Olympic Paris 2024

Đội tuyển Olympic Người tị nạn Paris 2024 mong muốn trở thành niềm tự hào

“Chúng tôi sẽ khiến cộng đồng người tị nạn trên toàn thế giới phải tự hào và chúng tôi sẽ khiến họ mỉm cười”, đó chính là mong muốn của Đội tuyển Olympic Người tị nạn tham gia tranh tài tại Thế vận hội Olympic Paris 2024.

Thế vận hội Olympic Paris 2024 đã chào đón 37 VĐV tham gia tranh tài với tư cách là một phần của Đội tuyển Olympic Người tị nạn. Họ đến với Thế vận hội với vai trò là biểu tượng mạnh mẽ của hy vọng và sự hòa nhập của 120 triệu người phải di dời trên toàn thế giới.

Đội tuyển Olympic Người tị nạn Paris 2024 mong muốn trở thành niềm tự hào (ảnh:ioc)

Đội tuyển Olympic Người tị nạn được Ủy ban Olympic quốc tế thành lập trước Thế vận hội Olympic Rio 2016 với 10 VĐV đã tạo nên lịch sử khi thi đấu dưới lá cờ Olympic. Cho đến nay, Đội tuyển Olympic Người tị nạn cho thấy ngày càng phát triển về quy mô. Điều này đã được chứng minh tại Paris 2024, Đoàn Thể thao Olympic Người tị nạn đã có số lượng thành viên đông nhất từ ​​trước đến nay. Cụ thể, đã có tới 37 VĐV thi đấu ở 12 môn thể thao khác nhau gồm: Điền kinh, Cầu lông, Quyền anh, Breaking, Đua thuyền, Xe đạp, Judo, Bắn súng, Bơi, Taekwondo, Cử tạ và Vật.

Võ sĩ Cindy Ngamba và VĐV Taekwondo Yahya Al-Ghotany là những người được vinh dự cầm cờ cho Đoàn Thể thao Olympic Người tị nạn tại Lễ khai mạc. Masomah Ali Zada, người từng là thành viên của Đoàn Thể thao Olympic Người tị nạn tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 thi đấu môn Xe đạp đường trường, đã trở thành thành viên của Ủy ban VĐV - Ủy ban Olympic quốc tế và được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn Đoàn Thể thao Olympic Người tị nạn tại Paris 2024.

Masomah Ali Zada đánh giá cao sự tận tụy của mỗi thành viên Đoàn Thể thao Olympic Người tị nạn cũng như bày tỏ niềm tự hào được giao trọng trách là Trưởng đoàn Thể thao Olympic Người tị nạn tại Thế vận hội lần thứ 33 này. 

Masomah Ali Zada nhấn mạnh: 37 VĐV đại diện cho hơn 100 triệu người di dời tại Thế vận hội Olympic Paris 2024 đã chứng minh những gì người tị nạn có thể đạt được nếu họ được chào đón vào cộng đồng và được trao cơ hội để phát triển. Tất cả những VĐV này đều đã là người chiến thắng và chắc chắn rằng họ sẽ khiến người tị nạn trên toàn thế giới tự hào và khiến họ mỉm cười.

Một số VĐV người tị nạn đã chia sẻ suy nghĩ của mình. Soltani rời Iran cách đây hai năm và sống ở Áo trong khi tiếp tục tập luyện hướng tới Olympic Paris 2024 với sự hỗ trợ của Ủy ban Olympic quốc tế, thông qua nguồn tài trợ Đoàn kết Olympic và sự hỗ trợ từ Quỹ Người tị nạn Olympic. Cô nhớ lại một số thử thách mà cô đã vượt qua để đến Thế vận hội và việc được chào đón vào Đội tuyển Olympic Người tị nạn có ý nghĩa như thế nào đối với mình.

“Là một người tị nạn, tôi thấy khó chấp nhận rằng mình đã mất tất cả mọi thứ. Khi tôi đến Áo, tôi gặp khó khăn trong việc học một ngôn ngữ mới, kết bạn mới và hòa nhập vào nền văn hóa đó, và càng khó hơn trong việc theo đuổi ước mơ của mình, đó là tham gia Thế vận hội Olympic. Nếu không có sự hỗ trợ của Ủy ban Olympic quốc tế và Quỹ Người tị nạn Olympic, tôi đã không thể biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Còn Saman Soltani cho rằng: là người tị nạn không phải là sự lựa chọn đối với chúng tôi. Tôi tin rằng bất kể bạn nói ngôn ngữ nào, màu da nào, tôn giáo nào, giới tính nào hay bạn sống ở đâu, thì bạn đều xứng đáng được sống trong tự do và hòa bình. Điều đó là không thể đối với chúng tôi. Nhưng điều quan trọng là phải chấp nhận con người của bạn, và thậm chí quan trọng hơn là phản ứng của bạn đối với những gì đã xảy ra với bạn. Trong trường hợp của tôi, tôi là người Iran, tôi là một người tị nạn, và bây giờ tôi là một thành viên đáng tự hào của Đội tuyển Olympic Người tị nạn.

Sự hỗ trợ của Ủy ban Olympic quốc tế dành cho Đội tuyển Olympic Người tị nạn không chỉ giới hạn trong khoảng thời gian hai tuần của Thế vận hội Olympic mà các VĐV Người tị nạn sẽ nhận được hỗ trợ tài chính quanh năm để đủ điều kiện tham gia Thế vận hội Olympic và hòa nhập vào quốc gia chủ nhà.

Cho đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 74 VĐV được Chương trình hỗ trợ VĐV Người tị nạn của Quỹ đoàn kết Olympic hỗ trợ trong chu kỳ Olympic vừa qua, trong đó có 37 người được chọn vào đội tuyển để tham dự Olympic Paris 2024.

6 triệu đô la Mỹ đã được đầu tư vào học bổng dành cho VĐV Người tị nạn kể từ Thế vận hội Olympic mùa hè Rio 2016. Paris 2024 cũng chứng kiến ​​những thay đổi đáng kể của Đoàn Thể thao Olympic Người tị nạn như: Quỹ tị nạn Olympic (ORF) hiện đang hoạt động với tư cách là một Ủy ban Olympic quốc gia; Đoàn Thể thao Olympic Người tị nạn lần đầu tiên có biểu tượng riêng – có hình trái tim ở giữa – để thống nhất các VĐV, cũng như thiết kế huy hiệu riêng; một trang web mới ra mắt trước Paris 2024 đang cung cấp phạm vi đưa tin chuyên sâu về đội, trong khi chiến dịch kỹ thuật số '1 trong 100 triệu' đã thu hút sự chú ý đến hoàn cảnh khó khăn của những người phải di dời trên toàn thế giới; VĐV Olympic Cyrille Tchatchet, người đã thi đấu cho Đoàn Thể thao Olympic Người tị nạn tại  Olympic Tokyo 2020 đã trở thành y tá sức khỏe tâm thần được đào tạo, đang làm việc với tư cách là một trong những cán bộ phúc lợi Paris 2024.

Sự hỗ trợ của Ủy ban Olympic quốc tế dành cho người tị nạn cũng mở rộng hơn nhiều với các chương trình được triển khai cung cấp hỗ trợ 365 ngày một năm. Những hoạt động này được quản lý và thực hiện bởi Quỹ Người tị nạn Olympic được Ủy ban Olympic quốc tế thành lập với sự hợp tác của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn vào năm 2017 để tiếp tục cam kết bảo vệ, phát triển và trao quyền cho trẻ em và thanh thiếu niên trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương thông qua thể thao.

Sau đây là một số con số minh họa cho tiến trình mà quỹ đã đạt được kể từ đó và phạm vi hỗ trợ của quỹ: 132.600 thanh thiếu niên đã tham gia chương trình tại 11 quốc gia và 5 châu lục; 23,9 triệu đô la Mỹ đã được đầu tư để hỗ trợ những người phải di dời thông qua thể thao; 1.622 HLV đã được đào tạo để tổ chức các sự kiện thể thao an toàn và 152 không gian thể thao an toàn đã được tạo ra hoặc cải thiện; 140 tổ chức đã được huy động thông qua Liên minh Thể thao vì Người tị nạn.

A.T biên dịch

Ảnh trong bài
  • Đội tuyển Olympic Người tị nạn Paris 2024 mong muốn trở thành niềm tự hào