You must configure this module first via "Module Settings"

Thể thao Quân đội với những giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao của đất nước, trong đó có thể thao Quân đội. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của thể thao các tỉnh, thành, ngành nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp” đến năm 2045.

Với mục tiêu mà Chiến lược đề ra định hướng đến năm 2045 trên 95% chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể, ông Nghiêm Tuấn Hùng, Phó trưởng Phòng TDTT, Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu cho biết: ngay khi Chiến lược được ban hành, thể thao Quân đội đã bám sát các nội dung của Chiến lược để xây dựng một số giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức lực lượng và hoạt động đặc thù trong quân đội nhằm đẩy mạnh, phát triển phong trào TDTT rộng khắp trong toàn quân. Từ đó nâng cao thành tích thi đấu của VĐV thể thao thành tích cao quân đội tại các giải trong nước và quốc tế, đóng góp vào thành tích chung của TTVN trên trường quốc tế.

Để việc triển khai Chiến lược mang lại hiệu quả cao nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được triển khai nghiêm túc trong toàn quân. Các cấp ủy, chỉ huy các cấp phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể xây dựng chương trình hành động về hoạt động thể thao, phát huy vai trò của Quân đội trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” và Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” góp phần nâng cao thể chất, tầm vóc người Việt Nam.

Thể thao Quân đội với những giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Đối với thể thao thành tích cao, để giải quyết bài toán nâng cao hơn nữa thành tích của thể thao Quân đội trên đấu trường trong nước cũng như quốc tế, trong thời gian tới thể thao Quân đội sẽ triển khai ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút, khuyến khích tài năng thể thao tham gia. Đồng thời huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, quốc phòng, địa phương và các nguồn kinh phí khác để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực thể thao. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong đào tạo VĐV, từ đổi mới các tiêu chí, tiêu chuẩn đến quy trình, phương thức trong tuyển chọn, đào tạo VĐV. Công tác tuyển chọn VĐV sẽ được triển khai mở rộng trên toàn quốc, tập trung vào những địa phương có truyền thống, thế mạnh về các môn thể thao theo yêu cầu.  Đây cũng là giải pháp tương đối quan trọng trong xu thế phát triển hiện nay và đã được áp dụng thành công ở một số đơn vị. Ông Nghiêm Tuấn Hùng nhấn mạnh.

Song song với đó, thể thao Quân đội sẽ chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiên tiến mới vào công tác tuyển chọn. Xác định việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại trong các hoạt động của đơn vị, có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết, ngành Quân đội luôn trăn trở nghiên cứu áp dụng công nghệ khoa học hiện đại xác định thành tích thi đấu của VĐV bảo đảm công bằng, chính xác tạo niềm tin, động lực cho HLV, VĐV trong thi đấu. Hiện nay môn bóng đá, bóng chuyền và một số môn khác đã bước đầu áp dụng công nghệ Var hỗ trợ trọng tài trong điều hành thi đấu, xác định thành tích.

Ông Nghiêm Tuấn Hùng, Phó trưởng Phòng TDTT, Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu phát biểu tại Hội nghị

Giải pháp cuối cùng mà ông Nghiêm Tuấn Hùng đã nêu ra nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược đó là tăng cường công tác phối hợp. Theo đó, thể thao Quân đội sẽ cùng với Cục TDTT, các hiệp hội, liên đoàn thể thao trong nước, quốc tế tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác TDTT, cán bộ trực tiếp huấn luyện, HLV, VĐV. Lực lượng cán bộ chuyên trách làm công tác TDTT trong toàn quân hiện nay được đào tạo cơ bản, trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sĩ (hàng năm, Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu tuyển dụng vào quân đội những sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành TDTT, chuyên môn tốt, có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội); cán bộ kiêm nhiệm là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp có năng khiếu thể thao, được đào tạo các chuyên ngành khác nhau trong các nhà trường Quân đội và qua các lớp tập huấn nghiệp vụ TDTT do Bộ Quốc phòng tổ chức;

Xây dựng chương trình phối hợp giữa đơn vị và địa phương, từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, phát huy tốt vai trò tham mưu, hướng dẫn tổ chức thực hiện ở các cấp. Xây dựng kế hoạch tạo nguồn cán bộ, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ huấn luyện có năng lực, trình độ toàn diện, nhất là đội ngũ cán bộ cơ quan quản lý từ đơn vị trực thuộc Bộ đến cơ sở và cán bộ trực tiếp huấn luyện cũng là những nội dung nhằm tăng cường công tác phối hợp nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 204 được ông Nghiêm Tuấn Hùng đề cập.

A.T, ảnh QĐND

Ảnh trong bài
  • Thể thao Quân đội với những giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
  • Thể thao Quân đội với những giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045