Thực trạng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Xác định tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong sự phát triển nền TDTT của các địa phương, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã cùng chung tay xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu tập luyện TDTT của mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Đồng thời, việc xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở cũng là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.
Theo số liệu của Sở VHTTDL tỉnh, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 10/10 huyện, thành phố có trung tâm văn hóa - thể thao; 158/226 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao; 3.005 NVH, sân thể thao thôn, xóm, TDP; 2.135 điểm vui chơi, giải trí cấp tỉnh, 17 điểm vui chơi, giải trí cấp huyện, 206 điểm vui chơi cấp xã và 1.169 điểm vui chơi cấp thôn, xóm, TDP. Để phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao, ngành Thể thao tỉnh thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở.
Phòng VH-TT, Trung tâm VH, TT và TT các huyện, thành phố cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn về công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT... Năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức 158 lớp tập huấn về công tác nghiệp vụ văn hóa, thể thao cơ sở với tổng số 1.169 cán bộ, chuyên viên tham gia, qua đó đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT quần chúng.
Hiện toàn tỉnh có trên 900 tổ, tốp, đội, câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ quần chúng và gần 1.500 nhóm, đội, câu lạc bộ TDTT từ cấp huyện, thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn và các thôn, xóm, TDP. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn của địa phương, của đất nước như: Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Ngày Giải phóng miền Nam (30-4) và Quốc tế Lao động (1-5); Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11), nhiều hội diễn, hội thi văn nghệ, thể thao quần chúng ở các địa phương trong tỉnh diễn ra sôi nổi tạo khí thế hăng say trong lao động sản xuất, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Để có được kết quả như trên, ngoài nguồn kinh phí của nhà nước, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao, bổ sung các trang thiết bị tập luyện, thi đấu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT của nhân dân. Nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm sáng tạo để tăng cường việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Điển hình như huyện Hải Hậu, sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đã đưa huyện trở thành một trong những địa phương có phong trào TDTT phát triển mạnh trong tỉnh cũng như có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao khang trang, đảm bảo được nhu cầu tập luyện TDTT của người dân. Đến nay, toàn huyện có 417/546 xóm, TDP có sân cầu lông; 386/546 xóm, TDP có sân bóng chuyền; 129/546 xóm, TDP có sân bóng đá mi-ni, trong đó có 8 sân cỏ nhân tạo; 216/546 xóm, TDP có bàn bóng bàn; 101 sân, khu TDTT liên xóm, TDP. Cũng trong năm 2021, huyện đã đầu tư xây dựng, lắp đặt thêm 207 bộ dụng cụ luyện tập TDTT ngoài trời, tổng số 1.380 dụng cụ TDTT, kinh phí xã hội hóa trên 12 tỷ đồng, nâng tổng số lên 399 bộ với tổng số 2.580 dụng cụ luyện tập TDTT ngoài trời, tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng.
Cùng với Hải Hậu, thị trấn Xuân Trường cũng là một trong những đơn vị có phong trào văn nghệ, TDTT phát triển. Đến nay, tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên đạt trên 30% dân số toàn thị trấn. Để có được kết quả đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thị trấn được đầu tư nâng cấp. Hiện, 18 tổ dân phố trên địa bàn thị trấn đều có nhà văn hóa, sân thể thao đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí NTM. Toàn thị trấn đã thành lập nhiều CLB ở các môn như: cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, dân vũ, yoga… Hội viên các CLB thường tập luyện tại nhà đa năng của UBND huyện, sân vận động hoặc ở các nhà văn hóa của tổ dân phố. Các CLB thường tổ chức các giải đấu để đảm bảo chất lượng chuyên môn, duy trì hoạt động ổn định.
Hoặc như ở huyện Giao Thủy, việc triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Thi đua xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu” đã đạt được thực hiện bài bản, quy mô. Nhờ đó, nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động TDTT, gắn các công trình thể thao với các thiết chế văn hoá cơ sở đã mang lai hiệu quả cao.
Toàn huyện có 1 nhà tập luyện, thi đấu thể thao đa năng với 1.500 chỗ ngồi; 1 sới vật 1.000 chỗ ngồi; 7 nhà tập luyện, thi đấu thể thao đơn môn; 389 địa điểm vui chơi, giải trí, tập luyện TDTT; 195 sân bóng đá, trong đó có 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo; 180 sân bóng chuyền; 225 sân cầu lông, trong đó có 10 sân cầu lông trong nhà; 4 sân tennis; 4 bể bơi chìm và 6 bể bơi nổi, lắp ghép. Cả 22 xã, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao, sân vận động; 332 xóm, tổ dân phố có sân, khu thể thao, nhà văn hóa. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 389 CLB TDTT tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tỷ lệ người dân tham gia sinh hoạt, tập luyện tại các CLB TDTT cơ sở ngày càng cao, năm sau cao hơn năm trước (Năm 2021, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 43%, năm 2022 con số này đạt 28%; 100% các xã, thị trấn có CLB TDTT).
Đáng ghi nhận trong xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở ở tỉnh Nam Định là việc chính quyền các địa phương đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa, thể thao từ xã, thị trấn đến các thôn, xóm, TDP. Quá trình đầu tư xây dựng, các địa phương đều công khai kinh phí, thành lập các tổ giám sát thi công; tăng cường công tác quản lý, nêu cao trách nhiệm của cộng đồng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp NVH, sân thể thao cơ sở để giảm áp lực gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Do vậy đến nay, cơ bản 100% các xã, thị trấn ở khu vực nông thôn và ngoại thành đã hoàn thành xây dựng hệ thống NVH, sân, khu thể thao các khu dân cư phục vụ cộng đồng.
Nhiều nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở; trọng tâm là thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa, thể thao, bổ sung trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân; đồng thời lồng ghép việc giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, đảm bảo cho văn hóa phát triển toàn diện, bền vững, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở; phát huy hiệu quả hoạt động của các NVH, sân thể thao thôn, xóm qua việc đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT, tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật, giao lưu, thi đấu thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
KC