You must configure this module first via "Module Settings"

Tạo đà cho kinh tế thể thao Việt Nam phát triển

Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành đã mở ra những hướng đi mới cho kinh tế thể thao Việt Nam phát triển trong thời gian tới, bởi những mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Kinh tế thể thao từng bước mang lại hiệu quả

Trong những năm qua, lĩnh vực kinh tế thể thao ở Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó, kinh tế thể thao đã có những bước phát triển và mang lại những hiệu quả thiết thực, đóng góp vào nền kinh tế nước nhà.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, với chính sách xã hội hóa trong hoạt động thể thao đã thu hút sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ thể thao bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều thương hiệu thể thao lớn đã có mặt ở Việt Nam, cơ sở vật chất kỹ thuật thể thao từng bước được nâng cấp và xây dựng mới.

Bên cạnh đó khu vực châu Á Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế thể thao, đạt mức tăng trưởng trung bình 9,4%, cao hơn nhiều so với khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do, là cơ hội lớn đối với Việt Nam trong việc phát triển các ngành kinh tế nói chung và kinh tế thể thao nói riêng.

Giải chạy đưa đến nhiều cơ hội kinh doanh cho các ngành hàng tiêu dùng nhanh, thời trang và phụ kiện thể thao

Các hoạt động kinh doanh tài sản, thị trường và tiêu dùng thể thao; hoạt động kinh doanh thể thao ở trong  nước và ở nước ngoài; quản trị sản xuất, dịch vụ và marketing thể thao; kinh doanh thể thao chuyên nghiệp, thể thao giải trí; tài trợ thể thao và thể thao nhà nghề trong thị trường thi đấu thể thao; thị trường lao động và chuyển nhượng VĐV, huấn luyện viên nhà nghề từng bước phát triển; nhiều thương hiệu thể thao lớn trên thế giới đã lựa chọn Việt Nam là một trong số những quốc gia gia công sản phẩm chủ chốt, việc một lượng lớn nguồn đầu tư từ nước ngoài đã tạo ra cú hích không nhỏ đối với ngành sản xuất và tiêu thụ các trang thiết bị dụng cụ thể thao, các doanh nghiệp trong nước không chỉ tích cực tham gia vào chu trình sản xuất mà còn được tiếp cận với những chu trình quản lý, sản xuất và tiêu thụ khoa học, hiện đại, các sản phẩm đã được cải thiện đáng kể về mặt chất lượng và thiết kế, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tuy đạt được một số thành tựu, nhưng kinh tế thể thao ở Việt Nam chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Bên cạnh đó, lĩnh vực này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc về nhận thức cũng như kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam. Cho đến nay, ở Việt Nam hầu như không có bộ máy tổ chức, nhân sự chuyên trách về kinh tế thể thao. Sản xuất trong nước chưa phát triển, chất lượng các hàng hóa dịch vụ TDTT chưa thực sự tốt và đa dạng, số lượng hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu lớn. Việt Nam hiện nay rất thiếu các doanh nghiệp chuyên về thể thao để có thể cung ứng các hàng hóa cũng như dịch vụ thể thao.

Cùng với đó, môi trường pháp lý chưa thực sự thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế thể thao. Các chính sách khuyến khích, ưu đãi tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế thể thao còn thiếu...

Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt trong phát triển kinh tế thể thao

Một trong những Quan điểm mà Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra là kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao; phát huy tối đa vai trò của khu vực ngoài công lập trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động TDTT. Đồng thời, Chiến lược cũng đưa ra mục tiêu chung “Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp TDTT”.

Trong đó, Chiến lược đề ra những mục tiêu cụ thể cần hướng đến trong phát triển kinh tế thể thao ở Việt Nam như: Hoạt động kinh tế thể thao có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó giai đoạn 2025 - 2030 tăng trưởng mạnh về số lượng, quy mô các cơ sở sản xuất, kinh doanh TDTT và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ TDTT. Định hướng đến năm 2045, thị trường thể thao phát triển, kinh tế thể thao đạt mức tăng trưởng hằng năm cao, từng bước đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước.

Ông Nguyễn Nam Nhân – Phó Giám đốc Sở VHTT Tp Hồ Chí Minh đánh giá cao tầm quan trọng của Chiến lược

Nói về tầm quan trọng của Chiến lược trong phát triển kinh tế thể thao, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nam Nhân cho rằng: việc ban hành Chiến lược đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường thể thao, thúc đẩy kinh tế thể thao và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển cơ sở vật chất, dịch vụ thể thao, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm và góp phần tăng trưởng kinh tế.

TP Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa Chiến lược bằng Đề án phát triển ngành TDTT TP đến năm 2035, với mục tiêu tạo nên một phong trào thể thao phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, đưa TP trở thành trung tâm thể thao lớn của khu vực Đông Nam Á. Ông Nguyễn Nam Nhân chia sẻ.

Cùng với các mục tiêu, Chiến lược cũng đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế thể thao. Trong đó, tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy đầu tư, sáng tạo, sản xuất, phân phối các sản phẩm, dịch vụ TDTT; nghiên cứu, xây dựng hệ thống mã ngành các hoạt động kinh tế thể thao. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ tập luyện thể thao, tổ chức sự kiện thể thao, bán vé xem thi đấu, đào tạo vận động viên, du lịch thể thao, thể thao giải trí, tư vấn, môi giới chuyển nhượng và các dịch vụ TDTT khác. Tăng cường sự phối hợp liên ngành giữa ngành TDTT với du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế, thông tin và truyền thông và các ngành liên quan khác trong phát triển các loại hình dịch vụ tổng hợp có tính chất liên kết đa ngành nhằm khai thác hiệu quả các hoạt động TDTT. Rà soát, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, điều kiện đầu tư và cải thiện các chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực TDTT, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Đồng thời, có các cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, thiết bị thể thao sản xuất trong nước. Đổi mới công nghệ sản xuất, từng bước xây dựng các sản phẩm, hàng hóa thể thao chất lượng tốt gắn với thương hiệu Việt Nam, đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu, tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa, thiết bị thể thao toàn cầu.

Đây là những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm gợi mở, đề xuất với các Bộ, ngành, địa phương cùng chung tay tháo gỡ những nút thắt trong quá trình phát triển của kinh tế thể thao ở nước ta.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng với Kết luận số 70-KL/TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới đều nhấn mạnh đến nội dung phát triển kinh tế thể thao. Đây là chủ trương rất quan trọng và kịp thời đối với sự phát triển của một ngành kinh tế đầy tiềm năng- thể thao đã được coi là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành. Điểm quan trọng nữa là chúng ta cần thay đổi tư duy, coi thể thao là một ngành kinh tế quan trọng chứ không chỉ đơn thuần là lĩnh vực giải trí. Khi đó nhận thức của toàn xã hội sẽ thay đổi và chúng ta sẽ có những điều chỉnh về chính sách cho doanh nghiệp, người dân về thể thao.

Bài, ảnh: KC

Ảnh trong bài
  • Tạo đà cho kinh tế thể thao Việt Nam phát triển
  • Tạo đà cho kinh tế thể thao Việt Nam phát triển
  • Tạo đà cho kinh tế thể thao Việt Nam phát triển