Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển và đòi hỏi sự hội nhập sâu rộng, TDTT đang trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng để xây dựng hình ảnh quốc gia, thúc đẩy tinh thần đoàn kết cộng đồng và đang được kỳ vọng hình thành nền kinh tế thể thao đóng góp xứng tầm cho GDP cả nước trong những năm tới. Có thể thấy TDTT không chỉ là hoạt động rèn luyện thể chất hướng đến thể thao thành tích cao mà còn mang ý nghĩa to lớn về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa. Ở Việt Nam, thể thao đang vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng, gắn kết xã hội và thúc đẩy tinh thần yêu nước. Đồng thời, thể thao cũng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng thương hiệu địa phương, quảng bá du lịch và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, sự chênh lệch về nguồn lực, điều kiện tự nhiên và trình độ quản lý và trình độ ứng dụng khoa học công nghệ giữa các địa phương đã và đang đặt ra những thách thức lớn trong phát triển thể thao. Trong thời đại số, hợp tác thể thao giữa các địa phương không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là giải pháp chiến lược để phát huy lợi thế cạnh tranh, chia sẻ nguồn lực, và ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển thể thao. Các địa phương không chỉ tập trung vào việc phát triển thể thao nội bộ mà còn phải liên kết, hợp tác với nhau để nâng cao năng lực tổ chức các sự kiện thể thao lớn, phát triển tài năng trẻ và xây dựng cơ sở hạ tầng. Hợp tác thể thao giữa các địa phương đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt trên cả lĩnh vực quốc gia và quốc tế.
Hợp tác giữa Sở VHTT TPHCM và Sở VHTTDL Thừa Thiên Huế
1. Tận dụng thế mạnh riêng để tạo sức mạnh tổng hợp:
Từ góc nhìn kinh tế trong hợp tác thể thao nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác lợi thế so sánh trong phát triển. Mỗi địa phương tại Việt Nam đều sở hữu những thế mạnh riêng, từ điều kiện tự nhiên, văn hóa đến cơ sở vật chất thể thao như các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Sơn La có điều kiện lý tưởng để phát triển các môn thể thao leo núi, điền kinh độ cao. Vùng đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống sông nước phù hợp cho các môn thể thao đua thuyền, chèo SUP. Các tỉnh duyên hải thì có thế mạnh trong phát triển các môn thể thao biển gắn với du lịch thể thao. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội lại có lợi thế về cơ sở vật chất hiện đại và nguồn tài trợ dồi dào. Việc hợp tác giữa các địa phương sẽ cho phép tận dụng tối đa các lợi thế này. Chẳng hạn, vận động viên từ các tỉnh đồng bằng có thể được đưa đến vùng núi để tập luyện các môn cần độ bền và sức mạnh trong môi trường khắc nghiệt, trong khi các vận động viên miền núi có thể tiếp cận với trang thiết bị hiện đại tại các trung tâm thể thao ở đô thị.
Cụ thể tháng 12/2024 mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh Hoá đã ký kết hợp tác thể thao trọng tâm vào các nội dung: Hợp tác tuyển chọn và ứng dụng khoa học công nghệ trong huấn luyện thể thao hiện đại; Ứng dụng khoa học trong giám định vận động viên, đặc biệt chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo AI tạo "trợ lý ảo" hỗ trợ HLV trong công tác huấn luyện như: huấn luyện nhóm cơ, thể lực, tâm lý, dinh dưỡng, lập kế hoạch huấn luyện...; Chia sẻ kinh nghiệm, mô hình quản trị hệ thống đào tạo VĐV; lượng hoá giá trị kinh tế trong tổ chức giải, sự kiện thể thao cộng đồng. Trước đó, Ngành TDTT của TPHCM cũng đã ký kết hợp tác với Vĩnh Long trong phối tuyển chọn vận động viên năng khiếu ban đầu bằng các thiết bị khoa học công nghệ từ Thành phố Hồ Chí Minh và nguồn nhân lực tham gia tuyển chọn từ Vĩnh Long.
2. Tối ưu hóa nguồn lực tài chính và cơ sở hạ tầng:
Việc đầu tư đồng bộ vào cơ sở vật chất cho các môn thể thao tại từng địa phương riêng lẻ có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực. Thực tiễn cho thấy nhiều công trình thể thao vận hành kém hiệu quả sau khi đầu tư xây dựng. Thay vào đó, mô hình hợp tác giữa các địa phương, như chia sẻ cơ sở vật chất cho công tác huấn luyện đào tạo, hay tổ chức thi đấu và khai thác các dịch vụ thể dục thể thao cho mọi người. Hợp tác này gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, cơ sở hạ tầng thể thao.
Hiện nay, hợp tác thể thao giữa các địa phương ở Việt Nam chủ yếu diễn ra dưới các hình thức liên kết tổ chức sự kiện thể thao, các giải đấu liên tỉnh, liên vùng như Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội Thể thao toàn quốc, hoặc các giải khu vực, miền. Bước đầu, hình thành các mô hình hỗ trợ đào tạo và phát triển tài năng trẻ, nhiều địa phương đã chia sẻ nguồn lực, gửi vận động viên tiềm năng đến các trung tâm đào tạo thể thao lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quân Đội... Từ đó, đã đạt được những thành tựu trong nâng cao chất lượng vận động viên, thông qua việc liên kết, nhiều vận động viên trẻ ở các tỉnh đã có cơ hội được huấn luyện trong môi trường chuyên nghiệp hơn, góp phần nâng cao thành tích quốc gia.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng hợp tác thể thao giữa các địa phương vẫn còn một số hạn chế như thiếu đồng bộ trong quy hoạch và chiến lược do một số địa phương chưa có kế hoạch dài hạn hoặc thiếu sự phối hợp chặt chẽ. Nhiều tỉnh, thành vẫn gặp khó khăn trong việc đầu tư cho thể thao, dẫn đến sự mất cân bằng trong phát triển. Chưa có các quy định cụ thể để điều phối và giám sát hợp tác thể thao giữa các địa phương. Thậm chí còn có một số biểu hiện tiêu cực khi chia sẻ huy chương, thành tích không trong sáng làm xấu đi hình ảnh thể thao nước nhà.
Thể thao TPHCM luôn là 1 trong 2 ngọn cờ đầu
3. Chia sẻ nguồn nhân lực: Đào tạo vận động viên dựa trên đặc trưng vùng miền
Mỗi vùng miền Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực đặc thù, với các đặc điểm thể chất và kỹ năng khác nhau. Ví dụ, người dân vùng Tây Nguyên thường có sức bền tốt và thể lực vượt trội, phù hợp với các môn điền kinh, trong khi người dân ven biển lại có khả năng thích nghi với các môn thể thao dưới nước. Việc đào tạo vận động viên dựa trên đặc điểm vùng miền sẽ giúp phát huy tối đa tiềm năng của từng cá nhân và địa phương. Hợp tác giữa các địa phương cũng cho phép hình thành các trung tâm đào tạo liên vùng hay trung tâm thể thao biển, nơi các vận động viên từ nhiều địa phương có thể học tập và rèn luyện cùng nhau. Những trung tâm này không chỉ tập trung vào chuyên môn mà còn có thể tích hợp các yếu tố giáo dục văn hóa, nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của vận động viên. Cụ thể hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống các trường Đại học đa dạng, thu hút các sinh viên các tỉnh về học tập, trong đó có các vận động viên thể thao. Việc hợp tác để hỗ trợ đào tạo vận động viên trong thời gian học tập Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp thể thao các tỉnh duy trì, nâng cao chất lượng nguồn lực thể thao của mình mà không bị "chảy máu" nguồn lực VĐV.
Trong tình hình mới, với sự phát triển nhanh chóng của thể thao và nhu cầu tổ chức các sự kiện thể thao lớn, việc hợp tác giữa các địa phương không chỉ là lựa chọn mà còn là yêu cầu bắt buộc. Điều này giúp tối ưu hóa nguồn lực thông qua việc các địa phương có thể chia sẻ cơ sở vật chất, kinh nghiệm quản lý và nguồn nhân lực để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Việc hợp tác diện rộng giữa các địa phương còn giúp nâng cao vị thế quốc gia bằng cách thông qua các sự kiện thể thao liên tỉnh, liên vùng, xuyên Việt Nam có thể xây dựng hình ảnh quốc gia mạnh mẽ và chuyên nghiệp hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó còn giúp gắn kết cộng đồng, hợp tác thể thao tạo cơ hội cho người dân các địa phương giao lưu, tăng cường sự đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau.
4. Chia sẻ và luân chuyển chuyên gia huấn luyện:
Một trong những thách thức lớn của thể thao Việt Nam là sự thiếu hụt đội ngũ huấn luyện viên chất lượng cao, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vận động viên và khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Để khắc phục vấn đề này, mô hình luân chuyển chuyên gia huấn luyện giữa các địa phương được xem là giải pháp chiến lược, mang lại hiệu quả vượt trội so với việc mỗi địa phương tự tuyển dụng và đào tạo đội ngũ huấn luyện riêng. Thay vì phân tán nguồn lực, việc tập trung vào một hệ thống luân chuyển giúp tận dụng tối đa chuyên môn của các huấn luyện viên xuất sắc, đồng thời tạo ra cơ hội để các địa phương nhỏ và thiếu nguồn lực tiếp cận các chương trình huấn luyện tiên tiến. Ví dụ, một chuyên gia giỏi không chỉ hướng dẫn cho một địa phương mà còn có thể tổ chức các buổi tập huấn chung, nơi các đội tuyển của nhiều tỉnh cùng tham gia. Điều này không chỉ nâng cao trình độ vận động viên mà còn giảm đáng kể chi phí cho việc mời chuyên gia riêng lẻ tại từng địa phương.
Ngoài ra, mô hình này còn khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương trong việc xây dựng các trung tâm huấn luyện liên vùng. Những trung tâm này không chỉ là nơi tổ chức huấn luyện mà còn là môi trường trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học thể thao và thử nghiệm các công nghệ huấn luyện mới. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời đại số, khi công nghệ ngày càng đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo. Việc luân chuyển chuyên gia còn giúp giảm tình trạng “độc quyền” kiến thức và kỹ năng, đồng thời mở rộng cơ hội phát triển đồng đều giữa các địa phương. Đây là bước tiến quan trọng để xây dựng một nền thể thao Việt Nam mạnh mẽ và bền vững, đáp ứng kỳ vọng cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Hơn nữa thực tiễn có sự phân bố không đồng đều đội ngũ huấn luyện viên cả nước, các tỉnh, thành lớn thì dôi dư huấn luyện viên, cạnh tranh khốc liệt trong tuyển chọn, sử dụng huấn luyện viên, trong khi các tỉnh thì thiếu hụt lực lượng huấn luyện viên thể thao chất lượng cao. Để giải quyết vấn đề này cần có chiến lược, kế hoạch cấp quốc gia để có chính sách ưu đãi, khuyến khích huấn luyện viên trẻ về các tỉnh rèn luyện, phát triển để cân đối sự phát triển thể thao ở các địa phương trên toàn quốc.
5. Phát triển kinh tế thể thao và ứng dụng công nghệ
Thể thao không chỉ mang lại giá trị văn hóa mà còn là một lĩnh vực kinh tế hấp dẫn. Các sự kiện thể thao như SEA Games, giải bóng đá quốc gia, hay các giải marathon đã tạo ra nguồn thu lớn từ vé, tài trợ, du lịch, các dịch vụ và bán hàng. Việc hợp tác giữa các địa phương trong tổ chức sự kiện sẽ giúp tối ưu hóa lợi nhuận, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế vùng. Ví dụ, các địa phương có thể liên kết tổ chức giải thể thao theo mô hình "Tour liên vùng, Tour xuyên Việt", vừa quảng bá hình ảnh du lịch vừa tạo doanh thu lớn từ phí đăng ký và tài trợ. Ngoài ra, việc hợp tác cũng giúp xây dựng thương hiệu thể thao vùng miền, từ đó thu hút thêm đầu tư trong và ngoài nước.
Để hiện thực hóa xu thế này, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: xây dựng khung pháp lý và chính sách, hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách để hỗ trợ hợp tác thể thao. Ban hành các tiêu chí đánh giá hiệu quả hợp tác, từ đó khuyến khích các địa phương tiên phong. Kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào các trung tâm thể thao, sân vận động. Khuyến khích các địa phương chia sẻ, tận dụng cơ sở vật chất hiện có để giảm chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo và phát triển nhân lực, xây dựng các chương trình đào tạo chung giữa các địa phương, tăng cường trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quản lý và tổ chức sự kiện thể thao. Và sau cùng là tăng cường truyền thông và quảng bá, sử dụng các nền tảng truyền thông hiện đại để quảng bá các giải đấu, sự kiện thể thao liên tỉnh. Kết hợp quảng bá thể thao với các sản phẩm du lịch, văn hóa địa phương.
Tóm lại, hợp tác thể thao giữa các địa phương là xu thế tất yếu trong phát triển thể thao Việt Nam. Đây không chỉ là giải pháp để tối ưu hóa nguồn lực mà còn là chìa khóa để nâng cao vị thế thể thao Việt Nam trên trường quốc tế. Trong thời đại số, việc ứng dụng công nghệ, chia sẻ lợi thế cạnh tranh, và phát triển khoa học thể thao sẽ giúp Việt Nam đạt được những bước tiến vượt bậc, không chỉ trong thể thao chuyên nghiệp mà còn ở lĩnh vực kinh tế thể thao.
Hướng tới tương lai, cần có những chính sách cụ thể từ cấp trung ương và địa phương để thúc đẩy sự hợp tác này. Các chương trình thí điểm, cơ chế khuyến khích và hệ thống đánh giá hiệu quả hợp tác sẽ là nền tảng quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này, đóng góp vào sự phát triển bền vững của thể thao Việt Nam.
TS. Lý Đại Nghĩa (Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT TPHCM)