You must configure this module first via "Module Settings"

Kế hoạch phát triển Thể thao thành tích cao của Hậu Giang: Tập trung vào các môn trọng điểm

Để thúc đẩy thể thao đỉnh cao phát triển có chiều sâu và tạo được nền tảng vững chắc, mới đây UBND tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề cho sự phát triển thể thao thành tích cao tỉnh với mục tiêu lâu dài.

Tập trung đầu tư các môn thể thao trọng điểm

Nhìn lại giai đoạn 2016 – 2020 nhận được sự quan tâm, đầu tư từ các cấp, chính quyền, thể thao thành tích cao của tỉnh Hậu Giang đã có những bước tiến rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, vẫn còn thiếu sự ổn định, chiều sâu và một nền tảng vững chắc. Do đó, sự ra đời của Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 được xem là động thái kịp thời khi xác định được những môn thể thao thế mạnh từ đó xây dựng chiến lược đầu tư các môn thể thao trọng điểm. Qua đó, tạo điều kiện cần cho sự phát triển thể thao đỉnh cao của tỉnh nhà trong giai đoạn tiếp theo với nhiều triển vọng mới.

Theo Đề án, giai đoạn 1 (2023 – 2025),  ngành TDTT tỉnh Hậu Giang xác định đầu tư trọng điểm cho 4 nhóm môn thể thao có khả năng đạt thành tích cao tại các giải đấu cấp toàn quốc gồm: Judo, Điền kinh, Jujitsu, Kick Boxing. Trong giai đoạn này, Thể thao Hậu Giang phấn đấu đạt trên 200 Huy chương các loại tại các giải đấu cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế; có 150 VĐV đạt đẳng cấp kiện tướng và cấp I quốc gia.

Giai đoạn 2 (năm 2026-2030), tỉnh lựa chọn đưa thêm 2 môn thể thao vào nhóm đầu tư trọng điểm gồm Đua thuyền và Vovinam. Hàng năm, đoàn Thể thao tỉnh tham gia 50 -55 giải quốc gia và quốc tế, nỗ lực đạt từ 80-85 Huy chương các loại, trong đó có 6-8 huy chương quốc tế.

Thể thao Hậu Giang thành tích cao đang ngày càng phát triển
(Ảnh: Hậu Giang online)

Việc phân nhóm các môn thể thao đầu tư trọng điểm được chia thành từng giai đoạn cụ thể giúp phát huy hiệu quả trong huấn luyện, tạo mũi nhọn đột phá về thành tích. Mục tiêu trước mắt mà ngành TDTT Hậu Giang hướng đến là Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long và Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026 đạt thành tích cao. 

Nhiều cách làm mới, bài bản, chuyên nghiệp

Để đề án được triển khai hiệu quả, ngành thể thao tỉnh đã xây dựng được chương trình, kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng bài bản. Trong đó, chú trọng hình thành các lớp năng khiếu ban đầu, những gương mặt có tiềm năng được huấn luyện chuyên sâu rồi đào tạo tập trung. Duy trì hệ thống đào tạo 3 tuyến năng khiếu, trẻ, tuyển để đảm bảo tính liên tục, kế thừa và bền vững lâu dài… Thực hiện chính sách hỗ trợ và chế độ đãi ngộ kịp thời, thỏa đáng để VĐV an tâm cống hiến. Đầu tư cơ sở vật chất, công trình thể thao và trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu và đăng cai giải quốc gia, quốc tế; ứng dụng khoa học công nghệ trong chương trình huấn luyện…

Nhiều VĐV trẻ đã trưởng thành như: Nguyễn Hùng Nhựt (karate), Huỳnh Thanh Tâm (bóng rổ), Huỳnh Thị Diệu Thảo (Vovinam), Danh Út Kiên (judo)… Đây là những VĐV gắn bó với thể thao từ trẻ, nay đã trưởng thành, phong độ ổn định, thể hiện tài năng và những dấu ấn riêng. Lực lượng VĐV này cũng chính là  minh chứng hiệu quả trong chiến lược đào tạo bài bản của thể thao thành tích cao Hậu Giang, bắt nguồn từ VĐV năng khiếu rồi bồi dưỡng lên tuyến trẻ, tuyến tuyển.

Hiện thể thao thành tích cao tỉnh Hậu Giang đang trên đà phát triển, tiếp cận và đạt được kết quả khả quan ở các giải trong nước, quốc tế, nhưng chỉ là bước đầu nên cần có những chính sách nhất quán, lộ trình đủ dài để VĐV rèn luyện, nâng tầm chất lượng. Đầu tư phát triển thể thao thành tích cao là cả chặng đường dài cần sự đầu tư và nỗ lực rất lớn từ VĐV và giới chuyên môn, đề án ra đời là một nỗ lực vượt khó của thể thao tỉnh trong việc tìm hướng đi phù hợp với điều kiện, thế mạnh địa phương và xu thế phát triển chung. Đồng thời trở thành động lực, mắt xích quan trọng góp phần nâng cao vị thế thể thao tỉnh nhà.

NH