Ngày 30/4/2024, đã trở thành mốc son chói lọi và không thể nào quên trong con đường sự nghiệp thể thao của tay vợt quê Đồng Nai Lê Đức Phát khi anh đón nhận tin vui: Chính thức đoạt vé tham dự nội dung đơn nam môn Cầu lông Olympic 2024. Đây là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ, với biết bao khó khăn, thử thách, thậm chí có những lúc tưởng như phải bỏ cuộc giữa chừng, nhưng tình yêu, cùng với sự đam mê với cây vợt đã giúp Đức Phát vượt qua tất cả để có mặt tại Thế vận hội lớn nhất thế giới.
Ngay sau khi giành vé đến Olympic Paris 2024, Lê Đức Phát đã bắt tay ngay vào quá trình tập luyện để nâng cao và hoàn thiện kỹ năng cũng như ổn định tâm lý.
Theo đó, BHL đội tuyển Cầu lông quốc gia đã xây dựng kế hoạch huấn luyện và thi đấu cho cả 2 VĐV có suất tới Paris. Với kế hoạch tập luyện ngày 2 buổi, nên trong tuần, Lê Đức Phát chỉ có thời gian nghỉ hồi phục vào chiều thứ 4, chiều thứ 7 và cả ngày chủ nhật.
HLV đội tuyển Cầu lông Chu Việt Bắc đánh giá: theo danh sách VĐV chính thức tham dự Olympic lần này, Đức Phát xếp hạng 74 thế giới và đứng thứ 35/41 ở nội dung đơn nam. Đây là top cuối các VĐV tham dự, khả năng đi tiếp vòng 2 với Phát là rất khó. Với VĐV của chúng ta, 2 tồn tại lớn nhất cần khắc phục là tâm lý, chịu áp lực trong-trước-sau trận đấu và vấn đề còn lại là thể lực, nhất là sức bền. Đây là 2 vấn đề BHL đã tập trung huấn luyện, giúp các VĐV có được sự cải thiện tốt nhất trong thời gian vừa qua.
Nhưng thực tế thể thao luôn là một bài toán khó, ngoài tài năng còn cần cả sự may mắn. Nên với Đức Phát thi đấu hết sức mình là điều tiên quyết. Thành tích không có gì nói trước được!
Đức Phát chụp ảnh cùng lãnh đạo Cục TDTT trong Lễ Xuất quân
Ngoài giờ tập luyện đổ mồ hôi dưới thời tiết nắng nóng, Đức Phát cũng được BHL chỉ ra các mặt yếu, hạn chế để có thể điều chỉnh kế hoạch tập luyện cụ thể. Ở thời điểm này, Đức Phát đang học chiến thuật, phối hợp các đòn đánh và thi đấu tập. Khối lượng các bài tập ở thời điểm này đã giảm đi khá nhiều để dành thời gian cho việc hồi phục trạng thái thể lực tốt nhất trước thềm Olympic.
Chia sẻ về quá trình tập luyện, Lê Đức Phát cho biết; Giáo án của chuyên gia người Indonesia được xây dựng dựa trên điểm yếu, điểm mạnh và phù hợp với từng VĐV, giúp phát huy được hết sở trường của mỗi cá nhân. Thời tiết khá oi bức, chúng tôi phải liên tục thay đổi trang phục để tập luyện. Nhưng với sự hỗ trợ của BHL và chuyên gia, tôi đang tích cực hoàn thiện kỹ năng để có sự chuẩn bị tốt nhất cho Thế vận hội.
Tấm vé Olympic không chỉ là động lực cho tôi mà còn là mục tiêu để các VĐV trẻ đam mê thể thao nói chung, Cầu lông nói riêng cố gắng hơn, quyết tâm hơn.
Theo nhiều chuyên gia nhận định: Đức Phát có lợi thế về thể hình, thể trạng với chiều cao 1m80. Phát rất mạnh trong những pha đập cầu, có khả năng điều cầu, bỏ nhỏ rất khéo (một khả năng không phải ai cũng làm được). Cho nên, thứ hạng ở thời điểm hiện tại chưa phản ánh được hết khả năng của tay vợt này.
Olympic vốn là sân chơi cho các VĐV tốp đầu thế giới. Với Lê Đức Phát, việc cạnh tranh thành tích là vô cùng khó khăn. Nhưng với Phát điều quan trọng nhất lúc này là phải tập luyện, tập luyện thật nhiều, ổn định tâm lý, thi đấu thật tốt. Hy vọng đúng điểm rơi phong độ, cộng thêm may mắn, tay vợt của chúng ta sẽ thuận lợi vượt qua vòng bảng với kết quả khả quan – một nền tảng quan trọng cho hành trình sau Olympic cho Lê Đức Phát.
Vào ngày 12/7 vừa qua, BTC đã tiến hành bốc thăm chia cặp đấu. Ở nội dung đơn nam Lê Đức Phát sẽ nằm ở bảng K cùng với VĐV Prananoy Haseena (Ấn Độ, hạng 13 thế giới) và Fabian Roth (Đức, hạng 82 thế giới). Do Prannoy Haseena luôn nằm trong tốp đầu thế giới nên mục tiêu khả dĩ nhất dành cho Phát là hướng đến kết quả tốt trước Fabian Roth - đối thủ mà Phát từng thắng 2-0 (21-17, 21-19) ở Giải Ba Lan mở rộng hồi tháng 3/2024.
Theo kế hoạch, Lê Đức Phát tiếp tục tập luyện tại Trường Đại học TDTT Bắc Ninh. Ngày 21/7, Phát sẽ di chuyển tới Pháp và bắt đầu làm quen sân tập từ 22-26/7 để chuẩn bị cho các trận đấu diễn ra từ 27/7-5/8.
Phương Mai, ảnh: FBNV