You must configure this module first via "Module Settings"

Hà Nam: nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Trong những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam luôn quan tâm huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở như: quỹ đất, hạ tầng các công trình văn hóa, thể thao; nguồn nhân lực

Theo đó, trong hơn 10 năm trở lại đây, các cấp, các ngành tỉnh Hà Nam đã không ngừng nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Trong giai đoạn từ 2012 đến 2015, Hà Nam xây dựng 50% Trung tâm Văn hóa- Thể thao tại trung tâm các huyện, có hội trường đa năng 600 - 800 chỗ ngồi, có sân khấu được thiết kế phù hợp với trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hoàn chỉnh để phục vụ nhiều loại hình hoạt động văn hóa, thể thao. Tại 28 xã xây dựng thí điểm nông thôn mới: xây dựng 116 nhà văn hóa, khu thể thao; sửa chữa, nâng cấp 70 nhà văn hóa, khu thể thao cấp thôn theo quy định của Bộ VHTTDL. Xây dựng Trung tâm Văn hóa- Thể thao tại vị trí trung tâm của các xã có hội trường đa năng khoảng 300-400 chỗ ngồi, có sân khấu biểu diễn nghệ thuật; trạm truyền thanh; cụm thông tin cổ động; thư viện có phòng đọc; phòng truyền thống; phòng luyện tập nghiệp vụ; khuôn viên cây xanh,vui chơi giải trí, rèn luyện thể chất; khu hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao.

Giai đoạn 2016-2020: 100% các huyện hoàn thành xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện. Các trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện có hội trường đa năng 600 - 800 chỗ ngồi, có sân khấu được thiết kế phù hợp với trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hoàn chỉnh để  phục vụ nhiều loại hình hoạt động văn hóa, thể thao. Tại 27 xã xây dựng nông thôn mới, đầu tư xây dựng mới 140 nhà văn hóa thôn làng theo quy định của Bộ VHTTDL. Đầu tư xây dựng TTVH-TT cấp xã tại các trung tâm xã nông thôn mới, có hội trường đa năng khoảng 300-400 chỗ ngồi, có sân khấu biểu diễn nghệ thuật; trạm truyền thanh; cụm thông tin cổ động; thư viện có phòng đọc; phòng truyền thống; phòng luyện tập nghiệp vụ; khuôn viên cây xanh,vui chơi giải trí, rèn luyện thể chất; khu hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao.

Các thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng đã góp phần thúc đẩy các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở ngày càng phát triển (Ảnh; D.Thu)

Đặc biệt, tại khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu đại học, Hà Nam thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân. Xây dựng mới và nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở (tỉnh, huyện, xã, thôn), phục vụ công nhân làm việc ở các khu công nghiệp, sinh viên, học sinh học tập tại các trường và nhân dân cư trú trên địa bàn. Xây dựng mô hình thí điểm nhà văn hóa, thể thao công nhân theo chính sách khuyến khích xã hội hóa. Đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa, thể thao trong công nhân, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa tinh thần của công nhân ở các khu công nghiệp.

Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 91/91 trung tâm văn hóa – thể thao xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL; 590/590 thôn có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, TDTT của nhân dân, trong đó có trên 300 nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư, là nơi hội họp của chi bộ và các hội đoàn thể, nơi vui chơi thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng… qua đó phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từ đấy trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, rèn luyện thể chất; tổ chức nhiều hội thi, hội diễn về văn hóa - văn nghệ và thi đấu TDTT phong trào, thu hút đông đảo mọi đối tượng, mọi lứa tuổi quần chúng Nhân dân tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao cũng gặp những khó khăn như: Cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể thao còn nhiều hạn chế, nhất là cơ sở vật chất văn hóa của một số xã, thôn được xây dựng trước đây đang xuống cấp; các trang thiết bị phục vụ hoạt động đã lạc hậu, không còn đồng bộ. Các thiết chế văn hóa và thể thao từ huyện đến cơ sở chưa có sự đồng bộ nhiều nơi chưa đạt chuẩn. 

Công tác quản lý, tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở còn thiếu chặt chẽ; nội dung, phương thức hoạt động chưa thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia. Vì vậy, một số thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn, xã tổ chức hoạt động chưa thường xuyên, nội dung và hình thức thiếu phong phú, chủ yếu phục vụ hội họp của thôn, bản, khu phố, chưa tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT.

Nguồn lực phân bổ để thực hiện nhiệm vụ văn hóa trong xây dựng nông thôn mới chưa tương xứng, đặc biệt là việc bố trí kinh phí để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa các thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở. Kinh phí hoạt động sự nghiệp văn hóa, thể thao chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động; chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đối với cấp cơ sở; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc, lại thường xuyên thay đổi cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động...

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, cần có cơ chế, chính sách quan tâm đầu tư, xây dựng, tu sửa các thiết chế văn hoá, thể thao trên cơ sở đảm bảo tính đồng bộ, hợp lý, phục vụ tối đa chức năng của các thiết chế văn hoá, thể thao và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; triển khai các đề án, chiến lược phát triển văn hóa, TDTT; có chính sách ưu tiên hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt; Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao cơ sở.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo phù hợp với sự phát triển của xã hội. Song song với việc đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của thiết chế văn hoá, phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia của quần chúng nhân dân. Tổ chức nhiều mô hình câu lạc bộ về văn hóa, văn nghệ, TDTT để thu hút người dân tham gia. Tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng hoạt động của nhà văn hóa xã và nhà sinh hoạt cộng đồng thôn. Quan tâm đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả.

VD

Ảnh trong bài
  • Hà Nam: nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở