Là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh đã, đang từng bước được hoàn chỉnh. Theo thống kê, tỉnh hiện có 5/7 huyện, thành phố có nhà văn hóa thông tin đạt chuẩn; 135/138 số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa đạt chuẩn; 134/138 xã, phường, thị trấn có nhà văn hoá, trong đó có 83 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 105 xã, phường, thị trấn có sân chơi, bãi tập TDTT, trong đó có 46 sân thể thao đạt chuẩn còn, 80 thôn, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa, nhưng đã được quy hoạch quỹ đất xây dựng đảm bảo đúng quy chuẩn; 900/1.733 thôn, xóm, tổ dân phố khu thể thao đạt chuẩn; 1.653/1.733 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao, trong đó 1.340 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL; 2.756 công trình thể thao, trong đó: 11 nhà tập luyện, thi đấu thể thao, 1.114 sân bóng chuyền, 139 sân bóng đá mini, 496 sân cầu lông, 29 sân quần vợt, 32 bể bơi, 236 sân vận động không có khán đài và 700 sân chơi bãi tập khác;
Các thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng đã góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT, trong đó có môn yoga (Ảnh; A.Nguyệt)
Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án xây dựng nhà văn hoá thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2021-2025, Tuyên Quang đã đầu tư xây dựng và nâng cấp các thiết chế văn hóa trọng điểm cấp tỉnh. Huy động các nguồn lực xây dựng nhà văn hóa cấp cơ sở. Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh đã bố trí kinh phí xây mới, sửa chữa, nâng cấp 70 nhà văn hoá thôn, tổ dân phố, với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang và nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đề án ra đời và được triển khai thực hiện đã tạo cơ sở, điều kiện cho các thiết chế VHTT phát triển đồng bộ, phục vụ nhu cầu hoạt động văn hóa, rèn luyện TDTT, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, đời sống tinh thần và sức khỏe, thể lực của nhân dân; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ VHTT, vui chơi giải trí của nhân dân ở các vùng, khu vực thành thị và nông thôn trong tỉnh.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, tỉnh phấn đấu xây dựng 25 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên và nâng cấp sửa chữa 22 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên. Đối với thôn, tổ dân phố các xã, phường còn lại, diện tích đất quy hoạch xây dựng nhà văn hóa gắn với sân thể thao và khuôn viên phải đảm bảo tối thiểu từ 500m2 trở lên, trong đó diện tích nhà văn hóa phải tối thiểu từ 200m2 trở lên.
Mục tiêu mà tỉnh đặt ra đến năm 2025 là có trên 1400 (đạt 80%) nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL, đồng thời đảm bảo có sự đầu tư, phát triển hợp lý giữa các vùng, khu vực và giữa các huyện trên địa bàn tỉnh.
Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, đặc biệt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, Sở VHTTDL tiếp tục duy trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, công chức văn hóa cơ sở. Trung bình mỗi năm, ngành VHTTDL tỉnh tổ chức hàng chục lớp tập huấn bằng các hình thức phù hợp về nghiệp vụ công tác văn hóa, thể thao cơ sở.
Cùng với các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; trọng tâm là thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa, thể thao, bổ sung trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, vui chơi, giải trí.
Phát huy hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa, sân thể thao thôn, xóm, tổ dân phố qua việc đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT; tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật, giao lưu, thi đấu thể thao mang tính cộng đồng để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở thành lập các mô hình CLB văn hóa, thể thao. Ngoài các CLB văn hóa, văn nghệ, hiện toàn tỉnh có trên 300 CLB TDTT, nhiều đội nhóm tập luyện TDTT ở cơ sở được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên. Đây là sân chơi bổ ích giúp nâng cao sức khỏe cũng như đời sống tinh thần cho nhân dân.
Hàng năm duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và TDTT phù hợp với từng tổ chức đoàn thể, khu dân cư, từng nhóm đối tượng, lứa tuổi; thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hình thức sinh hoạt các CLB, tạo sự mới mẻ, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia; đồng thời lồng ghép việc giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, bảo đảm phát triển văn hóa toàn diện, bền vững, hài hòa và gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia đóng góp xây dựng, quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao tại địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, lợi ích của các thiết chế văn hóa, thể thao trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông đại chúng trực tiếp bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, để thu hút người dân tham gia và các hoạt động văn nghệ, TDTT cũng như nâng cao công tác quản lý, giám sát hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở.
VD