TDTT Tuyên Quang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn mới

Thực hiện Kết luận 70 ngày 31/1/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực triển khai nhiều mục tiêu, giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đặc biệt, việc triển khai đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ phát triển TDTT từ thành phố đến cơ sở với việc thực hiện các chủ trương của Đảng, nhà nước, chính sách pháp luật về TDTT được đặt lên hàng đầu.

Đẩy mạnh TDTT quần chúng

Xác định được vai trò, tầm quan trọng của công tác TDTT đối với sức khỏe thể chất cũng như giá trị tinh thần đối với nhân dân, ngành VHTTDL Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm nhiều giải pháp để thúc đẩy TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Phát triển TDTT quần chúng, nền tảng để thúc đẩy thể thao thành tích cao của tỉnh phát triển

Theo đó, các hoạt động TDTT quần chúng, thể thao trường học, thể thao trong lực lượng vũ trang, công nhân, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị; người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm phát triển. Việc tập luyện TDTT hàng ngày dần đi vào nề nếp, có sức lan tỏa rộng khắp và phát triển mạnh mẽ ở thành phố, thị xã, khu đông dân cư…

Ngoài phát triển các môn thể thao hiện đại như: Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông…, nhiều môn thể thao dân tộc truyền thống của đồng bào dân tộc được gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Các môn thể thao dân tộc được nhân dân yêu thích như: Bắn nỏ, Tung còn, Kéo co… được tổ chức thường xuyên trong các dịp Lễ, Tết của địa phương, đất nước, trở thành các giải thể thao quần chúng, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động thể thao nhân dịp đón Xuân, vui Tết, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi trong nhân dân…

Để hoạt động TDTT đi vào thực chất, trở thành nhu cầu không thể thiếu của đông đảo nhân dân, ngành VHTTDL tỉnh luôn quan tâm, chú trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, trọng tài, hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT.  Hàng năm, tỉnh duy trì tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động thể thao nhân dịp lễ, Tết, hội thi, hội thao, các hoạt động giao lưu…

Với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ, các chỉ số về TDTT gia tăng hằng năm, tính đến năm 2023, tỷ lệ dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trên địa bàn tỉnh đạt 33%, gia đình thể thao đạt 28% số hộ. Hiện toàn tỉnh có trên 300 CLB TDTT, nhiều đội nhóm tập luyện TDTT ở cơ sở được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên. Đây cũng chính là minh chứng cho thấy cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân và ngày càng lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT quần chúng được coi là nền tảng để thúc đẩy thể thao thành tích cao của tỉnh gặt hái những thành công. Với đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, kinh phí dành cho thể thao còn hạn hẹp, nhưng trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đầu tư bài bản, khoa học của ngành VHTTDL tỉnh, thể thao thành tích cao của Tuyên Quang bước đầu đã gặt hái được những thành tích cao tại các giải quốc gia, giải trẻ quốc gia. Trong năm 2023, các VĐV Tuyên Quang đã giành  được 125 huy chương các loại, trong đó có 27 HCV, 40 HCB, 58 HCĐ; toàn tỉnh hiện có 63 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia (15 VĐV Kiện tướng và 48 VĐV cấp I).

Với phương châm lựa chọn những môn thế mạnh để đầu tư phát triển, thể thao thành tích cao Tuyên Quang hiện đang duy trì đào tạo 136 VĐV (trong đó ở đội tuyển tỉnh có 20 VĐV, đội tuyển trẻ 86 VĐV, đội tuyển năng khiếu 30 VĐV), luyện tập tại 7 môn thể thao, gồm: Bóng đá, Wushu, Muay, Pencak silat, Đua thuyền, Vật, Võ cổ truyền. Đây chính là những môn thể thao thế mạnh đã, đang và hứa hẹn sẽ giúp Tuyên Quang ghi dấu ấn tại các sân chơi quốc gia trong thời gian tới.

Trong 2 năm trở lại đây, Tuyên Quang đang triển khai thực hiện Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 với những lộ trình, mục tiêu bài bản sẽ là tiền đề quan trọng cho thể thao thành tích cao của tỉnh có cơ hội phát triển hơn nữa.

Từng bước hiện thực hóa các mục tiêu

Nhằm phát triển TDTT đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, Tuyên Quang hướng đến các mục tiêu quan trọng đó là: Số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đến năm 2025 đạt 40% và năm 2030 sẽ là 44,5% dân số. Số gia đình luyện tập TDTT đến năm 2025 đạt 32,5% và 36% vào năm 2030. Số trường học thực hiện chương trình thể thao ngoại khóa đạt 100% vào năm 2025, duy trì đến năm 2030. Số học sinh được đánh giá, xếp loại thể lực theo tiêu chuẩn đến năm 2025 đạt trên 99% và đến năm 2030 đạt 100%. 100% cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định. Có 80 CLB thể thao cơ sở đến năm 2025 và năm 2030 sẽ là  100 CLB . Phấn đấu đến năm 2030, 100% số xã, phường có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở không ngừng  đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách về TDTT; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về TDTT; tăng cường nguồn lực cho phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao…. Tỉnh cũng đã tăng cường hợp tác với các địa phương, nhất là các địa phương có phong trào TDTT phát triển và Trung tâm HLTT quốc gia trong công tác tập huấn, đào tạo VĐV thành tích cao. Đẩy mạnh ứng dụng Khoa học công nghệ trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV năng khiếu và các đội tuyển; tăng cường tổ chức các hoạt động thể thao gắn với phát triển Du lịch - Dịch vụ.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống thiết chế thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, Tuyên Quang có 2.756 công trình thể thao, trong đó: 11 nhà tập luyện, thi đấu thể thao, 1.114 sân Bóng chuyền, 139 sân Bóng đá mini, 496 sân Cầu lông, 29 sân Quần vợt, 32 bể bơi, 236 SVĐ không có khán đài và 700 sân chơi, bãi tập khác.

Tính đến hết năm 2023, có 105 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có sân chơi, bãi tập TDTT, trong đó có 46 sân thể thao đạt chuẩn; 1.653/1.733 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao, trong đó 1.340 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển.

Đặc biệt, để khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cho lĩnh vực TDTT, tỉnh cũng có những chính sách ưu đãi nhằm đẩy mạnh xã hội  hóa TDTT. Theo đó, các cơ sở hoạt động, kinh doanh về lĩnh vực thể thao (bể bơi, phòng tập thể hình, sân Bóng đá cỏ nhân tạo, sân Quần vợt…) trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, góp phần phục vụ tốt nhu cầu rèn luyện sức khỏe, vui chơi, giải trí, thi đấu và tập luyện thể thao của người dân.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các loại hình kinh doanh dịch vụ TDTT bước đầu đã mang lại những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, là tiền đề quan trọng mở ra hướng phát triển cho lĩnh vực kinh tế thể thao. Sự chung tay của một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong thực hiện xã hội hóa TDTT đã góp thêm nguồn lực quan trọng vào phát triển phong trào TDTT quần chúng của tỉnh. Hàng năm, ngành VHTTDL tỉnh duy trì tổ chức hàng trăm giải thể thao phong trào. Trong đó, nhiều giải có quy mô lớn được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp với sự tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia cổ vũ; cơ cấu giải thưởng, chất lượng chuyên môn cũng được nâng cao.

Thời gian tới, để công tác TDTT của địa phương phát triển bền vững, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 489-KH/TU thực hiện Kết luận 70/KL-TW của Bộ Chính trị, trong đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm đó là: Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với phát triển TDTT; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TDTT;  phát triển TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao; tăng cường các nguồn lực cho phát triển TDTT; tăng cường nguồn lực gắn với rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới thiết chế, cơ sở TDTT đồng bộ, từng bước hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thúc đẩy hợp tác công - tư, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cũng như tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo VĐV, HLV, trọng tài và cung cấp các dịch vụ TDTT. Xây dựng thói quen rèn luyện thân thể của từng gia đình, người dân thông qua duy trì các hoạt động TDTT quần chúng, từng bước nâng cao tỷ lệ gia đình, người dân tập luyện TDTT thường xuyên..

Bài, ảnh VD

Ảnh trong bài
  • TDTT Tuyên Quang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn mới