Tin vui từ viên ngọc thô Nhi Yến
Tuy nhiên mưa thì đã có phòng tập thể lực. Với môi trường tập luyện lý tưởng tại Trung tâm HLTTQG TP.HCM, các VĐV sẽ có nhiều lựa chọn để quá trình tập luyện không bị gián đoạn. Nói về Trần Thị Nhi Yến, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng không giấu nổi niềm vui: “Đây là VĐV trẻ có triển vọng. Nữ VĐV sinh năm 2005 có thành tích tốt nhất là 11 giây 40, đạt chuẩn Olympic trẻ. Là VĐV Việt Nam duy nhất nằm trong Top 100 thế giới. Hiện Yến đang xếp hạng 95 thế giới”.
Nhi Yến cũng chính là một hiện tượng đầy thú vị của Điền kinh Việt Nam, là “viên ngọc thô” đang được HLV Nguyễn Thị Thanh Hương - người thầy của VĐV từng là số 1 của đường chạy 100m, 200m Lê Tú Chinh dẫn dắt. Trưởng thành từ phong trào thể thao trường học, Nhi Yến hễ cứ đi thi là có giải. Sau khi thi đấu thành công giải học sinh toàn quốc vào tháng 6.2022 ở Thừa Thiên Huế, cô được các thầy ở Long An chọn dự giải lứa tuổi rồi giải trẻ. Sau đó, Yến được gửi lên Trung tâm HLTTQG TP.HCM để tập luyện cho Đại hội TDTT toàn quốc 2022.
Nhi Yến (giữa) là tài năng hiếm hoi của Điền kinh Việt Nam. Ảnh: QUÝ LƯỢNG
Chỉ sau 3 tháng tập luyện ngắn ngủi, cô đoạt HCV 100m và HCB 200m Đại hội trong sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn và trở thành một hiện tượng đầy thú vị của Điền kinh Việt Nam. Sau Đại hội, cô được đặc cách đưa lên đội tuyển quốc gia và được HLV Nguyễn Thị Thanh Hương dẫn dắt. Khi lên đội tuyển, Nhi Yến còn thiếu nhiều kỹ năng cơ bản nhưng dưới bàn tay nhào nặn của HLV Thanh Hương, thành tích của Nhi Yến ngày càng được cải thiện.
Từ ngày lên tuyển, chỉ trong thời gian ngắn, Nhi Yến đã có thành tích đáng mơ ước với chiếc HCĐ cự ly 100m và HCB cự ly 200m ngay trong chuyến đi nước ngoài đầu tiên tại SEA Games 32; có mặt trong tốp 8 VĐV chạy chung kết 100m châu Á và lọt vào chung kết chạy 100m rồi 200m tại Asian Games 19. Đến nay Nhi Yến đã đạt thành tích 11 giây 40, gần tiệm cận với kỷ lục do VĐV Vũ Thị Hương lập là 11 giây 33 ở cự ly 100m. Nhi Yến hiện cũng là gương mặt được Điền kinh Việt Nam lựa chọn tham dự Olympic nếu tổ tiếp sức không hoàn thành chỉ tiêu đạt vé chính thức. Nhi Yến được lựa chọn là vì cô đã cho thấy sự tiến bộ rất nhanh trong thời gian qua, đạt thông số tham dự Olympic trẻ và trong tốp 100 thế giới nên việc để Yến dự Olympic sẽ rất phù hợp cả cho triển vọng tương lai của VĐV mới 19 tuổi này.
Kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách
Chia sẻ về Nhi Yến, HLV Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, hai thầy trò hiện được tập luyện trong một môi trường lý tưởng tại Trung tâm HLTTQG TP.HCM, được Trung tâm tạo điều kiện tốt nhất về sân tập, phòng tập thể lực, trang thiết bị trong tập luyện, thi đấu và có chuyên gia góp ý về công tác huấn luyện, hồi phục. Hiện Nhi Yến đang được hưởng chế độ đặc biệt dành cho các VĐV có khả năng giành HCV Asiad, Olympic trẻ, đạt chuẩn Olympic với chế độ tiền ăn là 640.000 đồng/người/ ngày. Chế độ tiền công là 270.000 đồng/người/ngày. Trừ đi những ngày nghỉ trong tháng, mức lương mà một VĐV đội tuyển quốc gia được nhận trung bình từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó chế độ tập huấn, thi đấu của cô cũng được tính toán kỹ lưỡng. Tuy nhiên HLV Nguyễn Thị Thanh Hương mong muốn rằng để tài năng trẻ như Nhi Yến phát triển được thành tích thì cô cần được đầu tư nhiều hơn nữa, được hưởng thêm chế độ, chính sách đặc thù cho các tài năng đặc biệt.
Sau khi Bộ VHTTDL tham mưu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án về tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035, giới chuyên môn hy vọng khi chính sách này đi vào cuộc sống thì Nhi Yến và các tài năng khác của thể thao Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa.
Một câu chuyện cũng đầy thú vị của Nhi Yến đó là cô gái Long An này rất thích được học văn hóa và các thầy cô ở đội tuyển quốc gia phải hứa rằng nếu lên đội tuyển, Yến vẫn được tạo điều kiện để hoàn thành việc học, mới có được cái gật đầu của cô. Với chủ trương đào tạo VĐV phát triển toàn diện cả về văn hóa và thành tích thể thao, trong những năm qua tại các Trung tâm HLTTQG, việc học văn hóa luôn được xem trọng bên cạnh việc tập luyện và thi đấu. Vì thế nhiều VĐV đỉnh cao đã hoàn thành chương trình học Đại học ngay khi đang thi đấu trong màu áo của đội tuyển. Các chế độ khác về tiền công, tiền lương và dinh dưỡng đối với các VĐV, HLV theo quy định của nhà nước cũng được thực hiện đúng quy định.
Năm 2018, Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 152/2018/NĐ- CP quy định một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu. Do đó chế độ tiền công cũng đã được cải thiện. Bộ VHTTDL cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, ban hành Thông tư số 86/2020/TT-BTC quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao. Thông tư là sự điều chỉnh cần thiết, kịp thời, giúp các cơ sở đào tạo VĐV phục vụ tốt hơn nhu cầu của các VĐV, đặc biệt là các VĐV trọng điểm của Việt Nam. Bên cạnh đó, các VĐV đạt thành tích xuất sắc còn được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và được hưởng một số chế độ ưu tiên trong xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng Thể dục thể thao theo quy định tại Thông tư số 03/2010/TT-BGDĐT.
Nhờ sự kịp thời tham mưu tháo gỡ về thể chế, chính sách của Bộ VHTTDL, nhìn chung chế độ, chính sách của các VĐV, HLV được cải thiện hơn so với trước. Nhi Yến cũng đã có thể giúp đỡ gia đình từ tiền công có được khi tập huấn tại đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên trên thực tế, chế độ chính sách đối với VĐV đội tuyển quốc gia còn hạn chế.
Mong ước được cải thiện chế độ, chính sách
Một nhà chuyên môn của thể thao Việt Nam từng nhiều lần xót xa thốt lên: “Lương của VĐV hàng đầu Việt Nam tương đương với lương của người giúp việc trong gia đình”. Câu nói đó cho thấy thực tế, với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng sẽ không thể khiến các VĐV yên tâm tập luyện, thi đấu. Chế độ tiền ăn hiện nay đã đáp ứng được một phần nhu cầu tái tạo năng lượng cho VĐV tập luyện ở cường độ cao và liên tục theo yêu cầu chuyên môn. Tuy nhiên, những VĐV đạt thành tích xuất sắc cần được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù cao, được nghiên cứu sử dụng thực đơn theo đặc thù từng môn thể thao mới có thể duy trì cường độ tập luyện cao, nâng cao thành tích trong thi đấu. Chế độ thuốc bổ, vitamin... phục vụ cho tái tạo phục hồi sau tập luyện là quan trọng trong khoa học huấn luyện, tuy nhiên vấn đề này còn chưa được đáp ứng.
Chế độ chính sách đãi ngộ đối với các VĐV giành thành tích cao tại Asiad và Olympic hiện tại cũng chưa tương xứng với cống hiến và giới chuyên môn mong muốn cần được bổ sung các chế độ chính sách ưu đãi về tuyển sinh, tuyển dụng, về chính sách nhà ở... để VĐV, HLV yên tâm tập luyện, phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp thể thao nước nhà. Các chính sách ưu đãi chưa được đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện chế độ đãi ngộ, hỗ trợ VĐV xuất sắc.
Từ thực trạng trên cho thấy, muốn cải thiện thành tích thì bên cạnh việc nâng cao công tác tuyển chọn, đào tạo về chuyên môn cần phải cải thiện chính sách tiền lương, nâng cao chế độ tiền ăn, đảm bảo thực phẩm chức năng đáp ứng nhu cầu tập luyện và phục hồi cho VĐV sau khi tập luyện và thi đấu. Đặc biệt là có chính sách đặc thù đãi ngộ sau tập luyện, thi đấu với các tài năng thể thao đã cống hiến và đem vinh quang về cho Tổ quốc. Vì thế ngoài nỗ lực của Bộ VHTTDL, các địa phương còn cần sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành khác trong việc thực hiện chính sách đãi ngộ trong giáo dục, y tế, nhà cửa, đất đai và tuyển dụng cho các VĐV.
Thu Sâm (Báo Văn hóa)