You must configure this module first via "Module Settings"

Xã hội hóa - đòn bẩy cho sự phát triển TDTT của huyện Hải Hậu

Những năm gần đây, công tác xã hội hóa TDTT ở huyện Hải Hậu – Nam Định đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển. Song song với việc tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho các giải thi đấu thể thao ở địa phương, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của người dân.

Trong những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Hải Hậu luôn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác TDTT. Nhờ đó, các chỉ tiêu về TDTT hằng năm của huyện cơ bản hoàn thành so với kế hoạch; phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện phát triển rộng khắp theo hướng xã hội hóa gắn với các phong trào thi đua sâu rộng như: phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị…

Tuy nhiên, để công tác TDTT phát triển, ngoài ngân sách nhà nước, cần phải đẩy xã hội hóa TDTT. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho TDTT. Huyện ủy, UBND huyện luôn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT thông qua những cơ chế, chính sách phù hợp; đồng thời đẩy mạnh việc hình thành các CLB TDTT ở các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội.

Nhờ sự kết hợp đồng bộ giữa các nguồn lực đầu tư của nhà nước cũng như các nguồn đóng góp từ xã hội hóa, đã giúp cho Hải Hậu có hệ thống cơ sở vật chất về TDTT khá hoàn chỉnh và ngày càng khang trang, hiện đại.  Nhiều công trình có quy mô lớn như: Nhà văn hóa huyện được xây dựng từ năm 1984 có sức chứa trên 1.000 chỗ ngồi, là nơi diễn ra những sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng của huyện; Nhà thi đấu trung tâm có mái che, sức chứa hơn 1.500 khán giả; Sân vận động diện tích gần 23 nghìn m2; Bể bơi có tổng diện tích 1.400m2, kinh phí đầu tư 8 tỷ đồng, mỗi năm thu hút khoảng 10 nghìn lượt người đến bơi.

Xã hội hóa - đòn bẩy cho sự phát triển TDTT của huyện Hải Hậu

Mỗi thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện có 1 CLB TDTT

Cùng với những công trình TDTT sẵn có, trong mấy năm gần đây, huyện đã xây dựng thêm 2 nhà thi đấu đa năng, 1 sân vận động trung tâm, 2 bể bơi hiện đại để tổ chức các giải thể thao quy mô lớn. Một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã tài trợ kinh phí xây dựng 2 sân quần vợt hiện đại trị giá 1,5 tỷ đồng. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn “Tiếp tục đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa khu dân cư”, triển khai Đề án xây dựng thí điểm NTM kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp” phát triển bền vững giai đoạn 2019-2025, huy động đầu tư lắp đặt các thiết bị thể thao ngoài trời ở các địa điểm công cộng như: nhà văn hóa, các hu dân cư, vườn hoa, công viên…

Ngoài ra, các thiết chế văn  hóa - thể thao ở cơ sở cũng được đặc biệt chú trọng. Hiện cả 34 xã, thị trấn trong huyện có Trung tâm văn hóa - thể thao; 546 xóm, TDP có nhà văn hóa, trong đó có 6 nhà văn hóa liên xóm, TDP, có quy hoạch đất để xây dựng khu thể thao xóm, TDP, liên xóm, TDP; 9/34 xã, thị trấn có sân cầu lông trong nhà; 417/546 xóm, TDP có sân cầu lông, 386/546 xóm, TDP có sân bóng chuyền; 117/546 xóm, TDP có sân bóng đá mi ni, 216/546 xóm, TDP có bàn bóng bàn và 393 trang thiết bị luyện tập TDTT ngoài trời. Các nhà văn hoá cơ sở được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị, kinh phí chủ yếu do nhân dân đóng góp và các nhà tài trợ đã phát huy tối đa công năng sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT.

Sư đồng tình, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong công tác xã hội hóa TDTT ở Hải Hậu đã góp phần tạo ra diện mạo mới cho phong trào TDTT của địa phương ngày một phát triển, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện và thi đấu TDTT. Đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với quy mô mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Các môn thể thao được đông đảo nhân dân yêu thích và tập luyện thường xuyên như: Bóng bàn, Cầu lông, Bóng chuyền, Bóng đá…

Nhờ đó, các chỉ số về TDTT hàng năm đều tăng. Hoạt động TDTT đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của bộ phận đông đảo nhân dân ở mọi tầng lớp, lứa tuổi. Bên cạnh đó, nhân các dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị quan trọng, các địa phương trên địa bàn huyện cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm phát động mạnh mẽ phong trào tập luyện TDTT trong quần chúng nhân dân.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Hải Hậu tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT; gắn phát triển TDTT với các hoạt động văn hóa, du lịch. Trong đó, quan tâm, chú trọng xây dựng thiết chế VHTT ở cơ sở xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Quy hoạch hệ thống thiết chế VHTT cơ sở đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị; tổ chức bộ máy, cán bộ; tổ chức các hoạt động; thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, luyện tập TDTT và vui chơi giải trí.

Với sự đầu tư kinh phí của nhà nước và các tổ chức, cá nhân cho công tác TDTT, huyện Hải Hậu đặt mục tiêu số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đến năm 2025 đạt tỷ lệ trên 85% và năm 2030 đạt tỷ lệ trên 87% dân số toàn huyện. Số gia đình luyện tập TDTT đến năm 2025 đạt trên 37% và năm 2030 đạt trên 39% số hộ gia đình trong toàn huyện.

Đến năm 2030 đạt 100% số xã, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH, TT và DL. 100% số trường học bậc phổ thông có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đến năm 2025 đạt từ 75%-80% và đến năm 2030 đạt từ 85-90% tổng số trường.

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Hải Hậu đổi mới các hình thức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, các đoàn thể và nhân dân về cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Xây dựng mạng lưới hướng dẫn toàn dân tập luyện TDTT đúng cách để nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thể lực, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần. Tổ chức đào tạo, tập huấn xây dựng đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, giáo viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên TDTT cho các ngành, đoàn thể, các đơn vị, xã, thị trấn, trường học và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tập luyện và thi đấu TDTT. Phát triển các mô hình tổ, đội, nhóm, các CLB TDTT; đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn, nhân viên chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao theo quy định nhằm tạo điều kiện cho nhân dân luyện tập TDTT thuận lợi, hiệu quả. Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và tổ chức các loại hình hướng dẫn tập luyện TDTT đảm bảo tính khoa học, đúng kỹ thuật chuyên môn và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của nhân dân.

Bài, ảnh VD