Nhóm văn bản quy định trực tiếp
Lĩnh vực thể thao hiện có Luật thể dục, thể thao (TDTT) năm 2006 điều chỉnh (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018), các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư, Thông tư liên tịch có liên quan.
Hệ thống pháp luật về TDTT đã tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tác dụng của TDTT trong việc bảo vệ, nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hoá lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế. Tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp TDTT.
Quốc hội họp sửa đổi Luật TDTT 2006
Từ chỗ TDTT hoàn toàn được bao cấp bởi nhà nước, đến nay thể thao Việt Nam đã từng bước được xã hội hoá, một số môn thể thao chuyển dần sang cơ chế thể thao chuyên nghiệp, vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TDTT ngày càng được nâng cao; các hoạt động TDTT được tổ chức thường xuyên trong các đối tượng và ở các vùng miền của đất nước, đã và đang thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân; hoạt động kinh doanh dịch vụ TDTT ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Có thể ghi nhận sự phát triển của thể thao Việt Nam trong những năm qua thông qua vài chỉ số như: tỷ lệ người tập thể dục thể thao thường xuyên tăng đạt 29,53% tổng số dân, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 21,2%, đoàn thể thao Việt Nam luôn nằm trong 3 nước đứng đầu các nước Đông Nam Á, một số VĐV đạt trình độ hàng đầu Châu Á và thế giới.
Một số nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân tham gia các giao dịch dân sự liên quan đến hoạt động thể thao mà pháp luật hiện hành đã hoàn thiện hơn so với trước đây. Cụ thể như sau:
Về quy định chung
Đối với TDTT quần chúng: Bổ sung quy định làm rõ thêm khái niệm về TDTT quần chúng; bổ sung chỉ tiêu đánh giá phát triển TDTT quần chúng, quy định về giảm giá vé, giá dịch vụ đối với trẻ em, học sinh sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng khi tập luyện TDTT tại các cơ sở thể thao công lập; Bổ sung quy định về thẩm quyền tổ chức giải thi đấu TDTT quần chúng.
Đối với TDTT trường học: Bổ sung trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đối với hoạt động TDTT tại các trường nghề; bổ sung trách nhiệm của Nhà trường về khuyến khích phát triển các môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc, thành lập các CLB thể thao; bổ sung quy định về thi đấu thể thao trong nhà trường theo đó Nhà trường phải tổ chức ít nhất 01 giải thi đấu mỗi năm phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.
Đối với Thể thao thành tích cao: Sửa đổi quyền và nghĩa vụ của VĐV, HLV theo hướng tách bách rõ quyền và nghĩa vụ; bổ sung quyền quan trọng của VĐV là được ưu tiên tuyển dụng vào làm việc tại các cơ sở thể thao, VĐV hoặc thân nhân của họ được hưởng trợ cấp nếu họ mất khả năng lao động hoặc chết trong quá trình tập luyện, thi đấu thể thao; Bổ sung thẩm quyền ban hành luật thi đấu của môn thể thao; Sửa đổi một số quy định về tổ chức giải thể thao thành tích cao theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
TP Hà Nội có chính sách khen thưởng riêng đối với VĐV và HLV xuất sắc
Đối với cơ sở thể thao: Sửa đổi điều kiện hoạt động của doanh nghiệp thể thao theo hướng bỏ quy định về việc phải có nguồn tài chính; Sửa đổi quy định về hộ kinh doanh thể thao theo hướng hộ kinh doanh chỉ phải bảo đảm điều kiện khi kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và bắt buộc phải có hướng dẫn.
Về chế độ, chính sách, khen thưởng đối với VĐV, HLV:
Ngoài chế độ khen thưởng chung theo quy định của Luật thi đua, khen thưởng, VĐV, HLV còn được hưởng các chế độ, chính sách, thưởng đặc thù như: Chế độ tiền công theo ngày, bảo hiểm, trợ cấp, thưởng bằng tiền khi đạt thành tích, chế độ dinh dưỡng đặc thù, chế độ về trang thiết bị, phương tiện tập luyện và thi đấu thể thao theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BVHTTDL quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao. Tuy nhiên Thông tư này chỉ điều chỉnh đối với đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia, chế độ kiểm tra sức khỏe, chế độ ưu tiên xét tuyển thẳng vào các trường Đại học, cao đẳng theo quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 5/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chế độ đặc thù khi vào nghề ở tuổi dưới 15, dưới 13 hoặc tập luyện, thi đấu ở các môn thể thao nặng nhọc, độc hại…
Bên cạnh đó, trong hệ thống còn có quy định riêng về chế độ, chính sách khác của các địa phương nhằm thu hút nhân tài trong các lĩnh vực trong đó có TDTT (Ví dụ: Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…).
Về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao, lệ phí thẩm định
Theo quy định hiện hành, điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao gồm 3 loại là cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân viên chuyên môn và vốn. Tuy nhiên thực chất thì chỉ có cơ sở vật chất, trang thiết bị là điều kiện chung cho mọi hoạt động thể thao, còn nhân viên chuyên môn chỉ áp dụng đối với những hoạt động thể thao mạo hiểm và bắt buộc phải có hướng dẫn. Còn vốn trong kinh doanh thể thao do doanh nghiệp tự bảo đảm, nhà nước không can thiệp.
Hiện nay, các thông tư về từng môn đang được sửa đổi bổ sung, theo hướng quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân viên chuyên môn tổ chức tập luyện và thi đấu từng môn thay cho quy định về điều kiện chuyên môn của cơ sở thể thao từng môn nhằm bảo đảm phù hợp với Luật TDTT và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
Nhóm các văn bản pháp luật liên quan
Thuế giá trị gia tăng (Thuế GTGT)
Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định đối tượng không chịu thuế tại khoản 12 Điều 5: “Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân (bao gồm cả vốn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân), vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội”. Như vậy, các khoản đóng góp không nhằm mục đích kinh doanh, thương mại mà phục vụ lợi ích công cộng không phải chịu thuế GTGT.
Lĩnh vực văn hóa (bao gồm hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập phim, phát hành và chiếu phim) được hưởng mức thuế suất ưu đãi 5%. Đối với các hàng hóa, dịch vụ khác chịu mức thuế suất 10% (trong đó có các dịch vụ, hoạt động du lịch).
- Các quy định nêu trên của Luật được cụ thể tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, theo đó:
Đối tượng không chịu thuế GTGT: “12. Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân (bao gồm cả vốn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân), vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội; 13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.”
Đối tượng được hưởng ưu đãi thuế suất 5%:
“13. Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim.
a) Hoạt động văn hóa, triển lãm và thể dục, thể thao, trừ các khoản doanh thu như: bán hàng hóa, cho thuê sân bãi, gian hàng tại hội chợ, triển lãm…”.
Nhìn chung, đối với Luật thuế GTGT thì các chính sách thuế trong lĩnh vực VHTTDL cơ bản hợp lý. Hiện chỉ nên đề xuất kéo dài thời gian giảm, miễn thuế theo các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid - 19.
Thuế thu nhập doanh nghiệp (Thuế TNDN)
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2013 đã quy định các trường hợp được miễn thuế tại Điều 4. Tuy nhiên, theo đánh giá, các trường hợp miễn thuế theo quy định trên còn chưa đầy đủ. Văn hóa, thể thao cũng là lĩnh vực đang được đẩy mạnh xã hội hóa, đặc biệt đối với các cơ sở trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Vì vậy, cần bổ sung và quy định cụ thể “Phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của luật chuyên ngành về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác” là phần thu nhập được miễn thuế TNCN, tạo điều kiện cho các cơ sở đang thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa và thể thao.
Tương tự cần bổ sung khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là khoản tài trợ cho văn hóa, thể thao tại Điều 9 Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:
“2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
n) Khoản tài trợ, trừ khoản tài trợ cho văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà cho các đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật, khoản tài trợ theo chương trình của Nhà nước dành cho các địa phương thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;”.
- Về ưu đãi thuế suất, theo quy định thì thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 10% (thuế TNDN thông thường là 22%). Nhìn chung mức thuế TNDN đối với các doanh nghiệp này (trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch) tương đương và thấp hơn mức thuế suất ưu đãi (dao động ở các mức 1%, 2%, 5%, riêng tiền bản quyền 10%), thể hiện nghĩa vụ của các doanh nghiệp hoạt động có nguồn sinh phát sinh tại Việt Nam.
- Nghị định số 218/2013/NĐ-CP cũng quy định về trường hợp miễn thuế, giảm thuế đối với các doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Với mức thuế suất ưu đãi lớn (10%) và Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo,... cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với các doanh nghiệp đang thực hiện xã hội hóa, những hỗ trợ trong giai đoạn đầu khó khăn khi chuyển đổi.
- Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh quy định cụ thể hơn về trường hợp ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa, được áp dụng Thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động. Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các doanh nghiệp thực hiện xã hội hoá được thực hiện theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định (Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013).
- Bên cạnh ưu đãi đối với các doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa, các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập cũng được nhận các chính sách khuyến khích phát triển (như đơn vị sự nghiệp thể thao) theo các quy định tại Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập và các quy định của pháp luật liên quan và được hướng dẫn tại Thông tư số 91/2006/TT-BTC ngày 01/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tóm lại, đối với Luật thuế TNDN, cần đề xuất bổ sung một số khoản thu nhập được miễn thuế và khoản chi hỗ trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Thuế tiêu thụ đặc biệt (Thuế TTĐB)
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trong lĩnh vực văn hóa, thể thao). Trong đó, thuế suất đối với kinh doanh golf chịu mức thuế suất 20%. Đây là mức thuế suất thấp nhất trong mức thuế suất đối với dịch vụ. Tuy nhiên đây là loại hình thể thao duy nhất bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Đối với dịch vụ golf, để thực hiện xây dựng cũng như bảo trì sân golf ảnh hưởng lớn đến việc quy hoạch đất đai cho sân golf (đặc biệt là đất nông nghiệp, đất trồng rừng). Do vậy, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với kinh doanh sân golf cũng như hạn chế môn thể thao này để tránh việc lạm dụng đất cho việc xây dựng sân golf.
Tóm lại, đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt thì các chính sách thuế hiện hành là cơ bản phù hợp.
Các chính sách, chế độ, quy định chuyên ngành liên quan đến thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao
Ngày 30/5/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ), tại Nghị định đã nêu nguyên tắc thực hiện chính sách xã hội hóa: “Nhà nước áp dụng mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ sở thực hiện xã hội hóa để khuyến khích đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ”. Điều 8 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp quy định mức thuế suất ưu đãi và miễn thuế, giảm thuế đối với một số trường hợp cơ sở xã hội hóa mới thành lập, tuân theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Điều kiện để các cơ sở xã hội hóa được hưởng các chính sách của Nghị định số 68/2008/NĐ-CP là cơ sở phải thuộc danh mục các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Quyết định số 1466/QĐ-TTg quy định loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao:
Trong đó, về thể thao: 05 loại hình: Cơ sở đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao (năng khiếu và thành tích cao); Sân thể thao (sân điền kinh, sân bóng đá, sân bóng chuyền, sân cầu lông, sân quần vợt, sân bóng rổ, sân bóng ném, sân tập, sân vận động, khu liên hợp thể thao); Bể bơi, bể nhảy cầu, bể vầy, bể hỗn hợp, câu lạc bộ bơi lội; Câu lạc bộ thể thao dưới nước; Nhà luyện tập thể thao, Liên đoàn, hiệp hội thể thao; Câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp. Các loại hình này cũng gồm tiêu chí về quy mô và tiêu chí về chất lượng. Đối với tiêu chí về quy mô, các sân tập chủ yếu xây dựng phải đáp ứng quy định tại các Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 287-2004, TCVN 281:2004, TCVN 288:2004), các tiêu chuẩn quốc gia này đã cũ và được thay thế bởi nhiều Tiêu chuẩn quốc gia mới như TCVN 4204:2012, TCVN 4260:2012, TCVN 9365:2012.
Qua đánh giá cho thấy: Sau thời gian thực hiện các tiêu chí và tiêu chuẩn tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg chưa phù hợp với thực tế và một số điều cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với hệ thống pháp luật tại thời điểm đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn, tiêu chí tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg tại Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013. Nhìn chung các quy định tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg và Quyết định số 693/QĐ-TTg còn cao, các cơ sở xã hội hóa khó có thể đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn được đưa ra. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn tại 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo hướng hạ thấp và giảm bớt (chủ yếu với tiêu chí về quy mô) để tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện xã hội hóa đạt được các chỉ tiêu và được hưởng chính sách khuyến khích của nhà nước, thúc đẩy phát triển xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của nhân dân.
Đối với Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
- Theo quy định của Luật Đầu tư thì “Đầu tư cơ sở luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao cho người khuyết tật hoặc chuyên nghiệp; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;” nằm trong ngành nghề được ưu đãi đầu tư.
Nghị định 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định rõ ngành nghề ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực văn hoá, thể thao gồm:
“7. Đầu tư kinh doanh trung tâm thể dục, thể thao, nhà tập luyện, câu lạc bộ thể dục thể thao, sân vận động, bể bơi; cơ sở sản xuất, chế tạo, sửa chữa trang thiết bị, phương tiện tập luyện thể dục thể thao.
8. Đầu tư kinh doanh thư viện công cộng cấp huyện, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học, thư viện thuộc các cơ sở giáo dục, thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và phát triển văn hóa đọc phục vụ học tập suốt đời.”
Theo quy định nêu trên, có thể thấy các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để kinh doanh hoạt động TDTT được khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh dịch vụ TDTT (tập luyện, thi đấu, biểu diễn…) thì chưa được khuyến khích.
- Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư thì trong 5 lĩnh vực, ngành nghề được áp dụng phương thức này chưa có lĩnh vực văn hoá, thể thao. Điều này cũng hạn chế việc thu hút nguồn lực trong xã hội để phát triển.
Tuy nhiên hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang triển khai mô hình thí điểm, theo đó ngày 24/6/2023, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó tại khoản 5 Điều 4 quy định: “…Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa…” đã mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của TPHCM.
Ngày 19 tháng 9 năm 2023, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND về Quy định quy mô đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, thể thao và văn hóa. Trong đó có quy định, đối với các thiết chế văn hóa, thể thao do Thành phố quản lý phải có quy mô từ 45 tỷ đồng trở lên; đối với các thiết chế văn hóa, thể thao do quận, huyện và thành phố Thủ Đức quản lý phải có quy mô từ 10 tỷ đồng trở lên.
Sở Văn hóa và Thể thao đã có Tờ trình số 5526/TTr-SVHTT ngày 01 tháng 11 năm 2023 về Ban hành Kế hoạch đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (PPP). Trong đó, đính kèm dự thảo Kế hoạch Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (PPP). Ngày 8/12/2023, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 181/NQ-HĐND về danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư, ngành văn hóa và thể thao có 23 dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Lê Thanh Liêm – Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL