Hoàn thiện hệ thống thiết chế ở cơ sở
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của thiết chế văn hóa – thể thao đối với sự phát triển của xã hội, đặc biệt đóng vai trò quan trọng, không chỉ là cầu nối trực tiếp giữa đảng bộ, chính quyền các cấp với quần chúng nhân dân mà còn là địa điểm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương.
Các thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, rèn luyện thể chất; tổ chức nhiều hội thi, hội diễn về văn hóa - văn nghệ và thi đấu TDTT phong trào, thu hút đông đảo mọi đối tượng, mọi lứa tuổi quần chúng Nhân dân tham gia. Qua đó, tạo được sự đoàn kết của cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức của Nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết, rút ngắn khoảng cách văn hóa giữa các vùng, khu vực trong tỉnh.
Theo thống kê, hiện nay, các thiết chế văn hóa – thể thao của huyện gồm: Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh, gồm: Hội trường đa năng sức chứa trên 800 chỗ ngồi, thư viện, các phòng chức năng, sân bóng đá, sân quần vợt, phòng tập đa năng, sân bóng chuyền, hồ bơi trẻ em; Trung tâm văn hóa, Thể thao Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng có các hạng mục: Hồ bơi, sân bóng đá, nhà văn hóa, hoa viên, sân bóng chuyền, sân quần vợt, sân bi sắt, Nhà truyền thông công ty Cao su; Nhà thiếu nhi huyện...
Tại các xã, thị trấn đã có 05/12 xã, thị trấn đã được đầu tư xây dựng đầy đủ các hạng mục công trình thuộc Trung tâm VHTT xã theo quy định của Bộ VHTTDL; 05/12 xã đã xây dựng một số thiết chế như: Nhà văn hóa, sân bóng đá, sân bóng chuyền, hàng rào, cổng). Còn lại Thị trấn Dầu Tiếng sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao của huyện và của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và xã An Lập đang sử dụng chung các thiết chế văn hóa với Nông trường Cao su An Lập. Trung tâm VHTT-HTCĐ xã An Lập đã quy hoạch chia thành khu văn hóa và khu thể thao, diện tích khoảng 3ha, dự kiến đầu tư xây dựng giai đoạn 2022 -2025. Ngoài các thiết chế văn hóa, thể thao trên do ngành VHTTDL quản lý, trên địa bàn huyện còn có Nhà thiếu nhi và 12 Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng xã, thị trấn các tổ chức đoàn thể quản lý.
Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa – thể thao
Cùng với những lợi ích mang lại không thể phủ nhận, việc sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao cũng gặp những khó khăn như: Cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể thao còn nhiều hạn chế, nhất là cơ sở vật chất văn hóa của một số xã, thôn được xây dựng trước đây đang xuống cấp; các trang thiết bị phục vụ hoạt động đã lạc hậu, không còn đồng bộ. Công tác quản lý, tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thiếu chặt chẽ; nội dung, phương thức hoạt động còn mang tính sự kiện, chưa thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia. hiệu quả hoạt động chưa cao; đồng thời, việc quản lý, khai thác, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết công năng của các thiết chế, đặc biệt là tại các Trung tâm Văn hóa, thể thao - Học tập cộng đồng xã, thị trấn.
Nguồn lực phân bổ để thực hiện nhiệm vụ văn hóa trong xây dựng nông thôn mới chưa tương xứng, đặc biệt là việc bố trí kinh phí để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa các thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở. Kinh phí hoạt động sự nghiệp văn hóa, thể thao chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động; chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đối với cấp cơ sở; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa tại cơ sở phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc, lại thường xuyên thay đổi cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động...
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn huyện trong thời gian tới, ngành sẽ triển khai Đề án“Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030”… với một loạt các nhiệm vụ được đặt ra đó là:
Đảm bảo diện tích đất quy hoạch, diện tích đất sử dụng cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng xã; Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, củng cố tổ chức bộ máy có chuyên ngành đào tạo phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu vị trí việc làm, nội dung hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và tạo điều kiện theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở đơn vị, địa phương; Đổi mới cơ chế quản lý, kêu gọi đầu tiu xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao;
Đổi mới các nội dung, chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu người dân Xây dựng các chương trình, tiết mục hoạt động phong phú phù hợp với đặc điểm dân cư của địa phương, các nhóm đối tượng và lứa tuổi như người cao tuổi, trẻ em; tổ chức các liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng, hội thi các môn thể thao truyền thống,... tạo điều kiện để người dân tham gia hoạt động, sáng tạo, bảo tồn và truyền dạy các loại hình văn nghệ, môn thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; chuyển đổi chức năng một số thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng nhưng không còn phù hợp với nhu cầu xã hội như: phòng truy cập Internet, phòng đọc sách sang thực hiện chức năng khác tùy theo điều kiện của từng địa phương.
Để thực hiện tốt các nội dung đổi mới trên thì công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao; xem đổi mới phương thức lãnh đạo là công tác thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, thể thao. Đưa mục tiêu phát triển văn hóa, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch công tác của chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện. Đồng thời cũng biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn huyện.
Các thiết chế văn hóa – thể thao từ huyện đến cơ sở thường xuyên tổ chức các sự kiện, các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của huyện. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức 70 hội thi văn nghệ, giải thể thao tại cơ sở (trung bình mỗi xã tổ chức từ 5-7 hoạt động văn hóa, thể thao) . Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức các lớp dạy học nấu ăn, chăm sóc cây kiểng, phổ biến pháp luật, kiến thức khoa học, khuyến nông,.... Còn các trung tâm VHTT-HTCĐ các xã, thị trấn đã tổ chức 06 lớp dạy nghề, 40 cuộc phổ biến kiến thức.
Tại các Trung tâm VHTT-HTCĐ xã, thị trấn đã thành lập và duy trì hoạt động được 66 CLB văn nghệ, thể thao; trung bình mỗi Trung tâm VHTT-HTCĐ xã, thị trấn duy trỳ từ 3-6 CLB đội nhóm văn nghệ, thể thao đến sinh hoạt thường xuyên định kỳ: CLB võ thuật Taekwondo, Vovinam, Dưỡng sinh, Thể dục nhịp điệu, Đờn ca tài tử, (phần lớn các CLB sinh hoạt tại Trung tâm VHTT-TT xã, Nhà Văn hóa ấp, vẫn còn một số CLB sinh hoạt tại nhà dân, do xa Trung tâm).
|
VD