Để thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển, đặc biệt là lĩnh vực thể thao thành tích cao, ngoài nguồn kinh phí nhà nước, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Chính vì vậy, công tác xã hội hóa TDTT đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân. Thông qua những giải pháp đồng bộ như ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thích ứng để mở rộng các loại hình tập luyện TDTT.
Nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, cá nhân cho các tổ chức TDTT đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động TDTT của tỉnh ngày càng phát triển. Tỉnh Tiền Giang đã thu hút được 12 dự án đầu tư với tổng kinh phí hơn 10,7 tỷ đồng, gồm: 04 CLB thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ; 01 hồ bơi tại huyện Châu Thành; 01 hồ bơi và 01 phòng tập thể hình ở huyện Chợ Gạo; 01 dự án sân bóng đá mini tại huyện Gò Công Tây và 02 hồ bơi cho học sinh trong trường học tại huyện Gò Công Đông. Bên cạnh đó, tỉnh có 02 doanh nghiệp kinh doanh hoạt động TDTT thực hiện dự án theo hình thức xã hội hóa.
Nhờ làm tốt công tác XHH, các doanh nghiệp, cá nhân đã đóng góp kinh phí để tổ chức các giải thi đấu thể thao
Các loại hình hoạt động TDTT đã được đa dạng hóa và mở rộng về quy mô, góp phần cải thiện đời sống tinh thần, tăng cường bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT bước đầu đã khai thác được tiềm năng của các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, các ngành, tổ chức xã hội... đầu tư, xây dựng các cơ sở vật chất TDTT như sân bãi, phòng tập, nhà tập, hồ bơi, sản xuất lưu thông hàng hóa thể thao... phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu của quần chúng.
Chia sẻ về công tác phát triển TDTT, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Tỉnh đã ban hành những quy định về chính sách và các danh mục khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực TDTT, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh hoạt động về TDTT.
Nhờ đó, tỉnh Tiền Giang đã huy động được nhiều thành phần xã hội tham gia xây dựng cơ sở TDTT đều khắp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT quần chúng phát triển. Đến nay, Tiền Giang có hơn 400 cơ sở kinh doanh hoạt động TDTT lớn, nhỏ với các môn thể thao hiện đại được nhiều người dân yêu thích tập luyện như: Bơi lội, Thể hình, Bóng đá, các môn võ, Aerobic, Yoga…
Từ nguồn xã hội hóa, nhiều địa phương có nhà thi đấu thể thao đa môn, sân bóng đá cấp huyện được đầu tư xây dựng khang trang như ở các huyện Cái Bè, Chợ Gạo, Gò Công Đông…, Bên cạnh đó, nhiều địa phương lắp đặt các dụng cụ, trang thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời. Nhiều sân tập luyện TDTT đơn giản được tôn tạo, sửa chữa và xây dựng kịp thời; Tiến độ thi công các công trình, dự án về TDTT được đẩy nhanh, đặc biệt là trong các trường học, cộng đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc rèn luyện giáo dục thể chất của học sinh, sinh viên và người dân… Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Minh chứng là số người tập luyện TDTT thường xuyên và số gia đình tập luyện TDTT đều tăng hàng năm. Năm 2022, số người tập luyện TDTT thường xuyên chiếm 35% tăng 8% so với năm 2012), số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên chiếm 23,8% (tăng 5,2% so với năm 2012).
Công tác xã hội hóa hoạt động TDTT không chỉ góp phần phần mở rộng và làm phong phú thêm hệ thống thi đấu TDTT quần chúng từ cấp cơ sở tới cấp tỉnh, thu hút đông đảo các đối tượng tham gia tập luyện và thi đấu thể thao mà qua đó góp phần tăng cường chất lượng thi đấu và thành tích thể thao của các đội tuyển tỉnh. Nhiều VĐV xuất sắc đã được phát hiện, đào tạo và trở thành lực lượng kế cận cho các đội tuyển thể thao của tỉnh.
Ngoài việc huy động các nguồn lực xã hội đóng góp kinh phí xây dựng hệ thống cơ sở vật chất TDTT, ngành VHTTDL Tiền Giang còn chú trọng vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tài trợ kinh phí để tổ chức các giải thể thao chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Trung bình hàng năm, có hàng trăm giải thể thao quần chúng được tổ chức từ nguồn xã hội hóa. Các hoạt động thi đấu TDTT không ngừng được nâng cao về chất và lượng, qua đó thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xã hội hóa TDTT trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn. Nhiều địa phương vẫn tồn tại tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, dẫn tới thiếu chủ động, sáng tạo trong việc triển khai chủ trương xã hội hóa; trang thiết bị, dụng cụ tập luyện TDTT ở các nhà văn hóa đã được trang bị nhưng chưa đồng bộ, đầy đủ; kinh phí dành cho phát triển văn hóa, thể thao ở cơ sở còn hạn hẹp…
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất TDTT cùng với đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng cán bộ, cộng tác viên TDTT các cấp. Tiếp tục hỗ trợ và phát triển các tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT của tỉnh và các CLB TDTT ở cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yêu thích thể thao có điều kiện tập luyện; Đổi mới công tác quản lý, tổ chức nhằm nâng cao chất lượng các giải thi đấu thể thao; Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, sân bãi, nhà thi đấu, nhà tập; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa – TDTT tại cơ sở; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, các mạnh thường quân để duy trì tổ chức các giải đấu thể thao hàng năm.
Mục tiêu mà ngành VHTTDL Tiền Giang đặt ra đó là: phấn đấu Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đến năm 2025 đạt tỷ lệ trên 38% và năm 2030 đạt tỷ lệ trên 40% dân số của cả tỉnh. Số gia đình tập luyện TDTT đến năm 2025 đạt tỷ lệ trên 25% và năm 2030 đạt tỷ lệ trên 27% số hộ gia đình trong tỉnh.
Bài, ảnh VD