Olympic Paris 2024

Cung thủ Ánh Nguyệt ấn tượng với 2 kỳ tham dự Olympic liên tiếp

Sinh năm 2001, tại thôn Hồng Thái, xã Lạc Hồng (Văn Lâm), Hưng Yên, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt, hiện đang là nữ VĐV nổi bật của Bắn cung Việt Nam khi được góp mặt tại 2 kỳ Olympic liên tiếp là Olympic Tokyo 2020 và Olympic Paris 2024.

Vinh dự gắn với trách nhiệm

Ở kỳ Olympic trước diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản, cung thủ người Hưng Yên là VĐV trẻ tuổi nhất của đoàn Thể thao Việt Nam. Chỉ sau 3 năm, Ánh Nguyệt tiếp tục giành được tấm vé chính thức đến với Thế vận hội mùa hè năm 2024 tại Paris, Pháp. Mặc dù còn khá trẻ nhưng thành tích mà Ánh Nguyệt giành được thật đáng tự hào mà không phải VĐV đỉnh cao nào cũng có thể có được.

 Ánh Nguyệt từng bộc bạch: “Ít người biết rằng, Bắn cung không phải môn thể thao mà em theo đuổi ngay từ đầu. Tháng 7/2016, em được HLV Đào Văn Kiên (Phó Trưởng bộ môn Bóng chuyền - Bóng rổ, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) thuyết phục về tham gia thi đấu tại đội tuyển trẻ Bóng rổ nữ Hà Nội. Tuy nhiên, sau một thời gian chăm chỉ tập luyện, chính các HLV ở đội Bóng rổ phân tích giúp em thấy mình phù hợp với môn Bắn cung.

Đầu năm 2017, Ánh Nguyệt chính thức quyết định chuyển sang làm quen với môn thể thao này. Càng tập luyện càng thấy đam mê, những lần tập bắn luôn mang lại cho Ánh  Nguyệt những cảm xúc đầy phấn khích và đó cũng chính là động lực để nữ VĐV này đặt quyết tâm chinh phục đỉnh cao thành tích với bộ môn này”.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương động viên cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt (Ảnh: V. Duy)

Bắn cung là môn thể thao có tính chất đặc thù riêng, quá trình tập luyện trở thành VĐV đỉnh cao cần thời gian và sự cần mẫn, tập trung cao độ, quá trình rèn luyện khá vất vả. Từ tập luyện, thi đấu, VĐV phải đứng ngoài trời dưới điều kiện thời tiết nắng nóng của mùa hè, cái lạnh buốt của mùa đông để kéo những cây cung với lực lên đến gần 20 kg mỗi lần bắn. Nói về quá trình tập luyện, cô gái quê vùng nhãn lồng luôn tỏ ra thích thú, vui vẻ bởi, theo Ánh Nguyệt tập luyện Bắn cung giúp cho cô rèn luyện được tính kiên trì, trạng thái tĩnh để biết cách đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Chỉ ít lâu sau khi tập luyện với môn Bắn cung, Ánh Nguyệt đã thể hiện tố chất và tài năng nên đã được giới chuyên môn triệu tập lên đội tuyển Bắn cung Quốc gia. Tại đây, Ánh Nguyệt đã có bước tiến mạnh mẽ về thành tích. Năm 2019 tại giải vô địch Bắn cung châu Á, Ánh Nguyệt đã xuất sắc đoạt HCĐ nội dung cung một dây nữ, qua đó lọt tốp các VĐV giành tấm vé trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2020. Cũng trong năm 2019, tại SEA Games 30 diễn ra ở Philipines, Ánh Nguyệt tiếp tục gặt hái thành công khi giành tấm HCV đồng đội ở ngay lần đầu góp mặt tại đấu trường khu vực Đông Nam Á.

Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt miệt mài tập luyện nhằm đạt được phong độ thi đấu tốt nhất (Ảnh: FBNV)

Mặc dù, có bước tiến nhanh chóng về thành tích, song nữ cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt luôn ý thức rằng bản thân cần phải luôn nỗ lực cố gắng từng ngày để phát huy tốt nhất khả năng của mình, chinh phục những đỉnh cao thành tích.

Tong 2 năm trở lại đây, thành tích của Bắn cung Việt Nam có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, quãng trầm đó đã không làm ảnh hưởng nhiều đến ý chí của các cung thủ trong đội tuyển Bắn cung quốc gia, trong đó có nữ cung thủ Ánh Nguyệt. Họ luôn cần mẫn, nỗ lực, tỷ mỉ, trau chuốt trong từng mũi cung bắn. Từng ngày, từng ngày tuân thủ nghiêm túc giáo án huấn luyện và được chuyên gia và Ban huấn luyện chỉnh sửa, nắn nót từng động tác, giúp họ có được kỹ thuật và độ chuẩn xác, thi đấu hiệu quả, giành thành tích cao.

Minh chứng cho thấy, Bắn cung Việt Nam là một trong số ít môn Thể thao đã xuất sắc giành 2 tấm vé tham dự Olympic Paris 2024 là Ánh Nguyệt và Quốc Phong. Riêng đối với Ánh Nguyệt, thành quả này đến từ quá trình tập luyện, thi đấu liên tục để tích điểm của mình. Cô thi đấu tốt tại giải vô địch châu Á 2023 (tích lũy được 27 điểm), ASIAD 19 (21 điểm), vô địch thế giới 2023 (20 điểm), vòng loại Olympic châu Á 2023 (17 điểm). Thành tích này đã giúp Ánh Nguyệt lần thứ 2 được đến với đấu trường Olympic – sân chơi lớn nhất thế giới, dành cho những VĐV chuyên nghiệp, giỏi trên thế giới.

Trong chuyến thăm các đội tuyển có VĐV tham dự Olympic Paris tập trung tập huấn tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội vào tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã giành nhiều lời hỏi thăm, động viên ân cần tới cung Thủ Ánh Nguyệt và Quốc Phong. Trong đó, với Ánh Nguyệt Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhắn nhủ: Đây là lần thứ 2 Ánh Nguyệt được tham dự Olympic, là niềm tự hào lớn đối với cá nhân, bộ môn và ngành TDTT. Thứ trưởng mong muốn Ánh Nguyệt luôn giữ được tâm thế, hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam, kiên cường, mạnh mẽ tới bạn bè thế giới. Đồng thời, Ánh Nguyệt hãy phát huy vai trò, kinh nghiệm của mình qua lần tham dự Olympic trước cũng như các giải đấu quốc tế mà cô từng tham dự trong thời gian vừa qua để làm đòn bẩy, động lực thể hiện tốt nhất, giành thành tích cao nhất tại Olympic Paris 2024 lần này. Những kinh nghiệm và sự trải nghiệm đó vô cùng quý giá mà không phải VĐV đỉnh cao nào cũng có được, hy vọng Ánh Nguyệt sẽ biết vận dụng hiệu quả để mang vinh quang về cho Tổ quốc. 

Trước lời động viên của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục  TDTT, cung thủ Ánh Nguyệt nhận thấy đây là vinh dự song cũng là trách nhiệm mà cô phải hoàn thành tốt nhất. Ánh Nguyệt hứa sẽ cố gắng tiếp tục rèn luyện, nỗ lực hết mình để mang lại thành tích tốt nhất góp phần làm rạng danh nền thể thao nước nhà trên trường quốc tế.

Suất Olympic 2024 giúp cải thiện thu nhập cho Đỗ Thị Ánh Nguyệt

Việc giành suất Olympic lần này giúp Ánh Nguyệt thay đổi đáng kể về thu nhập, bởi tuyển thủ sẽ được nhận hỗ trợ 17 triệu đồng/tháng (kéo dài 48 tháng) từ thể thao Hà Nội. Ngoài ra, Ánh Nguyệt còn được hỗ trợ thêm lương hỗ trợ hàng thàng từ thể thao Hà Nội khi được tập trung đội tuyển quốc gia.

Bốn năm trước, thể thao Hà Nội chưa có chế độ hỗ trợ trên nhưng ở kỳ này nguồn hỗ trợ và thu nhập của VĐV giành vé Olympic đã khác và được cải thiện hơn rất nhiều. Những thay đổi từ phía địa phương – đơn vị VĐV đầu quân, cùng đầu tư trang thiết bị, tập huấn, thi đấu quốc tế mà ngành TDTT dành cho VĐV trọng điểm đã giúp cho VĐV đỉnh cao các đội tuyển Quốc gia trong đó có môn Bắn cung yên tâm tập luyện và cống hiến hết mình cho nền Thể thao nước nhà ở thời điểm hiện tại cũng như thời gian tiếp theo.

Hiện tại, cả Ánh Nguyệt và Quốc Phong đang tập luyện tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng mô, Sơn Tây, Hà Nội) đến hết ngày 14/7 để làm quen với tốc độ gió (tại đây có bãi tập rộng, không gian thoáng giúp VĐV có thể thích ghi, điều chỉnh tốc độ kỹ thuật bắn cung trong mọi hoàn cảnh) sau đó trở về Trung tâm HLTTQG Hà Nội chuẩn bị các thủ tục cuối cùng và thầy trò đội tuyển Bắn cung Việt Nam sẽ lên đường sang Pháp vào ngày 19/7 tới.

N. Hương, Ảnh: V. Duy

Ảnh trong bài
  • Cung thủ Ánh Nguyệt ấn tượng với 2 kỳ tham dự Olympic liên tiếp
  • Cung thủ Ánh Nguyệt ấn tượng với 2 kỳ tham dự Olympic liên tiếp