You must configure this module first via "Module Settings"

Bắc Ninh chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao

Trong những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương trong việc xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần đưa hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Theo thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh có 8/8 huyện, thành phố; 81/126 xã, phường, thị trấn đã có quy hoạch đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn; 541/730 thôn, làng, khu phố cũng đã có quy hoạch, ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng Nhà văn hoá, sân bãi tập luyện TDTT cho nhân dân.

Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh đến cơ sở đã từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong đó phải kể đến một số công trình có quy mô lớn, kiến trúc đẹp, hiện đại như: Nhà hát Dân ca quan họ; Nhà thi đấu đa năng; Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc…Theo đó, hiện nay hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh và thành phố Bắc Ninh có đủ tiêu chuẩn để đăng cai tổ chức một số sự kiện chính trị, văn hóa, hội thảo, hội nghị, quốc gia và quốc tế; các giải thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế.

Trung tâm Văn hóa Thể thao thành phố Bắc Ninh được xây dựng khang trang, hiện đại (Ảnh: Internet)

Không chỉ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, Bắc Ninh còn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn. Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cấp tỉnh, huyện, xã về cơ bản đã đảm bảo yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên cấp xã, phường, thị trấn trở thành những hạt nhân của phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng bước đầu được chú trọng.

Nhờ đó, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập, thi đấu TDTT của các tầng lớp nhân dân, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của từng địa phương nói riêng và của vùng Kinh Bắc nói chung.

Song song với những kết quả đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại như: Cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá còn nhiều khó khăn; có một số thiết chế hiện đã xuống cấp, không bảo đảm theo quy định; còn nhiều thiết chế văn hóa, thể thao thiếu trang thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động; kinh phí đầu tư cho xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như cho tổ chức hoạt động còn hạn hẹp. Việc xây dựng một số thiết chế văn hóa, thể thao về quy mô, kiến trúc, vị trí còn chưa phù hợp trong việc khai thác, sử dụng nên hiệu quả hoạt động chưa cao..

Đặc biệt, trong 5 năm gần đây thực hiện Đề án quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017- 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh đã dành khoảng 640ha đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh tới cơ sở và các thiết chế văn hóa, thể thao trong các khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao của các tầng lớp nhân dân, đồng thời thực hiện tuyên truyền, cổ động, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương.

Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bắc Ninh có từ 90 -100% thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, từ 80-90% Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp huyện, từ 60 -70% Trung tâm văn hóa thể thao cấp xã, 75% thôn, làng, khu phố có Nhà văn hóa- Khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. Đến năm 2030, hoàn thành 100% các thiết chế văn hóa, thể thao công lập đạt chuẩn; 50% khu công nghiệp có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn; 100% đơn vị cấp huyện có quảng trường, tượng đài công viên cây xanh được đầu tư và hoàn thiện đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. 

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhất là Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làng văn hóa, gia đình văn hóa”…

Hoàn thiện đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao cấp cơ sở theo quy hoạch, đảm bảo các xã và thị trấn được chọn để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đều đảm bảo có Trung tâm văn hóa - thể thao để tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn như: liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi đấu, thi diễn các môn thể thao, tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia các hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống; là nơi sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, các chương trình tuyên truyền về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Đầu tư xây dựng các sân luyện tập và thi đấu thể thao cấp xã, thị trấn đảm bảo 100% các xã nông thôn mới đều có sân bóng đá và sân bóng chuyền. Đẩy mạnh thực hiện các mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực VHTTDL, nhằm phát triển phong trào ở cơ sở, tạo điều kiện  nhân dân tham gia luyện tập, rèn luyện sức khỏe nâng cao thể chất. Đầu tư xây dựng các thiết chế thể thao đặc thù ngoài công lập có quy mô lớn như: Trường đua; sân golf; Khu Liên hợp thể thao, Rạp chiếu phim, Trung tâm Thông tin Triển lãm, khu vui chơi giải trí.

Định hướng xây dựng, từng bước phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân: Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân phù hợp với quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, phân bố dân cư, xây dựng các công trình văn hóa, thể thao ở cơ sở; nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở phục vụ công nhân làm việc ở các khu công nghiệp và nhân dân cư trú trên địa bàn.

Chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo điều kiện để khôi phục lễ hội, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện không lành mạnh trong các hoạt động VHTTDL. Tăng cường làm tốt công tác quản lý nhà nước và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, đảm bảo phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Qua đó, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong các phong trào thi đua văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Đảm bảo nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách, phân cấp đầu tư và các quy định hiện hành; ưu tiên giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới Nhà Văn hóa và khu thể thao tại các thôn, làng, khu phố, mua sắm trang thiết bị thiết yếu và kinh phí tổ chức hoạt động thường xuyên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tạo nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, các khu vui chơi giải trí ở cơ sở. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trong các thiết chế văn hóa, thể thao đã được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật

Tăng cường công tác quy hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa - xã hội cấp xã; định kỳ mở các lớp tập huấn hướng dẫn về công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, cho đội ngũ cán bộ văn hóa, cộng tác viên ở cơ sở; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực  làm việc tại các di tích lịch sử - văn hóa, các điểm du lịch trên địa bàn. Mở rộng liên kết trong đào tạo nâng cao năng lực quản lý, trao đổi thông tin, trao đổi phổ biến các kinh nghiệm quản lý và tổ chức hoạt động của hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao; phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, các hội chuyên ngành Trung ương nhằm đa dạng hoá các hình thức đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; mở các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa về các lĩnh vực: quản lý văn hóa, thể thao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

VD

Ảnh trong bài
  • Bắc Ninh chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao