You must configure this module first via "Module Settings"

Ninh Bình tập trung nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao

Trong những năm qua, cùng với tập trung phát triển kinh tế các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, chăm lo phát triển văn hóa, thể thao. Trong đó, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở.

Các thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng đã góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân, nhất là lực lượng thanh thiếu niên (Ảnh; D Thu)

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh Ninh Bình có 1 trung tâm văn hóa tỉnh, 8 trung tâm văn hóa huyện, thành phố; 142/143 (99,30%) xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; có 148 khu thể thao được sử dụng cho 140/143 xã, phường, thị trấn (đạt 97,9%); có 1.599/1.679 (95,24%) thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố, phố có nhà văn hóa gắn với sân thể thao, khu thể thao đơn giản. Bên cạnh các Trung tâm, nhà văn hóa, Ninh Bình có trên 670 sân thi đấu cầu lông; 145 sân thể thao cơ bản; 450 sân bóng đá; 70 sân quần vợt; 280 sân bóng chuyền; 235 sân bóng rổ; 25 bể bơi cố định…

Các thiết chế văn  hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở đều đảm bảo tiêu chí theo quy định của Bộ VHTTDL. Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Ninh Bình diễn ra sôi nổi, thường xuyên. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được khai thác và sử dụng hiệu quả đã phát huy công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân cũng như góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao của tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Trung bình hằng năm, ngành VHTTDL tổ chức trên 600 cuộc thi đấu, giao hữu thể thao. Toàn tỉnh có gần 700 CLB thể thao. 100% trường học đảm bảo giáo dục thể chất. Tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thường xuyên tăng đều hàng năm, năm 2004 là 19%, đến năm 2014 là 27% và đến nay là 33%; số gia đình thể thao đạt 28,5%. Cùng với sự phát triển về TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của tỉnh cũng từng bước khẳng định vị thế của mình không chỉ ở đấu trường trong nước mà còn ở các sân cấp châu lục và khu vực.

Những tồn tại hạn chế

Cùng với những kết quả đạt được, thực tế cho thấy hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong tỉnh tuy phát triển nhanh về số lượng, nhất là ở cơ sở nhưng vẫn còn có đơn vị cấp huyện chưa xây dựng, hoàn thiện công trình văn hóa, thể thao công cộng theo quy định. Một số xã, phường, thị trấn chưa bố trí quỹ đất xây dựng Khu thể thao xã hoặc có quỹ đất nhưng chưa xây dựng công trình thể thao. Một số thôn, xóm, phố vẫn chưa xây dựng Nhà văn hóa - Khu thể thao riêng, hiện đang dùng chung với các khu dân cư liền kề hoặc sử dụng tạm các công trình công cộng khác hiện có của địa phương làm nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao cho người dân. Thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu, nhiều trang thiết bị đã được đầu tư từ lâu nay đã xuống cấp, lạc hậu. Kinh phí tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao nhất là cấp xã và khu dân cư vẫn còn hạn chế. Nội dung và hình thức hoạt động chưa phong phú, kém hấp dẫn. Hiệu quả hoạt động của một số thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa thực sự đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT của nhân dân địa phương.

Những giải pháp nhiệm vụ tiếp tục được triển khai

Để nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Ninh Bình tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của trung ương và của tỉnh liên quan đến phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đặc biệt là Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Đưa nội dung, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hằng năm của địa phương, trên cơ sở đó tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra;

Bên cạnh đó, đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực để bổ sung trang thiết bị chuyên ngành, xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao công cộng phục vụ nhân dân và các đối tượng thanh, thiếu niên, công nhân lao động. Quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các Nhà văn hóa - Khu thể thao ở khu dân cư, nhất là đối với các khu vực nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn.

Tập trung xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, thể thao nói chung, trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nói riêng. Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa, thể thao trong hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở. Quan tâm bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hạt nhân văn nghệ, các cộng tác viên về văn hóa, nghệ thuật, TDTT; thu hút, phát huy vai trò hiệu quả các nghệ nhân, những người có kinh nghiệm, tay nghề đang nắm giữ các giá trị nghệ thuật truyền thống trong quá trình tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao. Tổ chức phong phú, đa dạng các loại hình hoạt động văn hóa - nghệ thuật, TDTT, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức phong phú, đa dạng các loại hình hoạt động, chú trọng xây dựng, phát huy các CLB văn hóa, văn nghệ, TDTT, vui chơi, giải trí nhằm thu hút người dân tham gia sinh hoạt tại thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu, các chương trình, tiết mục phong phú, phù hợp với đặc điểm điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, đặc điểm dân tộc, vùng miền, của các nhóm đối tượng và lứa tuổi, nhất là người cao tuổi, trẻ em. Thường xuyên tổ chức các liên hoan, hội diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng, hội thi thể thao, ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc..., tạo điều kiện để người dân tham gia 3 hoạt động văn hóa, thể thao góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Cùng với đó phải tiếp tục đẩy mạnh tổ chức hoạt động tại cơ sở và đưa sản phẩm văn hóa về cơ sở của các thiết chế văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện. Phát huy vai trò, trách nhiệm hướng dẫn, bồi dưỡng, huấn luyện về chuyên môn của các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, cấp huyện đối với thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã và khu dân cư.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng và khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, có biện pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, khó khăn vướng mắc trong công tác xây dựng, quản lý và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

UBND tỉnh giao Sở VHTT - Tham mưu chỉ đạo khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tăng cường hướng dẫn nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại cơ sở; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, các loại hình nghệ thuật, các trò chơi, các môn thể thao dân gian truyền thống; chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần cho nhân dân, chú trọng các đối tượng đặc thù như: người cao tuổi, thanh thiếu nhi, công nhân lao động các khu, cụm công nghiệp cư trú trên địa bàn...; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; tổ chức các cuộc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm xây dựng đời sống văn hóa cho cán bộ văn hóa các cấp.

VD

Ảnh trong bài
  • Ninh Bình tập trung nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao