You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Kiến Thụy – Hải Phòng tập trung phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Thực hiện chủ trương chính sách của Trung ương và Thành phố về đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, đến nay 100% các xã trên địa bàn huyện Kiến Thụy hoàn thiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trong đó có quy hoạch xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa thôn, xã

Hàng năm, huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Thành phố thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở, Ban chủ nhiệm các nhà văn hóa. Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên chỉ đạo các xã, các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan trong việc phối hợp xây dựng, quản lý và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa - thể thao; cùng với việc bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách, huyện đã tập trung đẩy mạnh thực hiện các chủ trương huy động nguồn lực xã hội theo chỉ đạo của UBND thành phố, để đầu tư xây dựng và nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao.

Nhờ vậy, hiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư xây dựng như: nâng cấp các sân vận động, dành quỹ đất cho các điểm vui chơi, tập luyện; cải tạo nâng cấp các trung tâm văn hóa thể thao xã, thị trấn, trung tâm văn hóa làng, hoàn thiện hệ thống truyền thanh tại các xã, thị trấn. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc xây dựng các nhà tập luyện và thi đấu thể thao tại các trường học, cơ quan, đơn vị, các thôn, khu dân cư. Các hoạt động văn hóa, thể thao được hướng mạnh về cơ sở, huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Theo báo cáo, hiện toàn huyện có: 01 Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện; 18 Nhà văn hóa xã, thị trấn: 78/113 thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa. Thiết chế Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện được huyện đầu tư xây dựng từ năm 1986, có 01 hội trường lớn với sức chứa 500 người. 100% làng, thôn, tổ dân phố đã có quy hoạch đất để làm trung tâm văn hóa, thể thao; 67/70 làng, tổ dân phố có nhà văn hóa; nhiều làng, tổ dân phố văn hóa đã có khu vui chơi giải trí, sân thể thao, sân vận động, có tủ sách và một số trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa thông tin và thể thao…

Nhiều nhà văn hóa làng, thôn được xây dựng có giá trị trên 01 tỷ đồng như: Như Nhà văn hóa Thôn Cẩm Hoàn xã Thanh Sơn với tổng mức đầu tư là 3,2 tỷ đồng, Nhà văn hóa Thôn Ngọc Liễn xã Đại Hà - 2,9 tỷ đồng, Nhà văn hóa thôn Kỳ Sơn xã Tân Trào - 2,5 tỷ đồng.…Nhiều xã đã có 100% làng có nhà văn hóa, thể thao như: Tân Trào (4/4 làng); Thanh Sơn (3/3làng); Thụy Hương (3/3 làng); Đại Hợp (4/4); Thị trấn Núi Đối (4/4); Tú Sơn (4/4); Tân Phong (4/4); một số làng xây dựng nhà văn hóa, thể thao cơ sở làng có giá trị từ 500 triệu đồng đến 900 triệu đồng (xây cũ) như: Nãi Sơn (Tú Sơn); Xuân La (Thanh Sơn)…

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương chủ động bảo tồn các giá trị văn hóa, thể thao truyền thống phi vật thể trên địa bàn, đặc biệt là các Lễ hội như: Lễ hội khai bút tại Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc, Lễ hội Đua thuyền rồng truyền thống trên sông Đa Độ, Lễ hội Minh thề Đền chùa Hòa Liễu xã Thuận Thiên, hội Đền Mõ xã Ngũ Phúc...qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã phát huy hiệu quả trong tổ chức phục vụ nhiệm vụ chính trị, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT cho nhân dân địa phương. Các hoạt động này diễn ra tại địa phương góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân, xây dựng tình đoàn kết thôn xóm tạo động lực và giá trị bền vững của thôn làng, để cho mỗi người dân dù đi xa về gần vẫn luôn tự hào về quê hương của mình, luôn hướng về các hoạt động tại quê hương bản quán.

Tuy nhiên, việc đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, tổ chức các hoạt động tại hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc khai thác, tổ chức các hoạt động tại hệ thống thiết chế còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa thu hút nhân dân tham gia. Đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu về trình độ chuyên môn. Tỷ lệ người dân tham gia thường xuyên trực tiếp vào các hoạt động cộng đồng tại thiết chế Nhà văn hóa vẫn còn ít

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại của hệ thống thiết chế hiện nay, huyện Kiến Thụy đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cũng như nâng cao hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân về vai trò, vị trí, tác dụng của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong tình hình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao gắn với nhu cầu thông tin, vui chơi, giải trí của người dân, hướng tới việc tự chủ hoạt động của các nhà văn hóa thôn, bản, tổ phố, khu dân cư. Phát động rộng rãi các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT phù hợp với điều kiện sinh hoạt và nhu cầu của nhân dân.

Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, coi đây vừa là nhiệm vụ có tính chiến lược lâu dài, vừa trọng tâm, cấp bách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và đảm bảo trật tự an toàn xã hội gắn với việc tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Chính quyền các cấp cần quy hoạch quỹ đất công dành cho xây dựng các công trình phúc lợi, quỹ đất cho thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở theo Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng Nông thôn mới và theo các tiêu chuẩn quy định của Bộ VHTTDL.

Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng nghề cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa, thể thao từ cấp huyện đến cơ sở.

Kết hợp và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công trung hạn, vốn Chương trình Mục tiêu phát triển văn hóa, vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khi triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Huy động nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hóa, từ nguồn tài trợ, từ sự đóng góp của người dân, từ nguồn thu từ các hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở theo quy định của Nhà nước.

Tiếp tục triển khai, thực hiện công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi giải trí, huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí ở cơ sở theo quy định của pháp luật. Xây dựng cơ chế huy động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia xây dựng đời sống văn hóa; vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên của nhà văn hóa, sân thể thao thôn, bản, tổ phố, xã, phường...

Phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ và các đoàn thể trong việc huy động nguồn lực tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở và giám sát việc thực hiện Kế hoạch.

KC

Ảnh trong bài
  • Huyện Kiến Thụy – Hải Phòng tập trung phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở