Quảng Bình - miền cát trắng, nơi gắn liền với bao ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc, thường xuyên phải gánh chịu những trận "hồng thuỷ" song với sự kiên trung, chịu thương, chịu khó của người dân nơi đây, Quảng Bình đã và đang có những bước tiến dài trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Góp phần vào những thành tựu chung ấy là công tác xã hội hoá TDTT của tỉnh nhà trong những năm gần đây với nhiều khởi sắc và bước đầu đạt được những kết quả rất đáng biểu dương.
Có thể nói sau 3 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/NQ-CP với sự nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp cũng như sự ủng hộ tích cực của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân đối với cơ sở vật chất cũng như các phong trào TDTT trên địa bàn toàn tỉnh. Quảng Bình đã trở thành một trong những địa phương tiêu biểu trên cả nước thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hoá TDTT.
|
Quảng Bình đã thực hiện hiệu quả công tác
xã hội hoá TDTT (Ảnh: N. H) |
Hệ thống tổ chức TDTT cũng như sân chơi, bãi tập, nhà thi đấu từ tỉnh đến cơ sở đều có bước phát triển. Việc huy động các nguồn lực để xây dựng sân bãi tập luyện, mua sắm cơ sở vật chất, tổ chức thi đấu TDTT đã được phát huy. Điều đáng mừng ở đây là mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân Quảng Bình và các ngành, các cấp rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy các môn thể thao truyền thống của địa phương. Hàng năm từ công tác xã hội hóa, đã huy động được hàng trăm triệu đồng để tổ chức các môn thi, các ngày hội thể thao như: thi Bơi chải ở Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới; Đấu vật, Cà kheo, Bắn nỏ ở Minh Hóa. Việc huy động kinh phí để xây dựng sân chơi, bãi tập và tổ chức thi đấu ở các địa phương đều được nhân dân đồng tình hưởng ứng tích cực. Nhờ vậy mà mỗi năm, Quảng Bình tổ chức được ít nhất từ trên 10 giải thi đấu cấp tỉnh, 13 đến 15 giải đấu cấp ngành, từ 60 đến 70 các giải đấu cấp huyện và hàng nghìn giải thi đấu cấp xã, phường, thôn, bản. Nhà thiếu nhi tỉnh Quảng Bình mỗi năm đã huy động được vài chục triệu đồng để tổ chức các CLB Võ thuật, các lớp dạy Cầu lông, Bóng chuyền, Bóng bàn, Cờ tướng, Bơi… thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia.
Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc tập luyện và thi đấu thì phong trào rèn luyện TDTT của mọi tầng lớp nhân dân cũng được nâng lên như: Ý thức tự giác của nhân dân trong việc tập luyện nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống lành mạnh... Theo đó, tỷ lệ người thường xuyên tập luyện tăng lên mỗi năm. Nhiều CLB TDTT quần chúng được thành lập, thu hút hàng ngàn người tham gia tập luyện góp phần vào công tác phát hiện, bồi dưỡng các VĐV xuất sắc để thi đấu các giải khu vực và toàn quốc.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xã hội hóa TDTT của tỉnh Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn. Là một tỉnh còn nghèo, việc phát huy mọi tiềm lực chưa cao. Các doanh nghiệp kinh tế của Nhà nước và tư nhân ở Quảng Bình còn ít về số lượng do vậy việc huy động tài trợ các giải đấu chưa nhiều, chưa mạnh. Hệ thống thiết bị tập luyện tại một số cơ sở còn thiếu và chưa đồng bộ. Để khắc phục những mặt còn hạn chế, trong những năm tới tỉnh Quảng Bình đã đề ra nhiều giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tập luyện và ủng hộ các phong trào TDTT của tỉnh; đa dạng hóa các loại hình tổ chức TDTT ở cơ sở; khuyến khích mọi tập thể và cá nhân đầu tư vào các công trình TDTT, sản xuất, lưu thông dụng cụ, thiết bị tập luyện và thi đấu TDTT; tăng cường bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên, huấn luyện viên cho các cơ sở TDTT trong toàn tỉnh; khuyến khích thành lập và xây dựng các bộ môn, các loại hình TDTT, các CLB TDTT của nhân dân và tập thể…
Kế thừa những thành quả đã đạt được từ công tác xã hội hoá TDTT trong thời gian qua, cũng như tập trung thực hiện, hoàn thành tốt những phương hướng, mục tiêu đã đề ra một cách có hiệu quả hơn nữa, chắc chắn ngành TDTT Quảng Bình nói chung và công tác xã hội hoá TDTT trong những năm tới sẽ phát triển rất mạnh mẽ về cả bề rộng cũng như bề sâu.
N.H