Theo báo cáo của Sở VH&TT tỉnh, hiện nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở từng bước được quan tâm, đầu tư xây dựng, nhất là ở cơ sở. Các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh cơ bản được khai thác và sử dụng hiệu quả, góp phần giải quyết nhu cầu vui chơi, giải trí cũng như phục vụ các sự kiện chính trị của địa phương, của tỉnh.
Nhà Văn hóa TDP 2 phường Đồng Phú - Công trình vừa được khánh thành và đi vào sử dụng đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tập luyện TDTT của người dân (Ảnh: báo Quảng Bình)
Hiện ở cấp tỉnh, gồm: Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng Tổng hợp, Thư viện, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Sân vận động, Bể bơi tổng hợp. Cấp huyện có 6/8 đơn vị có Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao độc lập; 8/8 huyện, thành phố, thị xã có thư viện, có 3 nhà truyền thống, 8 sân vận động, 1 bể bơi cấp huyện. Trên địa bàn tỉnh đã có 159 trung tâm văn hóa – khu thể thao, trong đó có 26 trung tâm văn hóa – khu thể thao cấp xã được xây dựng độc lập, còn lại 131 xã, phường, thị trấn sử dụng chung với hội trường UBND xã, phường, thị trấn.
Đặc biệt hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại thôn, bản, tổ dân phố được quan tâm đầu tư xây dựng khá lớn. Toàn tỉnh có 1.181/1.218 nhà văn hóa – khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có 696 nhà văn hóa – khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. 37 thôn, bản, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa-khu thể thao. Trong số 1.100 nhà văn hóa-khu thể thao đang sử dụng, có 192 thiết chế cần cải tạo, sửa chữa và 363 thiết chế hư hỏng phải xây dựng lại để đạt chuẩn quy định. Qua khảo sát cho thấy có 32,6% thôn, bản, tổ dân phố chưa có trang thiết bị hoạt động và 66,4% không có tủ sách thư viện.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tại kỳ họp lần thứ 8 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao thôn, bản, tổ dân phố giai đoạn 2022-2025. Theo đó, Quảng Bình đã giành ngân sách hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa, mua sắp trang thiết bị; xây dựng tủ sách thư viện nhà văn hóa-khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố trong tỉnh.
Cụ thể, thôn, bản thuộc vùng còn khó khăn, đặc biệt khó khăn nếu xây mới nhà văn hóa-khu thể thao với quy mô 80 chỗ ngồi trở lên, tổng mức xây dựng tối thiểu 800 triệu đồng/thiết chế thì tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng/thiết chế. Nhà văn hóa-khu thể thao của thôn ở vùng nông thôn xây dựng mới 100 chỗ ngồi trở lên, tổng mức xây dựng tối thiểu 1 tỷ đồng/thiết chế, tỉnh hỗ trợ 145 triệu đồng/thiết chế.
Tổ dân phố thuộc vùng đô thị xây mới nhà văn hóa-khu thể thao 150 chỗ ngồi trở lên, tổng mức xây dựng tối thiểu 1,3 tỷ đồng/thiết chế, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng/thiết chế. Trường hợp thôn, bản, tổ dân phố cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa-khu thể thao tối thiểu 300 triệu đồng/thiết chế, tỉnh hỗ trợ từ 50 đến 115 triệu đồng/thiết chế, tùy theo địa bàn.
Về hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa-khu thể thao thôn, bản: thực hiện theo nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số nội dung và mức hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc ngân sách Nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Nhà văn hóa-khu thể thao tổ dân phố mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/thiết chế. Việc hỗ trợ xây dựng tủ sách thư viện nhà văn hóa-khu thể thao thôn, bản cũng thực hiện như trên, riêng tủ sách thư viện của tổ dân phố mức hỗ trợ 30 triệu đồng/thiết chế.
Mục tiêu đến năm 2025, Quảng Bình phấn đấu 100% thôn, bản và tổ dân phố trong tỉnh có nhà văn hóa-khu thể thao, trong đó 80% đạt chuẩn theo quy định, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Một trong những đơn vị điển hình trong việc đầu tư xây dựng cũng như nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sỏ đó là thành phố Đồng Hới. Hiện toàn thành phố có 15/15 xã, phường có trung tâm VHTT, 137/137 thôn, tổ dân phố (TDP) có nhà văn hóa-khu thể thao; 15/15 xã, phường có đài truyền thanh. Các nhà văn hóa thôn, TDP có đầy đủ các trang thiết bị, hệ thống hoạt động, như: Hệ thống làm mát, âm thanh, bàn ghế, khánh tiết, tủ sách…, cơ bản phục vụ nhu cầu hội họp, sinh hoạt cộng đồng dân cư, các đợt sinh hoạt chính trị, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các thôn, TDP.
Thành phố Đồng Hới cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của tỉnh về việc đầu tư xây dựng cơ sỏ vật chất văn hóa, thể thao. Hiện, thành phố đang triển khai hỗ trợ xây dựng, mua sắm trang thiết bị cơ sở vật chất nhà văn hóa thôn đạt chuẩn giai đoạn 2021-2025 với 150 triệu đồng/nhà văn hóa. Ngoài việc bố trí, sắp xếp nguồn kinh phí nhà nước, thành phố Đồng Hới còn đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực chung tay xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Đã có nhiều hộ gia đình tự nguyện góp công, góp của, hiến đất; nhiều tổ chức, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn ủng hộ, đóng góp kinh phí để xây dựng hệ thống thiết chế VHTT.
Một trong những công trình phải kể đến đó là nhà văn hóa TDP 2 phường Đồng Phú. Công trình vừa được khánh thành và đi vào sử dụng với tổng kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng, bao gồm cả phần xây dựng và mua sắm trang thiết bị. Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 600 triệu đồng, ngân sách phường bố trí 2,1 tỷ đồng, nguồn đóng góp của nhân dân gần 300 triệu đồng. Công trình có diện tích 977m2, gồm: Hội trường có sức chứa 250 chỗ ngồi, phòng làm việc, nhà kho, công trình vệ sinh, sân thể thao khang trang, hiện đại, sạch đẹp; các trang thiết bị được đầu tư đầy đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hội họp của bà con.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại những hạn chế, bất cập. Trong đó, một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt, vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Nhiều nơi chưa thường xuyên tổ chức các hoạt động, nội dung các hoạt động còn đơn điệu, chưa phong phú; công tác tuyên tuyền, vận động còn hạn chế,hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là internet, mạng xã hội nên chưa thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham gia sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa, thể thao. Công tác quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao ở một số địa phương chưa hiệu quả, sử dụng sai mục đích, không đúng công năng thiết kế; Cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động không đồng bộ nên không phát huy được hiệu quả như mong muốn; tình trạng chỗ thiếu, nơi thừa thiết bị vẫn còn tồn tại; một số công trình như nhà văn hóa, khu thể thao ở thôn, xã, Tổ dân phố hiện đã xuống cấp, khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, Quảng Bình đã đề ra một số giải pháp như xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cụ thể trong việc xây dựng, tu sửa các thiết chế văn hóa, thể thao. Việc đầu tư xây dựng, tu sửa các thiết chế văn hoá cần đảm bảo tính đồng bộ, hợp lý, phục vụ tối đa chức năng của các thiết chế văn hoá và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ tại các thiết chế văn hoá. Đa dạng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá, thể thao. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá các thiết chế văn hoá, thể thao nhằm huy động các nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
VD