You must configure this module first via "Module Settings"

Hà Nội từng bước hoàn thiện và nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa, thể thao

Trong những năm qua, dưới sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn thành phố đã phát triển đồng bộ, theo hướng toàn diện, bền vững. Cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, các phương thức tổ chức và hoạt động được đổi mới, đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, giúp rút ngắn khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí của nhân dân giữa khu vực nội thành và ngoại thành.

Theo thống kê, Hà Nội có 30 thiết chế văn hóa, thể thao cấp thành phố, 57 thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện, 136 trung tâm văn hoá, thể thao cấp xã, 4.277 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 79,3%. Trong đó có 2.283 nhà văn hóa thôn (đạt 97%); 1.993 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố (đạt 65,5%).

Qua khảo sát có 1.918 nhà văn hóa đáp ứng cơ bản về quy mô, diện tích xây dựng, trang thiết bị theo quy định của Bộ VHTTDL. Một số nhà văn hóa có khuôn viên rộng, đã chủ động huy động xã hội hóa đầu tư một số thiết bị, dụng cụ tập luyện TDTT, như xà đơn, xà kép, sân cầu lông, sân bóng đá,… phục vụ nhu cầu tập luyện của nhân dân.

Trong giai đoạn đoạn 2015-2021, Thành phố đã quan tâm đầu tư và hỗ trợ đầu tư cho 74 dự án văn hóa, thể thao với tổng nguồn kinh phí hơn 1.550 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2021, các quận, huyện, thị xã đã đầu tư hơn 11.900 tỷ đồng cho công tác xây dựng và hỗ trợ duy trì hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao.

Với sự đầu tư về kinh phí đã giúp cho hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao của Hà Nội từng bước được hoàn thiện cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Những thiết chế văn hóa cơ sở đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về hưởng thụ văn hóa, sáng tạo và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng chính là các địa điểm tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội.

các thiết chế VHTT đc xây dựng và trở thành địa điểm tập luyện TDTT thường xuyên của người dân (Ảnh: Đoàn Lan)

Xác định tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa, thể thao đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,.., Hà Nội đã đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong việc đầu tư, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thủ đô với những lộ trình cụ thể.

Theo đó, nhiều giải pháp đã được đề ra nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy các kết quả đạt được, tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở; rà soát cập nhật quy hoạch văn hóa Hà Nội vào Quy hoạch chung của Thành phố. Tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng tập trung ban hành các cơ chế chính sách cho các thiết chế văn hóa thể thao phù hợp với thực tế. Chú trọng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao; ban hành quy chế quản lý, khai thác và hoạt động của các nhà văn hóa cấp xã, thôn, tổ dân phố; ban hành hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn...

Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao cho đúng chức năng, nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, khắc phục, có biện pháp giải quyết phù hợp đối với những sai sót, tiêu cực; đồng thời, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng, quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao.

Một trong những yếu tố mang tính quyết định, ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao chính là vấn đề năng lực cán bộ. Trong giai đoạn hiện nay, để hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao có thể vận hành đúng với ý nghĩa và chức năng của nó thì cần phải có một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp được đào tạo chính quy, bài bản. Vì vậy, việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các hoạt động văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở là một việc làm cấp thiết.

Đa dạng hóa các hình thức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Các thiết chế văn hóa, thể thao phải thực sự trở thành nơi giao lưu, sáng tạo, rèn luyện cả về thể chất lẫn tinh thần cho người dân. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, xã hội; khuyến khích sự sáng tạo trong tổ chức các chương trình; gắn việc khai thác, sử dụng nhà văn hóa với việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương.

Đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp thành phố đến cấp cơ sở. Thành ủy, UBND thành phố cần xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức quốc tế, các quỹ hoạt động văn hóa của các tổ chức quốc tế, các tình nguyện viên quốc tế tham gia vào việc hỗ trợ phát triển hoạt động ở các trung tâm văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố. Từng bước đưa việc tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao theo cơ chế tự chủ, từ đó, các trung tâm văn hóa, trung tâm TDTT sẽ chủ động hơn trong công tác tuyên truyền, cổ động, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao cho người dân trên địa bàn thành phố.

VD