You must configure this module first via "Module Settings"

Huyện Trà Bồng từng bước nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao

Trong những năm qua, công tác xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn huyện Trà Bồng - Quảng Ngãi đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư và hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Thực hiện các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, của UBND tỉnh về chỉ đạo, hướng dẫn công tác phát triển văn hóa, thể thao nói chung, xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện đã kịp thời xây dựng, ban hành nhiều đề án, quyết định, kế hoạch liên quan đến công tác quy hoạch phát triển ngành văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện và ban hành hướng dẫn việc xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao.

Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện việc xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Một số địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn tổ dân phố (thị trấn Trà Xuân, xã Trà Bình, Trà Phú, Trà Giang, Trà Sơn, Trà Tân, Trà Thủy, Trà Hiệp..).

Hằng năm, UBND huyện luôn quan tâm triển khai công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các chính sách pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao; đồng thời nhân rộng, triển khai những cách làm hay, những điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Nhiều thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng từ công tác xã hội hóa. Trong đó, phải kể đến các sân bóng đá mini nhân tạo tại các xã, phường, thị trấn đã được người dân tự đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng. Trên địa bàn huyện hiện có 73/79 thôn, tổ dân phố có Nhà sinh hoạt cộng đồng...

Có thể nói, các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện đã từng bước phát huy được công năng sử dụng, là nơi tổ chức sinh hoạt, hội họp, các hoạt động chính trị, văn hóa, văn nghệ, TDTT trên địa bàn huyện. Phục vụ khá tốt các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, các ngày Lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của địa phương; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT của nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã tổ chức được nhiều hoạt động liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi, hội diễn, hội thao... Các hoạt động văn hóa, thể thao luôn có sự đổi mới linh hoạt về nội dung, hình thức.

Nhìn chung, các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, là địa chỉ thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, giải trí, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, rèn luyện thể chất và là phương tiện tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác quản lý nhà nước đối với các thiết chế văn hóa, thể thao được thực hiện khá tốt. Đảng ủy, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ để các thiết chế văn hóa, thể thao hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh việc quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, ngành VHTT huyện Trà Bồng đã tập trung chỉ đạo các địa phương phối hợp với các ngành liên quan, tổ chức các hoạt động văn hóa, TDTT. Qua đó, tuyển chọn bồi dưỡng những VĐV có thành tích xuất sắc để tham gia thi đấu, biểu diễn tại các lễ hội, hội thi đạt thành tích cao. Tổ chức ngày hội chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân từ đó khơi dậy tinh thần rèn luyện TDTT nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, đến nay hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của huyện Trà Bồng còn nhiều khó khăn. Bởi, hiện toàn huyện có 13/16 xã, thị trấn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo là 31,75%. Địa hình vùng rừng núi, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Chính vì vậy hiện nay, một số công trình thiết chế văn hóa đã xuống cấp và hư hỏng, trang thiết bị tập luyện TDTT thiếu thốn, lạc hậu...

Nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế nên việc triển khai các hoạt động chưa thật sự đáp ứng với yêu cầu đặt ra. Tại cấp xã, thị trấn, cấp thôn đã thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị thiết chế văn hóa - thể thao đạt tiêu chí quy định của Bộ VHTTDL gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đối với điều kiện vùng miền núi.  

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp cơ sở vẫn còn thiếu. Các thiết chế vui chơi, giải trí cho các cháu thiếu nhi và người già; các thiết chế văn hóa, thể thao dành cho người lao động tại các thôn  tuy có quan tâm, nhưng chưa được thường xuyên đầu tư. Cán bộ lãnh đạo, phụ trách lĩnh vực văn hóa, thể thao tại xã, thị trấn thường xuyên thay đổi, biên chế biến động nên ảnh hưởng nhất định trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, thể thao ở cơ sở.

Mô hình tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến xã, thị trấn vẫn chưa đồng bộ; còn hạn chế; nội dung và chất lượng hoạt động chưa cao, chưa tổ chức các lớp dạy chuyên môn, hướng dẫn bài bản trong các nội dung về hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao. 

Chính vì vậy, trong thời gian tới, huyện Trà Bông đã đề ra nhiều giải pháp để phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Trong đó, huyện xây dựng cơ chế, chính sách quan tâm đầu tư, xây dựng, tu sửa các thiết chế văn hoá, thể thao có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo tính đồng bộ, hợp lý, và phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, điều kiện, môi trường của từng vùng, miền, địa phương và thực hiện theo quy định của Nhà nước.

Cùng với đó xây dựng những chính sách thích hợp về đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức cơ sở thực hiện công tác thiết chế văn hoá, thể thao được thực hiện đồng bộ và đảm bảo các yêu cầu: đào tạo về phẩm chất, đạo đức, chuyên môn, kỹ năng, tâm huyết với ngành. Đặc biệt, những người làm công tác văn hoá, nghệ thuật và thể thao có chuyên môn được đào tạo bài bản hơn phát huy năng lực, chuyên môn. Đồng thời, cần có quan tâm chế độ, chính sách, hỗ trợ, khuyến khích phù hợp đối với nguồn nhân lực làm việc tại các thiết chế văn hoá, đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động yên tâm công tác, cống hiến.

Huyện cũng tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá như: hoạt động tuyên truyền, cổ động; hoạt động giáo dục; hoạt động văn nghệ quần chúng; hoạt động của các câu lạc bộ; hoạt động vui chơi, giải trí; hoạt động bảo tồn, lưu giữ các di sản, giá trị văn hoá... Các hoạt động này không chỉ phong phú, đa dạng mà còn cần có sự đổi mới cả về nội dung và cách thức thực hiện để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá tại các thiết chế văn hoá,thể thao ở cơ sở thực hiện phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Huy động được sự tham gia về sức người, đóng góp về sức của, khơi dậy mọi tiềm năng của mọi tầng lớp nhân dân. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, chuyên môn, các hội đoàn thể các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động các thiết chế văn hoá,thể thao. Qua đó, nhằm đánh giá tính hiệu quả, kết quả thực hiện về công tác quản lý nhà nước trong công tác thực hiện đối với các thiết chế văn hóa, thể thao.

KC

Ảnh trong bài
  • Huyện Trà Bồng từng bước nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa, thể thao