You must configure this module first via "Module Settings"

Thừa Thiên Huế: các thiết chế văn hóa, thể thao góp phần đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại

Trong những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã không ngừng nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, thôn, tổ dân phố (TDP). Với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao khá đồng bộ, được khai thác và sử dụng hiệu quả đã góp phần thúc đẩy các hoạt động văn hóa, văn nghệ và TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.

Thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao

Hiện nay, hệ thống thiết thể thao cấp tỉnh do Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý, gồm các công trình: Sân vận động Tự do, Nhà thi đấu đa năng tỉnh với sức chứa 3.000 chỗ ngồi; Bể bơi (25m, 50m).  Ngoài ra còn có hệ thống sân tập các môn thể thao: 5 sân quần vợt, 02 sân tập bóng đá phục vụ tập luyện cho các đội bóng đá trẻ; hệ thống nhà tập phục vụ các môn võ thuật; hệ thống nhà ở VĐV.

Các thiết chế, văn hóa - thể thao được đầu tư nâng cấp đồng bộ sẽ góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT của người dân (Ảnh; DT)

Cùng với những công trình thể thao lớn, ở cấp tỉnh còn có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao do các ngành, đơn vị khác trực tiếp quản lý nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân, thanh thiếu nhi, cán bộ, công nhân viên chức như: Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu Nhi (thuộc Tỉnh Đoàn); Nhà Văn hóa Lao động tỉnh (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh); các thiết chế thể thao của các cơ quan, đoàn thể, trường học và nhiều thiết chế thể thao được đầu tư xây dựng từ công tác xã hội hóa.

Ở cấp huyện, hiện có 8/9 đơn vị có thiết chế sân vận động (sân bóng đá), huyện Phú Lộc có sân vận động hư hỏng không sử dụng, huyện A Lưới có 02 sân cỏ nhân tạo do doanh nghiệp đầu tư; có 4/9 đơn vị có nhà thi đấu - nhà tập (TP Huế, Hương Thủy, Hương Trà, Nam Đông); 4/9 đơn vị có bể bơi (TP Huế, Hương Thủy, Hương Trà, Nam Đông) đa số bể bơi 25m, hiệu quả sử dụng chưa cao.

Cấp xã, có 96/141 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa chiếm 68%, đạt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Trong đó, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Nam Đông, thị xã Hương Thủy có số Trung tâm VH, TT cấp xã trên số đơn vị hành chính gần đạt 100%; Có 111 điểm Bưu điện văn hóa xã và có 11 thư viện, tủ sách cấp xã. Trong giai đoạn 2016 - 2021, có 55 nhà văn hóa xã được đầu tư từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Số thôn, bản, tổ dân phố có Nhà văn hóa, Nhà sinh hoạt cộng đồng là 904/1.277 đạt 70,8%, chưa đạt so với mục tiêu của Nghị quyết HĐND tỉnh là từ 75 - 80%.

Từ năm 2016 đến 30/6/2021, tỉnh đã huy động, bố trí 441,561 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, (trong đó: 84 tỷ từ nguồn xây dựng nông thôn mới, hơn 200 tỷ từ nguồn xã hội hóa). Một số thiết chế văn hóa cấp tỉnh đã đầu tư như sửa chữa, nâng cấp các công trình văn hóa trên 11,5 tỷ đồng; sửa chữa nâng cấp các thiết chế TDTT gần 40 tỷ đồng.

Ngoài nguồn kinh phí nhà nước, các ngành, các cấp đã tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao nhằm đa dạng hóa các loại hình hoạt động, phục nhu cầu của nhân dân. Ở cấp huyện công tác xã hội hóa tập trung vào việc xây dựng các nhà tập luyện, thi đấu thể thao tại các trường học, cơ quan, đơn vị, các thôn, khu dân cư:  Điển hình như các huyện: Phong Điền đã huy động nguồn xã hội hóa lên đến 20 tỷ,  Phú Vang huy động 10 tỷ để xây dựng Nhà Văn hóa cấp thôn, 600 triệu để xây dựng sân bãi, mua sắm trang thiết bị để tập luyện thể thao ở cấp thôn; Nam Đông huy động 1 tỷ để xây dựng Nhà văn hóa cấp thôn, 500 triệu để xây dựng Trung tâm VHTT cấp xã. Các dự án hỗ trợ từ nước ngoài: huyện Phú Vang, A Lưới được hỗ trợ từ dự án Bill Gates đầu tư máy tính và máy in để phục vụ các hoạt động văn hóa tại địa phương. Công tác xã hội hóa đã góp phần xây dựng các thiết chế VHTT cấp cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn.

Các nhiệm vụ và giải pháp

Để các thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, UBND tỉnh đề ra các giải pháp cần thực hiện đó là: tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về thực hiện quy hoạch các thiết chế VH, TT các cấp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, của người dân về tầm quan trọng của văn hóa, thể thao đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quan tâm chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch các thiết chế VH, TT trên địa bàn.

Quan tâm rà soát hiện trạng quỹ đất, có phương án đầu tư để đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia, quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu tập luyện, tổ chức thi đấu và đăng cai tổ chức các giải thi đấu quốc gia, quốc tế. Chỉ đạo UBND cấp huyện có quy hoạch quỹ đất, cân đối bố trí nguồn ngân sách và huy động các nguồn hợp pháp khác triển khai xây dựng hoàn thiện Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, cấp xã; dành quỹ đất trong các khu kinh tế, công nghiệp, khu đô thị mới để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân và người lao động.

Nghiên cứu tham mưu để HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển VH, TT, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển thiết chế VH, TT ở cơ sở; hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác quản lý văn hóa, thể thao, đội ngũ hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ở các cấp nhằm khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy phát triển VH, TT trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục chỉ đạo hình thành các mô hình hoạt động VH, TT ở cấp xã, phường, thị trấn và cấp thôn để tạo sự thống nhất trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các địa phương thành lập và ban hành Quy chế quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn; Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác VH, TT các cấp về quản lý, sử dụng và hoạt động của các thiết chế VH, TT; tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong tổ chức hoạt động tại các thiết chế VH, TT ở cơ sở.

VD