Theo đó, Phạm Thị Huệ có tên trong danh sách thi đấu ở loạt chèo thứ hai cùng 5 đối thủ là: Kenia Lechuga (Mexico), Karolien Florijn (Hà Lan), Alexandra Foster (Đức), Tatsiana Klimovich (Belarus), Alejandra Alonso (Paraguay).
Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt có mặt động viên các thành viên đội tuyển Đua thuyền Việt Nam
Tại vòng thi này có 4 lượt đua, mỗi lượt 6 VĐV. 3 VĐV đứng đầu sẽ giành vé vào bán kết. Phạm Thị Huệ là VĐV lớn tuổi nhất, nhiều hơn các đối thủ từ 4 đến 12 tuổi. Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn cũng như tinh thần thi đấu trong lần đầu tranh tài tại đấu trường danh giá nhất thế giới, nhưng Phạm Thị Huệ đã không thể vượt qua được các đối thủ khi họ hơn Huệ cả về sức trẻ lẫn chuyên môn và kinh nghiệm chinh chiến Olympic.
Kết thúc nội dung, Phạm Thị Huệ cán đích ở vị trí cuối cùng với thành tích 7 phút 56 giây 96. Với kết quả này, tay chèo của chúng ta chính thức dừng bước ở tứ kết và không có cơ hội cạnh tranh huy chương Olympic.
Ba vị trí dẫn đầu, giành vé vào bán kết A/B lần lượt là Karolien Florijn (Hà Lan, 7 phút 29 giây 07), Alexandra Foester (Đức, 7 phút 30 giây 98) và tay chèo Tatsiana Klimovic (Belarus, 7 phút 34 giây 30). Theo lịch, đại diện Việt Nam sẽ đấu bán kết C/D nhằm xác định thứ hạng chung cuộc từ 13 đến 24.
Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt luôn sát cánh, động viên tinh thần các VĐV thi đấu
Tay chèo Phạm Thị Huệ sinh năm 1988 tại Quảng Bình là thành viên đội tuyển Đua thuyền quốc gia. Cô là một trong những VĐV Rowing xuất sắc của Thể thao Việt Nam. Đến nay, ở tuổi 34, Phạm Thị Huệ đã sở hữu bộ sưu tập huy chương với 2 HCB ASIAD 2013, 06 HCV SEA Games. Trong đó, tấm HCV SEA Games năm 2015 là một thành tích đặc biệt ấn tượng bởi khi đó cô đang mang bầu 4 tháng. Với tài năng cùng niềm đam mê vô tận, tay chèo Phạm Thị Huệ đã luôn nỗ lực không ngừng nghỉ trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao để giành tấm vé chính thức đến với đấu trường Olympic Paris2024 sau 2 lần lỡ hẹn (Olympic 2016 và Olympic 2020, Huệ đều đạt chuẩn nhưng đều phải nhường vinh dự cho đồng đội thi nội dung đôi, vì trước đây mỗi quốc gia chỉ có một suất tham dự).
Lần đầu tiên góp mặt tại một kỳ Olympic khi đã 34 tuổi và không thể có cơ hội "dệt" nên giấc mơ huy chương của mình, nhưng giới chuyên môn và người hâm mộ đều phải "cảm thán" trước sự nỗ lực hết mình của tay chèo Việt Nam. Huệ hoàn toàn xứng đáng được trân trọng và biểu dương vì những gì đã đóng góp cho Thể thao nước nhà.
Thành tích 7 phút 56,96 giây tại vòng tứ kết sáng nay cũng là thành tích tốt nhất của Huệ trong năm nay. Như vậy cô đã đạt được mục tiêu vượt qua chính mình, lần đầu là vượt qua chính mình để vào được tới tứ kết và vào được tới tứ kết rồi thì cố gắng để có được thành tích tốt nhất.
Chắc chắn những ngày thi đấu trên đất Pháp sẽ là động lực, là niềm tin để tay chèo quê Quảng Bình nói riêng, các VĐV Việt Nam nói chung tiếp tục cống hiến, cố gắng hơn nữa trong hành trình hiện thực hóa giấc mơ “Nâng tầm ASIAD – Khát vọng Olympic” mà ngành TDTT đã đặt ra.
HP, ảnh Đoàn TTVN