You must configure this module first via "Module Settings"

Đề án phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Bình Định giai đoạn 2022-2026

Nhằm định hướng phát triển thể thao thành tích cao một cách toàn diện, đáp ứng các yêu cầu trong giai đoạn mới, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Đề án “Phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Bình Định giai đoạn 2022- 2026 và định hướng đến năm 2030”.

Thực trạng công tác TDTT của tỉnh

Năm 2021 toàn tỉnh có khoảng 34,20% số người dân tập luyện TDTT thường xuyên, 21,50% số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên, có 625 CLB TDTT. Công tác GDTC được chú trọng, nâng chất cao lượng; Thể thao thành tích cao được tỉnh quan tâm, chú trọng, đặc biệt là công tác tuyển chọn HLV, VĐV thể thao cho các đội tuyển của tỉnh.

Sau Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014 đến nay, hệ thống tuyển chọn, đào tạo lực lượng VĐV luôn được quan tâm ở tất cả các tuyến, chất lượng VĐV ngày càng cao,. Theo đó, số lượng VĐV 03 tuyến hiện nay là 377 VĐV (trong đó, năng khiếu 180 VĐV; tuyển trẻ 85 VĐV và tuyển tỉnh 112 VĐV). Hàng năm, Bình Định cung cấp nhiều lượt VĐV cho các đội tuyển quốc gia ở các môn như: Điền kinh, Bóng ném nữ, Taekwondo, Kickboxing, Võ cổ truyền, Cờ vua, Cờ tướng...

Đội Bóng đá Bình Định (áo đỏ) trước đội Đồng Tháp tại giải hạng Nhất quốc gia (Ảnh; DThu)

Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ HLV được quan tâm, số lượng HLV hiện có là 34 người (Năng khiếu 13 HLV, tuyển trẻ với 05 HLV và tuyển tỉnh với 16 HLV). Hầu hết các HLV của tỉnh đều xuất thân là VĐV, được đào tạo trình độ đại học hoặc các lớp chuyên ngành của các Liên đoàn thể thao quốc gia và quốc tế nên có nhiều kinh nghiệm trong công tác huấn luyện. Hàng năm, các HLV được tham gia các khóa đào tạo tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn do Tổng cục TDTT, các Liên đoàn, Hiệp hội tổ chức.

Giai đoạn 2016 - 2020, các đội tuyển thể thao của tỉnh đã tham gia thi đấu đạt được 1.052 huy chương tại các giải quốc gia, 112 huy chương tại các giải quốc tế, có 527 lượt VĐV được phong đẳng cấp quốc gia (trong đó có 224 VĐV kiện tướng, 06 VĐV dự bị kiện tướng, 297 VĐV cấp I). Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - 2014, Bình Định tham gia 10 môn, đạt 04 HCV, 06 HCB, 11 HCĐ xếp thứ 27/65 đoàn. 4 năm sau tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII, đoàn VĐV Bình Định tham gia 10 môn đạt 07 HCV, 07 HCB, 05 HCĐ xếp thứ 23/65 đoàn. Thứ bậc trong bảng tổng xếp hạng toàn đoàn theo từng kỳ Đại hội được tăng lên, là minh chứng khẳng định cho sự đầu tư đúng đắn của ngành VHTTDL Bình Định cho công tác phát triển thể thao thành tích cao. Đây cũng chính là kết quả góp phần đưa thể thao của tỉnh nằm trong nhóm có thành tích nổi trội trong khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.

Để đáp ứng cho công tác đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao, hệ thống cơ sở vật chất từng bước được nâng cấp, sửa chữa. Hiện toàn tỉnh có 12 sân vận động (02 sân có khán đài), 60 sân bóng đá mini, 16 nhà tập luyện thi đấu TDTT, 570 sân bóng chuyền, 19 sân quần vợt, 280 sân cầu lông, 35 bể bơi các loại phục vụ cho giải, hội thao các ngành. Đây cũng chính là điều kiện để giúp cho việc tổ chức các giải thi đấu thể thao của tỉnh diễn ra thành công. Qua đó, giúp các nhà chuyên môn tuyển chọn được những VĐV có tiềm năng, bổ sung vào các đội tuyển của tỉnh.

Còn nhiều khó khăn, hạn chế

Mặc dù công tác phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh bước đầu đã có những chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả đáng biểu dương, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, cơ chế, chính sách phát triển thể thao thành tích cao chưa đồng bộ từ tuyển chọn, đào tạo, tập luyện, tập huấn đến khen thưởng, đãi ngộ đối với HLV, VĐV đạt thành tích xuất sắc tại các giải quốc gia, quốc tế. Một số Liên đoàn, Hội thể thao của tỉnh hoạt động chưa hiệu quả, còn mang tính phong trào.

Số lượng HLV ở các tuyến còn ít, chất lượng chưa đồng đều, lực lượng chuyên gia giỏi tham gia huấn luyện còn hạn chế, thiếu HLV chuyên về thể lực và bác sỹ thể thao cho các đội tuyển. Trong khi đó, VĐV các tuyến còn mỏng, nhất là lực lượng trẻ kế cận, chưa có sự điều chỉnh kịp thời lực lượng giữa các bộ môn để phù hợp với thực tiễn, khả năng đạt thành tích của các môn mũi nhọn, trọng điểm.

Hệ thống tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao chưa phù hợp và chưa bảo đảm tính liên tục, liên thông giữa các tuyến. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đào tạo, tập luyện thể thao chưa được đầu tư đồng bộ, còn thiếu và xuống cấp, không đạt chuẩn theo quy định.

Các mục tiêu hướng tới

Mục tiêu giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026: đạt số lượng VĐV chuyên nghiệp: 410 VĐV; Số lượng HLV chuyên nghiệp: 49 HLV. Tham gia các giải quốc gia hàng năm phấn đấu đạt từ 300 - 320 huy chương các loại (trong đó tại các giải vô địch, cúp, trẻ quốc gia phấn đấu đạt từ 120-140 huy chương). Số VĐV đẳng cấp kiện tướng đạt 35 - 40 VĐV/năm, VĐV cấp 1 đạt 40 - 45 VĐV/năm và VĐV cấp 2 đạt: 40- 45 VĐV/năm. Tỷ lệ tăng số huy chương và VĐV được phong cấp hàng năm từ 2 - 4%/năm (trừ những năm tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc).

Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, phấn đấu đạt từ 07 - 08 HCV,  xếp thứ hạng từ 23- 22/65 tỉnh, thành, ngành. Đại hội lần thứ X - năm 2026, phấn đấu đạt từ 09 - 10 HCV, xếp thứ hạng từ 22-21/65 tỉnh, thành, ngành. Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2023 có 03 - 04 VĐV, 02 HLV tập trung đội tuyển quốc gia, đạt 02 - 03 huy chương; SEA Games năm 2025 có 04 - 05 VĐV, 02 HLV tập trung đội tuyển quốc gia đạt từ 03 - 04 huy chương. Đại hội thể thao châu Á năm 2026: có ít nhất 01 VĐV được tập trung đội tuyển Quốc gia.

Giai đoạn từ năm 2027 đến năm 2030: Số lượng VĐV chuyên nghiệp: 445 VĐV; Số lượng HLV chuyên nghiệp: 54 HLV. Tham gia các giải quốc gia hàng năm phấn đấu đạt từ 350 - 370 huy chương các loại (trong đó tại giải vô địch, cúp, trẻ quốc gia đạt từ 140 - 160 huy chương). Số VĐV đẳng cấp kiện tướng hàng năm đạt 40 - 45 VĐV/năm, số VĐV cấp 1 đạt 45 - 50 VĐV/năm và số VĐV cấp 2 đạt: 45 - 50 VĐV/năm. Tỷ lệ tăng số huy chương và số VĐV được phong cấp hàng năm từ là 2 -4%/năm (trừ những năm tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc).

Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ XI năm 2030: phấn đấu đạt từ 11 - 12 HCV, xếp thứ hạng 21 -20/65 tỉnh, thành, ngành. SEA Games năm 2027: có 05 - 06 VĐV, 02 - 03 HLV tham dự đạt 04 - 05 huy chương. SEA Games năm 2029: phấn đấu có 06 - 07 VĐV và 03 - 04 HLV tham dự, đạt 05 - 06 huy chương các loại. Asiad năm 2030: phấn đấu có ít nhất 02 - 03 VĐV tham gia đội tuyển Quốc gia, đạt 01 huy chương.

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

Quán triệt, nâng cao nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thể thao thành tích cao; Tiếp tục đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện thi đấu hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn chuyên chuyên môn. Phát huy vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao, đẩy mạnh công tác xã hội hóa đối với thể thao thành tích cao.

Đặc biệt, phân loại các môn Thể thao theo nhóm để ưu tiên đầu tư và phát triển. Cụ thể, Bình Định sẽ tập trung phát triển các môn thể thao theo 4 nhóm: Nhóm I (các môn mũi nhọn): Gồm 05 môn là: Võ cổ truyền, Kickboxing, Điền kinh, Cờ vua, Cờ tướng. Đây cũng chính là những môn có thành tích ổn định ở các giải vô địch quốc gia và có khả năng giành HCV tại các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc.

Nhóm II (các môn trọng điểm): Gồm 05 môn Taekwondo, Boxing, Wushu, Bida, Bóng ném nữ. Đây là các môn có huy chương tại các giải giải trẻ, cúp, giải vô địch quốc gia và có khả năng đạt huy chương tại Đại hội Thể thao toàn quốc.

Nhóm III (các môn tiềm năng): Gồm 07 môn thể thao có khả năng đạt thành tích tại các giải quốc gia và từng bước nâng cao thành tích khi có điều kiện thuận lợi: Bơi lội, Cầu lông, Bóng bàn, Karatedo, Vovinam, Bóng chuyền bãi biển, Bóng đá trẻ. Nhóm IV (các môn xã hội hóa, môn thể thao chuyên nghiệp): Bóng đá, Golf, Tennis, Bóng rổ….

VD