Ngay từ khi khai sinh ngành TDTT cách mạng nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác đối ngoại của TDTT, coi đây phương tiện quan trọng để giao lưu, đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trong cộng đồng quốc tế. Cũng như mọi hoạt động đối ngoại ở trong nước hay quốc tế đều phải đặt mục tiêu đoàn kết, hữu nghị lên hàng đầu.
Sau Cách mạng Tháng Tám, việc xây dựng nền TDTT đã tiếp thu và kế thừa mọi thành tựu thể thao dân tộc và thể thao quốc tế từng phát triển trước đây. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Thể thao việt Nam có cơ hội giao lưu với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đã tích cực đóng góp vào việc tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, bạn bè quốc tế vì mục đích hòa bình. Sự tham gia của Đoàn thể thao Việt Nam tại các đại hội GANEFO hay Tổ chức thể thao hữu nghị Quân đội (SKDA) đã thể hiện mong muốn hòa bình và hữu nghị của nhân dân ta.
Trong thời kỳ 1954 – 1975, công tác đối ngoại TDTT cũng đã góp phần đáng kể phục vụ đường lối đối ngoại của Đảng và Chính phủ. Các quan hệ quốc tế về TDTT ở miền Bắc đã bám sát và phục vụ các nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thắt chặt quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia; đoàn kết hợp tác với các nước Á, Phi, Mỹ La tinh, đoàn kết tranh thủ sự giúp đỡ của các nước XHCN.

Cục trưởng Đặng Hà Việt ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục TDTT Việt Nam và Đại sứ quán Pháp
Với đường lối Đổi mới, Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước, cùng hội nhập và phát triển, Việt Nam đã tiếp thu các môn thể thao của các nước đăng cai các kỳ SEA Games, đồng thời đăng cai tổ chức SEA Games 2003 và giữ vị trí Nhất toàn đoàn. Việt Nam cũng tham gia tranh tài ASIAD và Olympic, từng bước nâng cao vị thế của Thể thao Việt Nam và tạo được dấu ấn thiện cảm về đất nước và con người Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.
Ngày nay, quan hệ hợp tác quốc tế về TDTT tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng. Hoạt động quan hệ quốc tế về TDTT của Việt Nam những năm qua tiếp tục phát triển sâu rộng với nhiều cường quốc thể thao trên thế giới, ở tất cả các châu lục: Châu á - Thái Bình Dương, Âu, Mỹ, Mỹ La Tinh, kể cả Bắc Phi, như các nước Asean, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Italia, Anh, Pháp, Đức, Nga, Đan Mạch, Phần Lan, các nước Đông Âu cũ như Cộng hoà Sec, Slovakia, Bungari, Rumani, Mỹ, Achentina, Brazin... và nhiều nước khác trên thế giới. Quan hệ quốc tế về TDTT với các nước này ngày càng tập trung vào mục tiêu chất lượng, thiết thực và hiệu quả, phù hợp với các điều kiện kinh tế tài chính, trình độ chuyên môn, thể chất con người Việt Nam nhằm mục đích phát triển nền TDTT Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Việc mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế đã góp phần tích cực vào việc tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân ta và nhân dân các nước, đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ của các nước về đào tạo cán bộ, VĐV, HLV, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật TDTT để từng bước nâng cao thành tích thể thao của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực TDTT. Gần nhất vào đầu năm 2025, đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thể thao giữa Việt Nam và Pháp nhằm phát triển năng lực thể thao thành tích cao cũng như hướng tới nâng cao giá trị của thể thao đối với thanh niên hai nước; tạo điều kiện để hai bên trao đổi kinh nghiệm, giao lưu và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác huấn luyện, đào tạo.
Cùng với đó các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, các ngành, địa phương triển khai thực hiện hoạt động với các tổ chức thể thao quốc tế và các quốc gia nhằm mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo, huấn luyện VĐV, trao đổi chuyên gia, trao đổi các đoàn thể thao tham dự các cuộc thi đấu, hợp tác về khoa học, y học, phòng chống Doping trong lĩnh vực TDTT; tổ chức đón tiếp chu đáo các đoàn khách quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt Nam; thuê và quản lý các chuyên gia nước ngoài huấn luyện cho các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.
Phân tích rõ vai trò của ngoại giao Thể thao, Phó Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Lê Thị Hoàng Yến cho biết: Tại Việt Nam, Ngoại giao và Thể thao là hai lĩnh vực có tác động qua lại lẫn nhau. Các hoạt động ngoại giao trong thể thao đã góp phần thúc đẩy quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia khác giúp phát triển kinh tế xã hội, là sợi dây gắn kết mối quan hệ hợp tác song phương bền vững.
Nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Mở rộng hợp tác quốc tế ở lĩnh vực TDTT cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Việt Nam đặt ra trong Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Chiến lược đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ quan trọng trong hợp tác quốc tế, trong đó tập trung mở rộng liên kết hợp tác, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân thông qua TDTT; tranh thủ sự hỗ trợ về mọi mặt của các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài; chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế song phương, đa phương về thể thao với phương châm “Thành viên tích cực, có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo ASEAN - Nhật Bản
Duy trì và tăng cường hợp tác chặt chẽ với các quốc gia đã có quan hệ hợp tác truyền thống về TDTT, các quốc gia có nền thể thao phát triển trong công tác huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu khoa học, y học thể thao, chuyển giao công nghệ, trao đổi chuyên gia, đào tạo cán bộ, VĐV, HLV; tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia với tổ chức thể thao quốc tế tương ứng.
Cùng với đó, đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng nhân lực thể thao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển đội ngũ nhân lực có khả năng làm việc chuyên nghiệp trong môi trường quốc tế; chủ động đề cử, giới thiệu nhân sự tham gia các tổ chức thể thao quốc tế. Tăng cường kết nối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và có chính sách động viên, thu hút tài năng thể thao là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp, cống hiến cho thể thao nước nhà.
Chủ động đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế; phấn đấu đăng cai tổ chức ASIAD trong giai đoạn 2031 - 2045 và liên kết với các quốc gia khác trong khu vực ĐNÁ để đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế quy mô lớn.
Đồng thời tăng cường giới thiệu, quảng bá với quốc tế các môn thể thao dân tộc, truyền thống của Việt Nam như: Vovinam, Võ thuật cổ truyền, Đá cầu...
KC, Ảnh: VD