You must configure this module first via "Module Settings"

Thành phố Bạc Liêu: nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao

Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội cũng như đời sống văn hoá tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân. Việc sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Bạc Liêu hiện nay đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận và bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Bởi vậy, nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý các thiết chế văn hoá, thể thao hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần thiết được các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố quan tâm.

Trong những năm gần đây, nhờ sự phát triển kinh tế, xã hội, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao trên địa bàn thành phố từng bước được quan tâm đầu tư, nâng cấp xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại và đến nay cơ bản đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT phục vụ nhân dân vào những dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương. Từ những hoạt động này, thiết chế văn hóa, thể thao khẳng định được vai trò quan trọng của mình, vừa tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ, vừa là địa điểm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, sinh hoạt các câu lạc bộ... 

Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn thành phố Bạc Liêu được quan tâm, đầu tư xây dựng và hoạt động hiệu quả (ảnh: minh họa)

Cơ sở vật chất của các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố đã được đầu tư, hoạt động hiệu quả. Kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố chủ yếu từ ngân sách thành phố và tỉnh hỗ trợ. Trong đó, kinh phí xây dựng 01 Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã bình quân trên 02 tỷ đồng; 01 Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp bình quân trên 250 triệu đồng. Thành phố cũng đã vận động nhân dân hiến đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, qua đó đã có một số hộ dân tự nguyện hiến đất, cho mượn đất để xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao ấp phục vụ cho cộng đồng.

Các  thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được xây dựng theo quy định của Bộ VHTTDL, được UBND thành phố hỗ trợ trang thiết bị hoạt động. Theo đó, Hội trường Trung tâm văn hóa - thể thao xã là hội trường đa năng, được đầu tư trang thiết bị như: Bàn, ghế, phông màn, hệ thống âm thanh…. Bên cạnh đó còn có phòng hành chính – truyền thanh, phòng sinh hoạt câu lạc bộ, phòng đọc sách, phòng văn nghệ - thể thao… Kinh phí hỗ trợ hoạt động cho Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã là 20 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn vận động thêm các nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn để phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT. Ở cấp ấp, thôn, các nhà văn hóa đều được hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phục vụ hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Trưởng ấp, thôn là người trực tiếp quản lý, các thành viên là các chi hội, chi đoàn ấp, thôn và những người có uy tín… Kinh phí hỗ trợ hoạt động cho nhà Văn hóa - Khu thể thao ấp, thôn là 5.000.000 đồng/năm.

Ngoài ra, thành phố còn vận động người dân tự đầu tư xây dựng được 19 sân bóng đá nhân tạo và nhiều sân bóng đá, bóng chuyền để tổ chức các hoạt động thể thao; 04 câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ, 04 câu lạc bộ thể dục thể hình, 04 câu lạc bộ bóng bàn, 03 phòng tập gym, 20 câu lạc bộ billiards,...

Công tác quản lý nhà nước đối với các thiết chế văn hóa, thể thao được thực hiện khá tốt. Các cấp ủy, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ để các thiết chế văn hóa, thể thao hoạt động có hiệu quả.

Tuy nhiên, việc sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao cũng gặp những khó khăn, hạn chế như: Kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao còn ít. Cơ sở vật chất, các trang thiết bị trong các thiết chế văn hoá, đặc biệt là thiết chế nhà văn hóa còn đơn giản, chủ yếu do nhân dân đóng góp, mua sắm nên chưa có sự đồng bộ; chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT phục vụ nhân dân. Một số Nhà văn hóa – khu thể thao ấp chưa phát huy hết chức năng hoạt động, chủ yếu tổ chức các cuộc họp dân và hoạt động của Ban nhân dân ấp; chưa tổ chức nhiều các buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, TDTT. Bên cạnh đó, chưa xây dựng được mạng lưới cộng tác viên và nội dung sinh hoạt còn đơn điệu chưa thu hút đông đảo người dân tham gia; Cán bộ phụ trách các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc tổ chức hoạt động còn hạn chế; Công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch, bố trí đất cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cũng gặp khó khăn...

Để quản lý và sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra nhằm khắc phục những hạn chế trên, UBND thành phố đề ra một số giải pháp như: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn; Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Có chính sách ưu tiên hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở, kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt.

Tổ chức nhiều mô hình câu lạc bộ về văn hóa, văn nghệ, TDTT nhằm thu hút người dân tham gia hoạt động; Tập trung củng cố và nâng cao trình độ về mọi mặt của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và thể thao từ thành phố đến cơ sở. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và Nhà văn hóa - khu thể thao ấp; Tăng cường đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí hoạt động, tạo điều kiện cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hoạt động hiệu quả hơn. Tập trung vận động xã hội hóa, từng bước thu hút đầu tư trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT trên địa bàn thành phố.

Khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỷ thuật, nhằm phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; cơ chế quản lý, tự chủ, định mức kỷ thuật, cơ chế tính giá hoạt động của hệ thống Trung tâm văn hóa - Thể thao các cấp theo quy định.

Đẩy mạnh công tác hướng dẫn UBND các phường, xã và các đơn vị có liên quan đổi mới phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động tại các khu thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; đặc biệt là hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Bạc Liêu.

Xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu phù hợp với điều kiện sinh hoạt, các nhóm đối tượng, lứa tuổi trên địa bàn thành phố; đồng thời hướng dẫn trang trí bên trong nhà văn hóa và nội dung sinh hoạt, cách thức tổ chức các loại hình câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, TDTT, vui chơi, giải trí để thu hút người dân tham gia hoạt động tại hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở.

Phối hợp UBND phường, xã lựa chọn 01 đến 02 đơn vị xây dựng các mô hình khu dân cư văn hóa điển hình trên nhiều lĩnh vực như: Khu dân cư văn hóa xanh - sạch - đẹp, Khu dân cư văn hóa điển hình phát triển kinh tế; Khu dân cư văn hóa điển hình văn nghệ, thể thao,… gắn với thực hiện hương ước, quy ước và nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

Xây dựng và nhân rộng mô hình Khu dân cư văn hóa xanh - sạch - đẹp, Khu dân cư văn hóa điển hình phát triển kinh tế; Khu dân cư văn hóa điển hình văn nghệ, thể thao,… theo hướng dẫn của Phòng Văn hóa và thông tin thành phố Bạc Liêu.

VD

Ảnh trong bài
  • Thành phố Bạc Liêu: nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao