You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Tân Châu – Tây Ninh nỗ lực triển khai kế hoạch phát triển TDTT giai đoạn 2021-2025

Nhằm thúc đẩy phong trào TDTT của huyện ngày càng phát triển theo hướng toàn diện về quy mô và chất lượng; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện để mỗi người dân được thụ hưởng các giá trị văn hóa, tinh thần trong đó có nhu cầu về tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã không ngừng nỗ lực triển khai kế hoạch phát triển TDTT giai đoạn 2021-2025.

Phong trào TDTT của huyện Tân Châu ngày càng phát triển (Ảnh: CTTĐT Tân Châu)

Sau hơn 1 năm triển khai kế hoạch phát triển TDTT huyện Tân Châu giai đoạn 2021-2025, phong trào TDTT của huyện đã có những bước phát triển mạnh; chất lượng các hoạt động TDTT của địa phương ngày một nâng cao, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung. Các hoạt động TDTT đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện hàng ngày. Bên cạnh đó, các thiết chế về văn hóa, thể thao của huyện đã được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ, qua đó cơ bản đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí và tập luyện TDTT của nhân dân trên địa bàn huyện, góp phần ổn định an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Các mục tiêu hướng tới đến năm 2025

Phấn đấu đến năm 2025 số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 37%, gia đình thể thao đạt 30%; Tổng số giải thể thao được tổ chức là 107 giải, trong đó có 10 giải cấp tỉnh, 13 giải cấp huyện, 84 giải cấp xã. Số tổ chức xã hội nghề nghiệp về TDTT là 01 tổ chức. Diện tích đất dành cho các hoạt động TDTT là 3m2/01 người dân. Phấn đấu đến năm 2025 mỗi xã, thị trấn có ít nhất một địa điểm có trang bị dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời và có sân bóng đá 11 người đủ tiêu chuẩn.

Song song với phát triển phong trào TDTT quần chúng, huyện Tân Châu đặc biệt quan tâm chú trọng công tác GDTC và hoạt động TDTT học đường. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu 100% trường học trên địa bàn thực hiện tốt chương trình nội khóa theo quy định của Bộ GD&ĐT. 90% các trường học thực hiện chương trình ngoại khóa dưới các hình thức như CLB, tổ chức các hoạt động thi đấu TDTT, các trò chơi vận động phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của học sinh. 100% trường Tiểu học, Trung học cơ sở được triển khai tập luyện môn võ Cổ truyền và Vovinam cho học sinh. 100% Trường cấp Trung học cơ sở trở lên có ít nhất 02 CLB TDTT. 100% trường Tiểu học triển khai chương trình dạy bơi cho học sinh, phấn đấu đến năm 2025 số học sinh lớp 5 biết bơi đạt 90% trên tổng số học sinh trên toàn huyện.

Về TDTT trong lực lượng vũ trang tỷ lệ chiến sỹ khỏe, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng của các hoạt động TDTT của các đơn vị đảm bảo chỉ tiêu theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Bên cạnh đó, không ngừng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi TDTT làm điều kiện cơ bản đảm bảo cho TDTT quần chúng phát triển bền vững. Đến năm 2025, phấn đấu các trường học, xã, thị trấn có đủ cơ sở vật chất TDTT phục vụ việc sinh hoạt và tập luyện của học sinh, sinh viên và nhân dân. Các đơn vị bộ đội, lực lượng Công an có sân chơi thể thao đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ.

Để huy động sự chung tay của toàn xã hội cho các hoạt động TDTT, huyện đã kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng văn hoá, TDTT, phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ văn hoá, TDTT đáp ứng nhu cầu uyện tập, sinh hoạt, thi đấu của quần chúng nhân dân. Đồng thời, triển hai các chính sách khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, công trình văn hoá, TDTT phục vụ các tầng lớp nhân dân, nhất là các vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa. Theo đó, nhiều Công trình sinh hoạt văn hóa TDTT được các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ như công trình sinh hoạt văn hóa TDTT cho đồng bào dân tộc Chăm xã Suối Dây được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và bộ CHQS tỉnh hỗ trợ kinh phí hơn 200 triệu đồng, mua sắm 13 bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời…

Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, huyện đặt ra các giải pháp cụ thể, trong đó tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân”, “Toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, vận động mọi đối tượng quần chúng nhân dân tham gia tập luyện và thi đấu thể thao nhằm nâng cao sức khỏe để học tập, lao động và bảo vệ tổ quốc. Phát triển đa dạng các loại hình tập luyện và hoạt động TDTT mang tính phổ biến đối với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi.

Đẩy mạnh hơn nữa phong trào tập luyện TDTT vùng nông thôn. Tổ chức các giải thi đấu thể thao phù hợp để thu hút ngày càng đông đảo người dân tham gia. Thành lập CLB TDTT ở các khu dân cư dựa trên cơ sở các môn thể thao truyền thống và phong trào TDTT của địa phương; chú trọng phát triển các môn thể thao dễ tập luyện nhưng hiệu quả, thu hút được nhiều người tham gia, ít phải đầu tư cơ sở vật chất.

Phát triển thể thao giải trí và kinh doanh, dịch vụ TDTT. Khai thác các loại hình thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian. Củng cố và tăng cường hệ thống thiết chế về quản lý các mô hình TDTT quần chúng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực TDTT; xây dựng mạng lưới hướng dẫn viên, cộng tác viên, VĐV làm nòng cốt cho phong trào; thành lập CLB TDTT phù hợp với lứa tuổi, hoàn cảnh và nhu cầu tập luyện của các đối tượng cư trú trên địa bàn xã, thị trấn gắn với trường học, các điểm vui chơi và các thiết chế TDTT tại cơ sở.

Nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, tiếp tục rà soát, đánh giá và kiện toàn mô hình tổ chức ngành TDTT từ huyện đến cơ sở; bố trí cán bộ chuyên trách có chuyên môn về TDTT cho các xã, thị trấn. Xây dựng mô hình liên kết vùng trong hoạt động TDTT nhằm tạo điều kiện các địa phương hỗ trợ nhau cùng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi trong cụm công nghiệp, phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu TDTT của công nhân. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi tập luyện TDTT để khôi phục, duy trì sức khỏe, nâng cao tuổi thọ; phát triển ngày càng nhiều CLB, nhóm tập luyện thể TDTT của người cao tuổi, các CLB sức khỏe ngoài trời. Phát huy vai trò của Hội Người cao tuổi và Hội Thể dục Dưỡng sinh từ huyện đến cơ sở. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho người khuyết tật được tham gia các hoạt động thể dục và thi đấu thể thao.

Đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động TDTT trong thanh thiếu niên, thu hút thanh thiếu niên tham gia phong trào “Khỏe để lập nghiệp và giữ nước”, làm nòng cốt cho cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Gắn việc xây dựng phong trào tập luyện TDTT với phòng chống và bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng lối sống lành mạnh trong thanh thiếu niên, tạo nguồn lực để phát triển thể thao thành tích cao của huyện.

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp TDTT với hoạt động vui chơi giải trí, chú trọng nhu cầu tập luyện TDTT tự chọn của học sinh; nâng cao về chất lượng TDTT trong trường học, góp phần phát triển toàn diện cho học sinh.

Tăng cường đội ngũ giáo viên thể dục, đảm bảo bố trí và duy trì đủ giáo viên chuyên trách TDTT trong trường học, từng bước nâng cao chất lượng, chuẩn hóa lực lượng giáo viên đạt yêu cầu của công tác giảng dạy. Các trường học xây mới phải đảm bảo có khu GDTC cho học sinh. Tiếp tục duy trì, phát triển môn võ cổ truyền trong nội dung chính khóa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nghiên cứu từng bước đưa môn võ Vovinam vào giảng dạy làm môn tự chọn trong chính khóa và ngoại khóa cho học sinh.

Hoàn thiện hệ thống thi đấu thể thao hàng năm cho các đối tượng học sinh. Duy trì và nâng cao chất lượng Hội khỏe Phù Đổng từ cấp trường cho đến cấp huyện, phấn đấu đạt thứ hạng cao tại các kỳ Hội khỏe Phù Đổng và các giải thể thao dành cho học sinh ở tỉnh và khu vực.

Đầu tư trang bị về cơ sở vật chất, dụng cụ phục vụ giảng dạy và tập luyện TDTT trong nhà trường. Rà soát, cải tạo, sửa chữa, phát huy tối đa các cơ sở vật chất hiện có trong trường học; những trường học không có quỹ đất để xây dựng sân bãi, nhà tập, địa phương bố trí sử dụng kết hợp các công trình thể thao đã được xây dựng trên địa bàn; nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, các địa phương cần quy hoạch, xây dựng công trình TDTT trên địa bàn kết hợp phục vụ nhân dân và tập luyện TDTT cho học sinh trong trường học.

VD