui rèn bản lĩnh, chuẩn bị tốt hơn cho các giải đấu tranh chấp vé, huy chương Olympic.
Đội tuyển bắn súng cũng cần có sự phân công huấn luyện khoa học, chuyên sâu cho từng nội dung. Súng ngắn khác súng trường, bắn nhanh khác bắn chậm... Do đó cần có HLV tốt cho từng nội dung, từng nhóm VĐV. Nhóm nào yếu, nên có chuyên gia nước ngoài hỗ trợ.
Kết thúc Olympic 2024, xạ thủ Trịnh Thu Vinh xếp hạng 4 nội dung 10 súng ngắn hơi nữ và hạng 7 nội dung 25m súng ngắn thế thao nữ - Ảnh: Chụp màn hình
Chuyên gia đó cần có trình độ, nên kinh qua vị trí VĐV và HLV để có cả thực tiễn và lý luận. Thuê chuyên gia giỏi, HLV trong nước cũng có điều kiện học tập trong thời gian làm việc cùng các chuyên gia. Sau này các HLV nội có thể gánh vác công tác ở đội tuyển thay các chuyên gia.
Hiện đội tuyển bắn súng Việt Nam chỉ tập trung huấn luyện với những VĐV có thành tích. Kinh nghiệm từ nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ trước đây họ cũng thuê chuyên gia nước ngoài nhiều để học hỏi, nâng cao trình độ của VĐV và HLV.
Đến nay hầu hết những môn Olympic của các quốc gia này đã tiếp cận và vươn lên dẫn đầu thế giới. Do vậy việc thuê chuyên gia nước ngoài đã không còn là vấn đề cốt yếu. Chỉ những môn nào kém, thành tích chưa tiếp cận thế giới mới thực hiện chủ trương thuê chuyên gia.
* Anh đánh giá thế nào về màn trình diễn của xạ thủ Trịnh Thu Vinh ở Olympic Paris 2024?
- Kết quả thi đấu của Thu Vinh phản ánh sự nỗ lực của em. Dù vậy trong thi đấu thể thao đỉnh cao phụ thuộc rất nhiều yếu tố để có huy chương. Thu Vinh đạt thành tích như vậy đã là rất ấn tượng, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Vấn đề hiện nay là huấn luyện thế nào để Thu Vinh tiếp tục phát triển thành tích, có thể có huy chương Olympic.
Bắn súng vẫn triền miên thiếu đạn
* Triền miên thiếu đạn tập, hạn chế đi tập huấn và thi đấu nước ngoài, bắn súng Việt Nam sẽ phát triển ra sao?
- Cái khó của Việt Nam là chưa có cơ chế thông thoáng để phát triển bắn súng. Ở Hàn Quốc, bắn súng rất phát triển bởi họ có chủ trương xã hội hóa toàn quốc. Bắn súng thu hút được sự quan tâm, đầu tư của nhiều nguồn lực xã hội chứ không chỉ phụ thuộc vào chính phủ. CLB bắn súng có ở khắp nơi, vì thế Hàn Quốc có thể tìm kiếm tài năng cho bắn súng từ hệ thống các giải đấu ở trường phổ thông, đại học, cấp CLB.
Tại Olympic 2024, Hàn Quốc có HCV từ những xạ thủ rất trẻ mới 16, 19 tuổi như nhà vô địch Ban Hyo Jin (HCV 10m súng trường hơi nữ, 16 tuổi). Theo lịch sử tập luyện, em ấy mới chỉ tập được 2 năm ở địa phương, lên đội tuyển quốc gia 1 năm rồi giành HCV Olympic.
Việt Nam không được như Hàn Quốc vì chúng ta không có cơ sở vật chất để phát triển phong trào bắn súng. Hiện chỉ có các đơn vị của Nhà nước mới có thể tuyển chọn, đào tạo VĐV bắn súng. Người thường muốn tiếp cận, tập bắn súng thì không có nơi để tập. Vì không có nơi tập luyện, việc phát triển phong trào rất khó. Lực lượng VĐV cho đội tuyển quốc gia vì thế mỏng, ít tài năng.
Còn về việc thiếu đạn, thời điểm tôi và anh Trần Quốc Cường (một trong hai xạ thủ hàng đầu Việt Nam thập niên qua) tập luyện, hai chúng tôi không bị thiếu đạn tập bởi tôi và anh Cường được đầu tư đặc biệt.
Thế nhưng để bắn súng phát triển thì phải có nhiều VĐV giỏi và được đầu tư, có đầy đủ trang thiết bị tập luyện. Nhưng đây là câu chuyện chung của thể thao Việt Nam khi kinh phí đầu tư của Nhà nước cho các môn còn hạn chế.
Lê Thị Mộng Tuyền là một trong hai xạ thủ Việt Nam giành vé đến Olympic 2024 - Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Điều đó khiến cho các VĐV bắn súng đến nay vẫn không có đầy đủ trang thiết bị, súng đạn tập luyện. Có những đội chuẩn bị cho giải đấu nhưng chỉ có đạn để tập một tuần trước thi. Còn lại quanh năm chỉ tập chay (tập với súng không có đạn, tập thể lực). Với tình trạng đó, bắn súng Việt Nam không phát triển mạnh được.
* Với một VĐV chuyên nghiệp, nhu cầu đạn tập trong 1 ngày là bao nhiêu viên?
- So sánh giữa xạ thủ Việt Nam với châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc thì khập khiễng. Với những nước giàu, VĐV không bị hạn chế số lượng đạn bắn tập trong 1 ngày. Họ có thể bắn cả ngàn viên/ngày hoặc nhiều hơn nếu thấy cần. Còn ở Việt Nam, trong giai đoạn đỉnh cao, tôi bắn tầm 600 - 700 viên/ngày. Các VĐV khác có thể chỉ được phát 30 - 50 - 100 viên/ngày vì điều kiện không có.
* So với 8 năm trước, khi anh giành HCV Olympic, bắn súng Việt Nam có thay đổi?
- Có thay đổi, nhưng nhanh và đột phá thì chưa. Phải đến SEA Games 2022 tại Việt Nam (6 năm sau Olympic 2016), bắn súng mới có trường bắn điện tử sau nhiều thập niên VĐV phải bắn bằng bia giấy. Nhưng dù sao đó cũng là sự quan tâm của Nhà nước và tôi rất ghi nhận điều này.
Sẽ có huy chương Olympic, nếu...
* Thể thao Việt Nam ra về tay trắng tại Olympic Paris 2024. Câu hỏi đặt ra là đến khi nào chúng ta mới có thêm HCV Olympic như anh đã tạo nên?
- Không dễ để nói trong bao lâu nữa bắn súng hay thể thao Việt Nam sẽ có HCV Olympic. Nhưng tôi tin rằng với số VĐV tiềm năng hiện có, nếu được đầu tư tổng lực, kết hợp nhiều yếu tố, bắn súng Việt Nam sẽ có huy chương Olympic.
Tôi là trường hợp đặc biệt. HCV ở Olympic 2016 tôi nghĩ nằm ngoài suy nghĩ của nhiều người, là sự kết tinh của rất nhiều yếu tố. Lúc đó tôi được đầu tư rất tốt của địa phương, quốc gia. Chị Nguyễn Thị Nhung (HLV trưởng kiêm trưởng bộ môn bắn súng) là người đi tiên phong. Chị rất khát khao với tinh thần vượt khó để đưa bắn súng Việt Nam vươn lên tầm Olympic.
Bây giờ bắn súng có điều kiện tốt hơn 8 năm trước nhưng không có nghĩa là sẽ có huy chương Olympic ngay. Cần có quá trình chuẩn bị, đầu tư và phải có những giai đoạn "trầm" như hiện nay để biết chúng ta đang thiếu cái gì để bổ sung.
* Đã có những tài năng mới, nhưng động lực nào để các VĐV có thể cháy hết mình trong tập luyện lẫn thi đấu?
- Việc tuyển chọn VĐV bắn súng hiện nay rất khó, không chỉ với Quân đội mà với các địa phương trên cả nước. Lý do bởi các em học sinh lớp 7 (tuổi cần được tiếp cận với bắn súng) không ai được tập luyện, làm quen với bắn súng.
Lượng vận động thể chất của các em trong trường học khá ít so với việc học văn hóa. Những em học văn hóa tốt, gia đình khuyến khích các em theo con đường học vấn chứ không phải thể thao. Thế nên khi đi tuyển VĐV trẻ, các HLV và đơn vi gặp rất nhiều khó khăn để tuyển được VĐV có tố chất.
Tôi là quân nhân nên may mắn được Quân đội, Nhà nước quan tâm, chăm lo. Nhưng chính sách đãi ngộ chung cho VĐV tài năng đặc biệt của thể thao Việt Nam hiện nay của Nhà nước rất thấp, chưa tương xứng và khích lệ được họ cống hiến. Vừa thi đấu vừa lo cơm áo gạo tiền khiến cho VĐV không yên tâm để tập luyện. Chưa kể đời VĐV ngắn, 10 VĐV thì có 1 - 2 người giải nghệ tiếp tục công tác huấn luyện, làm trong lĩnh vực thể thao. Số còn lại sau khi giải nghệ họ phải bắt đầu một cuộc sống mới, một ngành nghề mới để mưu sinh, khó khăn vô cùng.
Chính sách đãi ngộ cho VĐV cũng không thể cào bằng như hiện nay. Huy chương Olympic phải khác Asiad, Asiad phải khác SEA Games. Chế độ tiền lương, thưởng, đãi ngộ cho mỗi VĐV phải tương xứng với mức độ họ đóng góp và tạo được sự khích lệ. Đó cũng là cạnh tranh lành mạnh, là động lực cho sự phát triển của VĐV và thể thao Việt Nam.
Theo Tuổi trẻ