You must configure this module first via "Module Settings"

Hưng Yên đầu tư mạnh mẽ cho các thiết chế văn hóa – Thể thao ở cơ ở

Trong những năm qua, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao từ cấp thôn trở lên. Nhờ đó, đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở từng bước được xây dựng hoàn thiện và phát huy hiệu quả hoạt động. Các thiết chế văn hóa- thể thao không chỉ nhằm phục vụ các sự kiện chính trị văn hóa mà còn là địa chỉ, là điểm đến hàng ngày để tập luyện TDTT của mỗi người dân.

Những kết quả đã đạt được

Với sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền tỉnh Hưng Yên, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở tương đối đồng bộ và từng bước được hoàn thiện. Hiện nay, ở cấp tỉnh, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện có: Bảo tàng tỉnh, Nhà hát chèo, Thư viện, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh, Sân vận động, Nhà luyện tập TDTT, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao.

Cùng với đó, các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, thị xã cũng được đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp thôn trở lên đã giúp cho các địa phương có thêm điều kiện để xây dựng các nhà văn hóa, các khu vui chơi, khu tập luyện TDTT phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân.

Theo thống kê của Sở VHTTDL Hưng Yên, toàn tỉnh có 8 huyện, thị xã có trung tâm văn hóa; 120 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa độc lập; 85% trung tâm văn hóa cấp xã, 75,2% số nhà văn hóa thôn, tổ dân phố bảo đảm tiêu chí về diện tích, quy mô, trang thiết bị theo quy định của Bộ VHTTDL; 10/10 huyện, thị xã, thành phố có quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT; 100% xã, phường, thị trấn có nhà, sân hoặc phòng tập luyện thể thao; 100% huyện, thị xã, thành phố có thư viện; 100% xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật. Các thiết chế văn hoá, thể thao được đưa vào khai thác, đều phát huy tốt công năng sử dụng, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và rèn luyện TDTT.

Cùng với nguồn kinh phí nhà nước, nhiều địa phương cũng quan tâm chú trọng dành quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các công trình văn hóa – thể thao ở cơ sở. Điển hình như xã Vĩnh Phúc – huyện Văn Giang (đầu tư 40 tỷ đồngxây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ người dân sinh hoạt cộng đồng, tham gia tập luyện TDTT nhằm nâng cao sức khỏe), xã Quảng Lãng – huyện Ân Thi (bố trí quỹ đất xây dựng nhà văn hóa các thôn, đầu tư 12 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa), xã Tân Việt – huyện Yên Mỹ…

Ông Nguyễn Văn Công, thôn Trúc Đình (xã Trúc Đình, Ân Thi) cho biết: Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, sửa sang lại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Hiện nay chúng tôi đã có chỗ sinh hoạt văn hóa cộng đồng mới rộng hơn, lại vừa có cả sân bóng chuyền, cầu lông… cho người cao tuổi, thanh niên, thiếu nhi vui chơi, giải trí. Tham gia vào những hoạt động này đã giúp cho người dân chúng tôi thêm gần gũi, đoàn kết hơn.

Chị Dương Thị Hiền, thôn Ba Đông – xã Phan Sào Nam (huyện Phù Cừ) cho biết: Ở xã Phan Sào Nam, phong trào chơi bóng chuyền hơi phát triển mạnh, nhất là từ ngày hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư nâng cấp đã trở thành điểm gặp gỡ, giao lưu của người dân sau những giờ vất vả với việc đồng áng.

Có thể khẳng định, từ khi các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, đã giúp cho các CLB  văn nghệ, thể thao ra đời, qua đó phát huy tác dụng của các thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân. Trong 5 năm qua, số lượng các CLB văn nghệ, thể thao trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể, hiện nay, đã có hơn 800 CLB, đội văn hóa – văn nghệ quần chúng và 2.015 CLB, điểm nhóm TDTT duy trì hoạt động thường xuyên.

Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vẫn còn có tồn tại như: Một số thiết chế hiện đã xuống cấp, không bảo đảm theo quy định; còn nhiều thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay thiếu trang thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động; kinh phí đầu tư cho các hoạt động chuyên môn cũng như sửa chữa, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn hẹp. Việc xây dựng một số thiết chế văn hóa, thể thao về quy mô, kiến trúc, vị trí còn chưa phù hợp trong việc khai thác, sử dụng trong giai đoạn hiện nay.

Hướng tới các mục tiêu

Giai đoạn 2021 – 2025: Từng bước đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh cơ bản đạt chuẩn theo quy định. Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa đạt chuẩn theo quy định, tối thiểu 01 trong 03 công trình thể thao cơ bản (nhà thi đấu thể thao đa năng, sân vận động hoặc bể bơi); Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp xã có Trung tâm Văn hóa, tối thiểu 01 công trình thể thao cơ bản; 70% đơn vị hành chính cấp xã có tủ sách trong Nhà văn hóa. 100% thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa, khu hoạt động thể thao; 90% thôn, tổ dân phố có tủ sách trong Nhà văn hóa. Hoàn thành dự án xây dựng thiết chế công đoàn; 100% khu nhà ở xã hội cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp có thiết chế văn hóa, thể thao. 100% cán bộ, công chức, viên chức vận hành thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ từ đại học trở lên; 100% cán bộ kiêm nhiệm phụ trách thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã và ở thôn, tổ dân phố được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Đến năm 2030: Tỉnh có đầy đủ các thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn theo quy định. Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp huyện có 03 công trình thể thao cơ bản; từ 20% trở lên đơn vị hành chính cấp huyện có Nhà thiếu nhi. 100% đơn vị hành chính cấp xã có Trung tâm Văn hóa, tối thiểu 02 công trình thể thao cơ bản; 80% đơn vị hành chính cấp xã có tủ sách trong Nhà văn hóa. 100% thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa đạt chuẩn, tủ sách trong Nhà văn hóa; khu hoạt động thể thao cơ bản đạt chuẩn.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, yêu cầu đặt ra là đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phải đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả; ưu tiên xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí của các tầng lớp Nhân dân.

Theo Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên Đoàn Văn Hòa: trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa; gắn việc xây dựng thiết chế văn hóa với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các cấp, các ngành cần đưa nội dung xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng cho các địa phương chưa có nhà văn hóa độc lập.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hội thi, hội diễn, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; phát triển và nâng cao chất lượng các loại hình CLB văn hóa, TDTT ở cơ sở phù hợp với nhu cầu của nhân dân. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực tại các thiết chế văn hóa, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở nhằm đáp ứng với nhiệm vụ tham mưu quản lý và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.

Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các đoàn thể nhân dân để xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, đặc biệt là nhà văn hóa - khu thể thao thôn, khu phố. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở gắn với mở rộng dịch vụ và thị trường, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các dịch vụ văn hóa theo quy định của pháp luật.

VD