You must configure this module first via "Module Settings"

Thanh Hóa chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở

Trong những năm qua, các cấp các ngành tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, chú trọng việc đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Với nhiều biện pháp, cách làm hay trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức, hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao tại tỉnh đã phát huy hiệu quả, qua đó góp phần thúc đẩy đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Thực trạng thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh Thanh Hóa

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh, các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp đã từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ và tạo thành hệ thống khá hoàn chỉnh. Cụ thể, ở cấp tỉnh có 08 thiết chế phục vụ cộng đồng (gồm: Sân Vận động tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, Nhà hát Lam Sơn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Thư viện tỉnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng); trong đó có 02/08 thiết chế đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL (Thư viện tỉnh, Nhà hát Lam Sơn). Có 03 thiết chế văn hóa phục vụ công nhân, viên chức, người lao động tại các khu công nghiệp (gồm các Nhà Văn hóa thuộc Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn và Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn.
Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện có 21/27 đơn vị cấp huyện xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, chiếm tỷ lệ 77,8%; trong đó có 12 thiết chế đạt chuẩn theo quy định. Có 02/27 đơn vị cấp huyện (thành phố Thanh Hóa và huyện Nga Sơn) xây dựng thiết chế Nhà Văn hóa Thiếu nhi cấp huyện phục vụ thanh thiếu niên, nhi đồng.

Ở cấp xã, toàn tỉnh có 446/559 đơn vị hành chính cấp xã có cơ sở vật chất thiết chế văn hóa, thể thao (gồm Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Hội trường đa năng), đạt tỷ lệ gần 79,8%. Trong đó, có 212/559 Trung tâm văn hóa - thể thao xã đạt chuẩn theo quy định (đạt tỷ lệ 37,9%).

Thiết chế văn hóa, thể thao cấp thôn: Có 4.150/4.357 thôn, bản, tổ dân phố có Nhà Văn hoá - Khu Thể thao, đạt tỷ lệ 95,2%; trong đó có 2.815/4.357 Nhà văn hoá - Khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định (đạt tỷ lệ 64,6%).

Mục tiêu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng cũng như các giá trị về mặt tinh thần từ các thiết chế văn hóa thể thao đối với sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như đời sống của nhân dân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, sự bùng nổ của khoa học, công nghệ thông tin cùng với,  nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân cũng được tăng cao… việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở đòi hỏi phải đảm bảo đồng bộ, hiện đại.

UBDN tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định về việc phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển các thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở, các công trình văn hoá nghệ thuật trọng điểm tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ và lộ trình thực hiện cụ thể:

Đến năm 2025: cấp tỉnh, sẽ đầu tư xây dựng một số thiết chế văn hóa, thể thao như:  Bảo tàng tỉnh; Nhà thi đấu tầm cỡ khu vực với tính chất đa năng; đến năm 2030 đầu tư xây dựng hoàn thiện Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh tỉnh; Sân vận động đạt chuẩn và Khu thể thao dưới nước (Trung tâm bơi lội) hiện đại.

Ở cấp huyện, có 100% các huyện đăng ký về đích Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, 02 thành phố là trung tâm hành chính tỉnh và 3 trọng điểm du lịch của tỉnh có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đa năng và sân vận động đạt chuẩn; đến năm 2030, có 100% đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm văn hóa - thể thao đa năng và sân vận động đạt chuẩn; xây dựng được 01 thiết chế văn hóa dành cho công nhân lao động tại khu công nghiệp gắn với khu nhà ở xã hội.

Ở cấp xã: có từ 80 đến 85% trở lên đơn vị hành chính cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đa năng; đến năm 2030, 100% đơn vị hành chính cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đa năng.

Ở cấp thôn, có 100% thôn, bản có Nhà Văn hóa - Khu Thể thao, đến năm 2030, có 80% thôn trở lên thuộc các huyện, thị xã, thành phố thuộc vùng đồng bằng, ven biển và 60% thôn, bản trở lên thuộc các huyện miền núi có Nhà Văn hóa - Khu Thể thao thôn đạt chuẩn.

Thực tiễn cho thấy, mặc dù các thiết chế văn hóa thể thao từ tỉnh đến cơ sở đã được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhưng hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ 4.0 đã tạo ra những rào cản lớn trong việc thúc đẩy hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Bởi các thiết bị công nghệ hiện đại và việc truy cập mạng internet dễ dàng đã chi phối một bộ phận người dân không còn mặn mà đến nhà văn hóa thôn, tổ dân phố sinh hoạt...

Bên cạnh đó là những bất cập về cơ chế, chính sách hay quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa còn khó khăn; một số thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa thường xuyên tổ chức các hoạt động hoặc sử dụng sai mục đích; kinh phí hỗ trợ hoạt động tại các nhà văn hóa tổ dân phố, thôn còn hạn chế; công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại các nhà văn hóa xã, phường còn lỏng lẻo, nhiều bất cấp; đội ngũ cán bộ chuyên trách còn thiếu và yếu (chủ yếu do cán bộ văn hóa - xã hội kiêm nhiệm), chưa có cán bộ chuyên trách; trang thiết bị hoạt động một số nơi đã cũ, không được bổ sung, chưa thực sự đáp ứng được các nhiệm vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, sự kiện lớn hoặc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật...

Và để nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Sở VHTTDL tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án; Đề xuất cụ thể, chi tiết các giải pháp và lộ trình tổ chức thực hiện Đề án, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án;

Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện Đề án. Thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa các nội dung Đề án; nắm bắt các vấn đề mới nảy sinh, báo cáo trình cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh nội dung Đề án; Tham mưu việc sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án, tham mưu đề xuất điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; Kiểm tra, rà soát việc bố trí quỹ đất công cộng dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại các đô thị của địa phương, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định.

Hàng năm bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở theo quy định của pháp luật hiện hành; đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị; kinh phí duy trì bộ máy và các hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ đối với thiết chế cấp huyện, xã; hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động của Nhà Văn hoá thôn, bản, tổ dân phố từ nguồn ngân sách của địa phương;

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí ngân sách, quy hoạch đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao theo mục tiêu nhiệm vụ của Đề án; đẩy mạnh xã hội hóa phát triển văn hóa, thể thao; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các đoàn thể trên địa bàn để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án;

Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu phù hợp với điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, đặc điểm dân tộc, vùng miền, các nhóm đối tượng, lứa tuổi; các loại hình CLB văn hóa văn nghệ, TDTT, vui chơi, giải trí để thu hút người dân tham gia hoạt động tại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đặc biệt ở cấp xã và thôn trên địa bàn, nhân rộng mô hình mới, cách làm hay để tuyên truyền, phát huy kết quả trong công tác bình xét danh hiệu văn hoá và tổ chức hoạt động tại thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở;

Phối hợp với Sở VHTTDL và các ngành liên quan của tỉnh để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Đề án trên địa bàn; tuyên truyền, vận động, khuyến khích các cá nhân, tổ chức trên địa bàn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí; kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án.

VD