You must configure this module first via "Module Settings"

Các biện pháp chống tham ô, lãng phí theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Căn cứ vào thực tiễn cách mạng cũng như mối nguy hại của nạn tham ô, lãng phí, quan liêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những phương thuốc chữa và triệt tận gốc nạn tham ô, lãng phí và quan liêu. Người cho rằng, trước hết và quan trọng nhất là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng không có nghĩa là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc Việt Nam. Bác là tấm gương sáng ngời về những phẩm chất đạo đức, đặc biệt là lòng yêu thương con người, nhất là những người cần lao.

Trong những năm kháng chiến ác liệt, kinh tế xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyên dạy cán bộ, Đảng viên, bộ đội... không xâm phạm đến lợi ích của dân dù chỉ là cái kim sợi chỉ; đồng thời lên án gay gắt những cán bộ, Đảng viên nặng đầu óc cá nhân chủ nghĩa, chỉ biết chăm lo thu vén cho bản thân mình, không quan tâm đến lợi ích của tập thể và của những người xung quanh mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước thì Đảng mới thực sự trong sạch và vững mạnh, mới giành được sự tin yêu thực sự của nhân dân.

Để làm được điều đó, Bác yêu cầu: mỗi cán bộ, Đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết, đồng thời không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Bên cạnh đó, để chống tham ô, lãng phí phải phát huy quyền làm chủ tối đa của nhân dân, phải biết dựa vào dân. Bác đã khẳng định: Dân làm chủ, còn cán bộ dù cấp cao hay thấp đều là đầy tớ của dân, "Thực hiện dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn".

Song song với những việc làm trên, cần phải tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước, đào tạo và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ. Đặc biệt, Nhà nước đó phải thể hiện và thực hiện trên thực tế quyền lực của nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân; thực hiện dân chủ hóa, công khai hóa sự quản lý của Nhà nước. Hoàn thiện bộ máy quản lý gọn, nhẹ, có hiệu lực, bảo đảm đi sâu đi sát thực tế, gắn với quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân là một trong những việc làm mang tính chiến lược và có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển của xã hội.

Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn nêu cao tinh thần đấu tranh chống tham ô, lãng phí và quan liêu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta thực hiện chính sách quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường, đã có một bộ phận cán bộ, Đảng viên bị tha hoá về chính trị, đạo đức, lối sống, lợi dụng chức quyền, chiếm đoạt, lãng phí tài sản của nhà nước, gây mất lòng tin trong nhân dân.

Bởi vậy, hơn lúc nào hết, việc đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí trong các cơ quan, đơn vị là vô cùng cần thiết. Điều này giúp cho cán bộ, Đảng viên nhận thức được ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của nội dung tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, tiến tới đẩy lùi, triệt tận gốc bệnh tham ô, lãng phí, góp phần xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn - như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.

HKT


Ảnh trong bài
  • Các biện pháp chống tham ô, lãng phí theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh