Thực trạng thiết chế văn hóa – thể thao trên địa bàn tỉnh
Trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh đã từng bước được hoàn thiện góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương. Theo thống kê của ngành VHTTDL tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 2.166/2.256 xóm, tổ dân phố có Nhà văn hóa - Khu thể thao, được trang bị các thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa, TDTT (đạt 96%); có 1.146 Nhà văn hóa - Khu thể thao xóm, tổ dân phố đã có bộ trang thiết bị văn hoá đang sử dụng đảm bảo hiệu quả; dụng cụ thể thao đơn giản như: sân bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, sân cầu lông, bàn bóng bàn…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do nhu cầu sáp nhập các tổ dân phố nên hiện nay nhiều Nhà văn hóa xóm, tổ dân phố không đảm bảo diện tích, quy mô xây dựng đáp ứng với số dân tăng lên sau sáp nhập. Chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao chưa đồng đều, một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của sự phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao cơ sở ở một số địa phương còn thiếu và yếu, nhất là cấp xã, phường, thị trấn do công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự được quan tâm; Một số địa phương chưa phân bổ đúng mức nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Việc xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa đáp ứng được kỳ vọng...
Hướng tới các mục tiêu cụ thể
Giai đoạn 2021-2025: cấp tỉnh phấn đấu từ 50 - 60% (5-6 thiết chế) thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL, trong đó. Sửa chữa, nâng cấp 01 thiết chế: Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu thể thao đạt chuẩn. Xây mới 06 thiết chế gồm: Thư viện tỉnh; Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh;Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT tỉnh; Trung tâm TDTT và hạng mục dự án xây dựng cơ sở vật chất, huấn luyện và thi đấu môn đua thuyền; 02 sân Golf (nguồn vốn của doanh nghiệp); Khu liên hợp thể thao.
Cấp huyện: Phấn đấu từ 70 - 80% trở lên có Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL, trong đó: Sửa chữa, nâng cấp 04 Trung tâm VHTT và Truyền thông thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình, huyện Phú Lương, huyện Định Hóa. Xây mới 01 Trung tâm VHTT và Truyền thông huyện Đồng Hỷ, các hạng mục công trình còn thiếu của 02 Trung tâm VHTT và Truyền thông thành phố Thái Nguyên và huyện Đại Từ.
Cấp xã: Phấn đấu từ 80 - 90% Trung tâm VHTT đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL, trong đó cải tạo, sửa chữa 18 Trung tâm VHTT và xây mới 52 Trung tâm VHTT.
Ở thôn, xóm, tổ dân phố: Phấn đấu từ 80 - 90% Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTDL, trong đó, xây dựng mới và cải tạo 600 Nhà văn hóa - Khu thể thao để đạt chuẩn. Phấn đấu từ 30% trở lên đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. Sửa chữa, nâng cấp 02 Nhà thiếu nhi: thành phố Thái Nguyên và huyện Định Hóa. Phấn đấu 100% khu công nghiệp có quỹ đất, 50% khu công nghiệp xây dựng được được Trung tâm VHTT phục vụ công nhân, người lao động. Trong đó xây dựng mới 02 Trung tâm VHTT
Định hướng đến năm 2035: Phấn đấu 100% các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. Trong đó, xây dựng mới 10 thiết chế gồm; Bảo tàng tỉnh; Nhà hát, Trung tâm thông tin triển lãm tỉnh; các hạng mục còn lại của Khu Liên hợp thể thao (Nhà thi đấu đa năng; nhà thi đấu dưới nước; sân đua xe đạp lòng chảo; sân đua mô tô; khu tập Golf; khu câu cá giải trí; khu tập luyện và thi đấu Tennis; khu trường bắn súng thể thao; khu thể thao cho người già; thanh thiếu niên và người khuyết tật; khu luyện tập bóng đá; khu đào tạo vận động viên; khu nhà ở cho vận động viên của tỉnh; khu nhà ở cho vận động viên và huấn luyện viên đến thi đấu; khách sạn thể thao; trung tâm thông tin báo chí; bệnh viện thể thao.
Thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng tạo điều kiện cho người dân tập luyện và thi đấu thể thao
Phấn đấu 100% các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn theo quy định; Trong đó: Sửa chữa, nâng cấp 02 Trung tâm VHTT và Truyền thông cấp huyện; Cấp xã: nâng cấp, sửa chữa 108 Trung tâm VHTT đồng thời xây dựng mới 18 Trung tâm VHTT.
Phấn đấu 100% Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn; xây dựng mới và cải tạo 257 Nhà văn hóa - Khu thể thao.100% các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ thanh thiếu niên, nhi đồng được xây dựng đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. Trong đó, xây dựng mới 06 Nhà thiếu nhi cấp huyện. Phấn đấu 100% các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân và người lao động đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. Trong đó, xây dựng mới 07 Nhà văn hóa lao động cấp huyện.
Các nhóm giải pháp đã, đang được triển khai thực hiện
Đưa mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035 vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là các thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập. Triển khai thực hiện việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, trọng tâm là công tác xây dựng quy hoạch, bố trí nguồn lực, quỹ đất, nâng cao chất lượng hoạt động để từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao tại địa phương.
Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương của tỉnh trong lĩnh vực VHTTDL; liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của các thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ, sáng tạo và rèn luyện thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.
Đổi mới cơ chế, chính sách, tập trung vào các nhóm chính sách về quy hoạch và sử dụng đất dành cho các thiết chế văn hóa, thể thao; chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư đối với các thiết chế văn hóa, thể thao như: Sân golf, rạp chiếu phim, bể bơi, thư viện, bảo tàng tư nhân, sân thể thao, khu vui chơi giải trí cho trẻ em... và chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư, liên doanh, liên kết đối với các cơ sở công lập. Nghiên cứu quy định khung để khuyến khích nhân rộng các mô hình quỹ đầu tư, bảo trợ, hỗ trợ tài năng.
Quy hoạch, sắp xếp lại và đảm bảo chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ tham gia quản lý, vận hành hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng nguồn nhân lực; xây dựng tiêu chí cho từng nội dung công việc. Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hiện có; bổ nhiệm, tuyển mới; đào tạo, luân chuyển hoặc cho thôi việc đối với cán bộ, viên chức.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao gắn với nhu cầu người dân; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, xã, xóm, tổ dân phố và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Có kế hoạch tổ chức và thực hiện có hiệu quả, chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng miền, thu hút Nhân dân tham gia hoạt động.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, TDTT ở cơ sở gắn với dịch vụ và thị trường. Huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức phi Chính phủ, các đoàn thể, Nhân dân và tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để xây dựng và tổ chức hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong tỉnh.
Bài, ảnh VD