Thực trạng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Để tập trung phát triển phong trào TDTT, tỉnh Kiên Giang đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế, cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động TDTT. Theo đó, tỉnh đã tiến hành xây dựng các công trình thể thao công cộng tại các trung tâm, các điểm tập luyện, vui chơi với các trang thiết bị đơn giản tại các huyện, thành phố, các Sở, ban ngành và tại các xã, phường, thị trấn đến các khu dân cư,... tạo mạng lưới hạ tầng TDTT đáp ứng với nhu cầu tập luyện nhân dân. Hiện trên toàn tỉnh có 11 sân bóng đá 11 người, sân điền kinh, hồ bơi (25x50m), 02 nhà thi đấu đa năng (01 nhà thi đấu tỉnh với sức chứa 3.000 chỗ ngồi); ở cấp huyện, thành phố có 02 sân vận động có khán đài, 04 sân vận động không có khán đài (ở 06 huyện); 29 nhà tập luyện và thi đấu TDTT đa năng và đơn môn được sử dụng thường xuyên; 235 sân bóng đá mini; 06 sân Quần vợt; 72 bể bơi các loại; 230 sân Cầu lông; 281 sân Bóng chuyền và 58 các loại sân tập khác.
Nhờ đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nên phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện và thi đấu, mỗi năm có hàng trăm cuộc thi đấu từ cấp xã đến cấp huyện và tỉnh. Riêng cấp tỉnh, hàng năm duy trì tổ chức từ 15 đến 20 giải thể thao; đăng cai tổ chức từ 05 đến 08 giải thể thao khu vực và toàn quốc. Hệ thống thi đấu các giải thể thao quần chúng có bước đổi mới, nâng lên về quy mô, hình thức, chất lượng chuyên môn, nhất là việc tổ chức các cuộc hội thao như: Hội thao các lực lượng vũ trang, Hội khỏe Phù Đổng tỉnh, Hội thao CNVC-LĐ, Hội thi Văn nghệ - Thể thao người cao tuổi, Hội thao các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp; các giải thể thao trong chương trình Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang hàng năm… Qua đó góp phần nâng tỷ lệ số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trong tỉnh từ 5% (năm 1997) đến nay đạt 29,5% dân số của tỉnh. Trên 91% số trường phổ thông trong tỉnh có CLB TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT; có đủ giáo viên, hướng dẫn viên TDTT; hoạt động TDTT ngoại khóa đạt 100% tổng số trường; 100% học sinh phổ thông các cấp được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.
Đối với hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang, hiện có 99% đơn vị Quân đội nhân dân tổ chức các hoạt động TDTT thường xuyên; 100% đơn vị thực hiện đủ chương trình và đạt tiêu chuẩn tổ chức rèn luyện thân thể theo quy định; 96,3% cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định; 100% cán bộ, chiến sĩ biết bơi; 100% đơn vị (cấp trung đoàn) có khu tập luyện thể thao cơ bản. Đối với lực lượng Công an nhân dân, có 90% cán bộ, chiến sĩ tập luyện TDTT thường xuyên; 100% Công an huyện, thành phố có cơ sở vật chất, sân bãi cơ bản và thường xuyên hoạt động TDTT.
Thể thao thành tích cao của Kiên Giang có nhiều tiến bộ, trung bình mỗi năm tham dự từ 25 đến 30 giải khu vực, toàn quốc và quốc tế. Kiên Giang đã đóng góp nhiều VĐV vào đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games và các giải thế giới, đạt nhiều huy chương.
Mục tiêu hướng đến năm 2025
Phấn đấu đến năm 2025, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của tỉnh được đầu tư phát triển đồng bộ và có ít nhất 70% hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt các tiêu chí quy định của Bộ VHTTDL. Có 70% ấp, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao và được đầu tư trang thiết bị; đồng thời dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em. Có 80% đơn vị hành chính cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng và được đầu tư trang thiết bị; đồng thời dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em.
Đối với cấp huyện, 100% đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh được đầu tư hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn do Bộ VHTTDL ban hành. Có 100% đơn vị hành chính cấp huyện có nhà thiếu nhi; 70% có quảng trường hoặc công viên văn hóa, vui chơi giải trí phục vụ cộng đồng. Đầu tư, cải tạo, nâng cấp Quảng trường Trần Quang Khải - trung tâm sinh hoạt cộng đồng thành phố Rạch Giá theo hướng bổ sung công năng để tăng hiệu quả sử dụng. Đầu tư xây dựng mới Quảng trường trung tâm và tượng đài Bác Hồ ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc.
Đối với cấp tỉnh, cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới các khu chức năng của Công viên Văn hóa An Hòa ở thành phố Rạch Giá theo quy hoạch được phê duyệt. Sửa chữa, nâng cấp Trung tâm Văn hóa tỉnh đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL. Đầu tư và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Nhà Thiếu nhi tỉnh và Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu niên tỉnh theo chuẩn quy định. Đầu tư xây dựng mới Nhà Văn hóa Lao động tỉnh.
Đối với khu công nghiệp, 100% khu công nghiệp có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động. Trong đó, tối thiểu 50% khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có trung tâm văn hóa - thể thao phục vụ công nhân, người lao động; 70% thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, được hướng dẫn đầu tư phù hợp với quy hoạch, đảm bảo đạt tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động theo quy định.
Đến năm 2030, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư phát triển đồng bộ và 100% các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt các tiêu chí quy định của Bộ VHTTDL. Thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng thuộc ngành văn hóa và thể thao trực tiếp quản lý đạt tỷ lệ 100% ở các cấp hành chính. Thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đạt tỷ lệ 100% số đơn vị hành chính cấp huyện có nhà thiếu nhi đạt tiêu chuẩn. 100% đơn vị hành chính cấp huyện có quảng trường hoặc công viên văn hóa, vui chơi giải trí phục vụ cộng đồng.
Về thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân viên chức, người lao động: Nhà Văn hóa lao động tỉnh đạt chuẩn quy định; 100% khu công nghiệp có trung tâm văn hóa - thể thao. 100% thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, được hướng dẫn đầu tư phù hợp với quy hoạch, đảm bảo đạt tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động theo quy định.
Nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện
Để đạt được các mục tiêu cụ thể trên, kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch sử dụng đất và tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị. Theo đó, UBND các huyện, thành phố rà soát quỹ đất đảm bảo yêu cầu cho đầu tư và nhu cầu hoạt động văn hóa, tập luyện TDTT theo tiêu chuẩn do Bộ VHTTDL ban hành. Cùng với đó tập trung đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao do ngành VHTT trực tiếp quản lý; đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng và thanh thiếu niên, nhi đồng; đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, viên chức, Người lao động.
Từng bước hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành các thiết chế văn hóa, thể thao bằng việc đề xuất, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế đặc thù về tổ chức bộ máy và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng, tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, trong đó mở rộng và nâng cao chất lượng TDTT quần chúng, hình thành nề nếp rèn luyện thân thể thường xuyên cho người dân; chú trọng nâng cao chất lượng GDTC và thể thao trường học cho thanh thiếu niên, học sinh; phát triển mạnh phong trào TDTT trong đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động,… Đa dạng hóa các hoạt động TDTT quần chúng, các loại hình TDTT giải trí đáp ứng nhu cầu rèn luyện thân thể và giải trí của mọi người.
Khai thác từ nguồn lực xã hội hóa để góp phần phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao. Theo đó, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh cần triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách xã hội hóa và TDTT, nhất là chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, cải cách TTHC,… để khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và quản lý, tổ chức hoạt động hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh. Tích cực vận động tài trợ từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Huy động tổng hợp các nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2022-2030.
KC