Cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao huyện được quan tâm đầu tư, mở rộng cả về quy mô và trang thiết bị, cơ bản đáp ứng hoạt động và yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Hiện nay, toàn huyện có 01 nhà thi đấu cấp huyện, 45 sân cầu lông trong nhà, 122 sân bóng chuyền hơi, 04 cụm sân bóng đá cỏ nhân tạo gồm 07 sân bóng, có trên 105 CLB thể thao trong đó có 07 CLB hoạt động theo quy chế huyện, trên 300 hướng dẫn viên, cộng tác viên huấn luyện TDTT, trên 500 trọng tài nghiệp dư tại cơ sở. 100% xã có nhà văn hóa kết hợp với nhà thi đấu thể thao, trong đó có 20/24 xã có sân vận động.
Phát huy hệ thống thiết chế được đầu tư xây dựng, trong những năm qua Trung tâm - Văn hóa, Thể thao và Truyền thông của huyện đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức triển khai thực hiện tốt các phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT. Các phong trào ngày càng được nâng lên về số lượng và chất lượng, từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong nhân dân.
Hàng năm huyện tổ chức hơn 150 giải đấu giao hữu thể thao vào các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm, thu hút hơn 40.000 lượt VĐV và nhân dân tham gia.Từ đó, ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia phong trào TDTT quần chúng. Hiện có khoảng 60% người dân tham gia luyện tập TDTT (trong đó hơn 30% tỷ lệ người luyện tập thường xuyên), có gần 100 CLB thể thao từ cấp huyện đến xã duy trì hoạt động thường xuyên.
Nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp các ngành nên các VĐV huyện Định Hóa cũng thường xuyên giành thứ hạng cao tại các giải cấp tỉnh, đặc biệt là các môn thể thao có thế mạnh như: việt dã, điền kinh, cầu lông, bóng chuyền hơi, bắn nỏ, cờ tướng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao huyện Định Hóa còn một số khó khăn: thiếu các phòng chức năng; cơ sở vật chất khu ( Đài Truyền thanh - Truyền hình và Nhà thiếu nhi huyện cũ ) đã xuống cấp; Chưa bố trí được cơ sở vật chất của thư viện, chưa có phòng chức năng để mở các lớp năng khiếu, công nghệ thông tin trong hoạt động. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách còn kiêm nhiệm, một số vị trí việc làm còn thiếu (như: Cán bộ phòng nghiệp vụ về văn hóa cơ sở, cán bộ nghiệp vụ về công tác tuyên truyền...), Việc sắp xếp số lượng các chức danh lãnh đạo sau sáp nhập còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Đặng Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Thời gian tới huyện sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện, trong đó tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa từ xóm, TDP đến xã và cấp huyện, từng bước hiện đại hóa; quan tâm bồi dưỡng đội ngũ làm công tác chuyên ngành thể thao; duy trì hoạt động các CLB thể thao trên địa bàn; thường xuyên tổ chức giải thi đấu thể thao theo các chuyên ngành. Từ đó để lựa chọn, tuyển chọn các VĐV để bồi dưỡng nhân rộng ra toàn huyện và tham gia các giải đấu cấp tỉnh.
UBND huyện cũng đã xây dựng những nhiệm vụ để đẩy mạnh hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao. Trong đó tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là các thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập.Triển khai thực hiện việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, trọng tâm là công tác xây dựng quy hoạch, bố trí nguồn lực, quỹ đất, nâng cao chất lượng hoạt động để từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao tại địa phương.
Quy hoạch, sắp xếp lại và đảm bảo chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ tham gia quản lý, vận hành hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng nguồn nhân lực; xây dựng tiêu chí cho từng nội dung công việc.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao gắn với nhu cầu người dân; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, xã, xóm, TDP và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Nâng cao chất lượng các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa thể thao, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, xây dựng và phát triển hệ thống các câu lạc bộ văn hóa, thể thao cơ sở.
Cải tạo, nâng cấp Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông hiện có; duy tu, sửa chữa công trình theo định kỳ.
Đối với Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, xóm, tổ dân phố, ngân sách địa phương hỗ trợ tùy theo khả năng. Với các xã đặc biệt khó khăn, ngân sách nhà nước phấn đấu hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ một phần chi phí hoạt động.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, TDTT ở cơ sở gắn với dịch vụ và thị trường. Huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức phi Chính phủ, các đoàn thể, Nhân dân và tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để xây dựng và tổ chức hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong huyện.
Rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở. Ưu tiên bố trí quỹ đất có vị trí thuận lợi và quy mô phù hợp để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao từ cấp huyện đến cơ sở phù hợp với tiêu chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm vùng, miền.
Huy động các tổ chức xã hội, nhân dân hiến đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là ở thôn, xóm, tổ dân phố. Sắp xếp lại quỹ đất các nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố dôi dư sau sáp nhập để tập trung nguồn lực xây dựng nhà văn hóa đạt chuẩn cả về diện tích và trang thiết bị.
KC