Thường trực Tiểu ban Văn hóa, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Bộ VHTTDL Nguyễn Phương Hòa cho biết: năm 2024 Tiểu ban đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác văn hóa trong cơ chế UNESCO và hoàn thành 66/70 nhiệm vụ (chiếm tỉ lệ 94,3 %) đề ra tại Kế hoạch đề ra. Trong đó, 2 hoạt động trong 10 sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2024.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương chủ trì phiên họp
Công tác của Tiểu ban Văn hóa đảm bảo bám sát tiến độ, triển khai hiệu quả, phát huy tích cực vai trò của Việt Nam trong việc đảm nhiệm đồng thời nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng tại 03 Công ước về văn hóa, góp phần khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với UNESCO. Đồng thời, Tiểu ban Văn hóa tích cực triển khai Công ước quốc tế về phòng chống doping trong thể thao và nghiên cứu, từng bước triển khai kế hoạch tham gia một số Công ước mới như: Công ước 2001 về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, Công ước UNIDROIT 1995 về tài sản văn hóa bị đánh cắp hoặc xuất khẩu trái phép.
Cụ thể, đối với vấn đề thực hiện Công ước quốc tế về phòng chống doping trong thể thao, Tiểu ban đã cử đại diện tham gia Nhóm công tác của UNESCO nhằm cung cấp các kiến thức chuyên môn góp phần xây dựng Công ước với tư cách là một điều ước quốc tế có ảnh hưởng sâu rộng, tập trung vào việc bảo vệ sự chính trực trong thể thao theo yêu cầu của UNESCO; Hoàn thiện và nộp báo cáo quốc gia thực hiện Công ước giai đoạn 2022-2023. Cùng với đó, Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BVHTTDL ngày 17/5 năm 2024 quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.
Hoạt động giáo dục truyền thông phòng, chống Doping trong TDTT được triển khai rộng khắp tại các Trung tâm huấn luyện trên cả nước, tại các Hội thể thao quốc gia và giải thi đấu thể thao.
Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống Doping cũng được tăng cường. Tiểu ban tiếp tục phối hợp với Tổ chức phòng, chống Doping Trung Quốc (CHINADA) theo thỏa thuận hợp tác với CHINADA giai đoạn 2023-2025; Tham dự Hội nghị, Hội thảo về phòng, chống Doping…
Đạt được kết quả nêu trên, bà Nguyễn Phương Hòa cũng chỉ ra những thuận lợi như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn; Luật Di sản văn hoá được Quốc hội thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2024 đã tạo ra hành lang pháp lý phù hợp với tình hình thực tiễn; Việc ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BVHTTDL ngày 17/5/2024 quy định về phòng, chống doping trong hoạt động TDTT đã giúp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan….
Cùng với đó, những khó khăn mà Tiểu ban đối mặt trong quá trình triển khai nhiệm vụ đó là: Nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Còn thiếu các chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm về bảo tồn di tích và năng lực ngoại ngữ để tham gia ngày càng sâu rộng vào các tổ chức quốc tế về di sản văn hóa. Nhận thức về tầm quan trọng công tác phòng chống doping của các cơ sở đào tạo VĐV, các Liên đoàn/Hiệp hội thể thao quốc gia chưa đầy đủ, công tác giáo dục chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống doping tại Việt Nam chỉ do Trung tâm Doping và Y học thể thao thực hiện là chưa đủ, cần có thêm sự vào cuộc đầy đủ của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, điều tra, quản lý thị trường đối với các chất cấm đang lưu hành trên thị trường….
Dựa trên những thuận lợi, khó khăn cũng như bài học kinh nghiệm có được, Tiểu ban Văn hóa đã xây dựng phương hướng, kế hoạch hoạt động trong năm 2025 với 15 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả Luật Di sản văn hoá 2024 sau khi Luật có hiệu lực thi hành và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản dưới Luật trong lĩnh vực trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ di sản văn hóa, nhất là các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa; Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các chính sách mới nhằm phục vụ công tác quản lý văn hóa; Tập trung trọng tâm vào công tác tham mưu, quản lý nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong sự nghiệp bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực vật thể, phi vật thể, bảo tàng, di sản tư liệu, góp phần giải quyết tốt, hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn bền vững giá trị di sản văn hóa với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch; Thực hiện nghĩa vụ thành viên tại Công ước quốc tế về phòng, chống doping trong thể thao và triển khai công tác phòng chống doping trong thể thao, bao gồm: công tác giáo dục truyền thông; công tác lấy mẫu kiểm tra doping; hợp tác quốc tế về phòng, chống doping….
Thường trực Tiểu ban Văn hóa, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Bộ VHTTDL Nguyễn Phương Hòa báo cáo tại phiên họp
Đánh giá cao về kết quả mà Tiểu ban Văn hóa đã đạt được năm 2024 với khối lượng công việc lớn, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: kết quả này sẽ tạo tiền đề quan trọng cho năm 2025 cũng như các năm tiếp theo. Phát huy những nỗ lực này, đồng thời nâng cao năng lực và mở rộng các nhiệm vụ trong năm mới 2025, Tiểu ban cần tiếp tục bổ sung các danh hiệu UNESCO, hoàn thiện các nhiệm vụ yêu cầu trong quý I, thành lập Ủy ban quốc gia ICOMOS, tham gia Công ước UNIDROIT để đẩy mạnh, hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ di sản văn hoá dưới nước và tìm kiếm, hồi hương di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam về nước…
Đề làm tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2025, tiếp tục phát huy và giữ vững vị trí dẫn đầu, Thứ trưởng đề cao công tác phối hợp chặt chẽ giữa Tiểu ban với các cơ quan, đơn vị liên quan; Đề nghị Cục TDTT bổ sung nhân sự vào Tiểu ban văn hóa đồng thời thực hiện có hiệu quả Công ước quốc tế về phòng, chống doping trong thể thao.
A.T, ảnh Văn Duy