You must configure this module first via "Module Settings"

Xã hội hóa TDTT ở Vĩnh Long

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển sự nghiệp TDTT, thời gian qua công tác xã hội hóa lĩnh vực TDTT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long từng bước được tăng cường và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong bối cảnh điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, ngân sách dành cho sự nghiệp phát triển TDTT còn hạn chế, việc đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) nhằm huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư cho lĩnh vực TDTT là giải pháp tất yếu và nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Vĩnh Long. Công tác tuyên truyền về xã hội hóa được triển khai thực hiện với nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ, nhờ đó các hoạt động TDTT đã nhận được sự ủng hộ của các tổ chức xã hội, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều cơ chế, chính sách kịp thời nhằm huy động sức mạnh trong toàn xã hội chăm lo cho công tác TDTT, qua đó huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Đặc biệt là, vận động các nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động tập luyện TDTT thường xuyên của các tầng lớp nhân dân; hỗ trợ, đồng hành tổ chức thành công các giải thể thao, hội thao, Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội TDTT các cấp; ...

Bóng đá là môn thể thao được xã hội hóa mạnh mẽ ở Vĩnh Long (Ảnh: D.Thu)

Nhiều đơn vị, cơ quan, đoàn thể đã mạnh dạn bỏ vốn hoặc góp vốn tham gia xây dựng các công trình TDTT với số vốn đầu tư lên tới hàng tỷ đồng. Theo thống kê, chỉ trong 1 năm, toàn tỉnh Vĩnh Long có đến 16 sân bóng cỏ nhân tạo đi vào hoạt động và luôn thu hút rất đông giới trẻ tham gia. Các sân bóng cỏ nhân tạo ra đời đã đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện TDTT cho trẻ em, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên, giúp tạo sân chơi lành mạnh và tránh xa các tệ nạn xã hội.

Ngoài việc đầu tư sân bãi, nhiều doanh nghiệp, cá nhân còn mua sắm, lắp đặt trang thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời tại các công viên, khu vui chơi giải trí, khu văn hóa - thể thao, Trung tâm Văn hóa - Thể thao…, phục vụ tốt nhu cầu tập luyện, thi đấu TDTT của một bộ phận dân cư, nhất là thanh thiếu niên tại các xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.

Việc thành lập, kiện toàn các liên đoàn, hiệp hội trong lĩnh vực TDTT cũng được quan tâm hơn, góp phần chung tay hỗ trợ, phát triển phong trào TDTT tại địa phương. Một số liên đoàn, hiệp hội hoạt động khá hiệu quả, phát huy được vai trò vận động XHH các nguồn lực đầu tư, gầy dựng, tập hợp phong trào tập luyện TDTT thường xuyên, nền nếp từ cơ sở, tổ chức các giải đấu, hội thao và tham gia thi đấu các giải thể thao khu vực, toàn quốc. Đối với công tác tài trợ giải có Liên đoàn Bóng bàn vận động tài trợ Giải Bóng bàn quốc tế cúp Phân bón Miền Nam, Liên đoàn Bóng chuyền vận động tổ chức Giải Bóng chuyền quốc tế Cúp Truyền hình Vĩnh Long, Liên đoàn Quần vợt vận động tổ chức Giải Quần vợt Cúp Phước Thành IV toàn quốc với giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng trong khoảng 5 năm qua.

Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 100 sân bóng đá các loại, 250 sân bóng chuyền, 230 sân cầu lông, 45 sân quần vợt, hơn 50 bể bơi các loại, và nhiều sân tập đơn giản các loại khác… đặc biệt, nhờ đẩy mạnh chủ trương XHH trong lĩnh vực TDTT, hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở trên toàn tỉnh Vĩnh Long đã được quan tâm chú trọng. Hiện toàn tỉnh có 80/107 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã và 249/752 ấp có Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp, cụm liên ấp. 100% ấp hoặc liên ấp có Nhà Văn hóa - Khu Thể thao hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng.

Các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở từng bước được quan tâm đầu tư cấp kinh phí, trang thiết bị và nhân sự cơ bản đủ thành phần để tổ chức các hoạt động, qua đó đã thực hiện tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị được 6.388 cuộc, tổ chức 636 cuộc biểu diễn văn nghệ, liên hoan, giao lưu, văn nghệ quần chúng, tổ chức gần 200 giải thể thao.

Nhờ đẩy mạnh XHH trong lĩnh vực TDTT đã góp phần thúc đẩy công tác TDTT của tỉnh ngày càng phát triển. Về TDTT quần chúng, đến nay, toàn tỉnh có trên 33% dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên và , hơn 1.200 CLB TDTT cơ sở được thành lập và hoạt động tại các cơ quan, trung tâm VH - TT các cấp; 100% số trường học thực hiện chương trình giáo dục thể chất nội khóa, 95% trường tổ chức tốt chương trình thể thao ngoại khóa, thể thao tự chọn cho học sinh…

Đặc biệt, lĩnh vực thể thao thành tích cao của tỉnh cũng có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Trong đó, năm 2021, các VĐV tỉnh Vĩnh Long không ngừng nỗ lực và hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra  khi giành được 22 HCV, 13 HCB,  17 HCĐ tại các giải VĐQG (vượt 05 HCV so với năm 2020) và từ đầu năm 2022 đến nay, các đội tuyển của tỉnh Vĩnh Long đã giành được 105 huy chương (23 HCV, 42 HCB, 40 HCĐ). Đóng góp vào bảng thành tích của thể thao Vĩnh Long phải kể đến một số đội tuyển như Bóng đá, Bơi, Vovinam, Bắn cung...

Nhiều VĐV tiêu biểu của Vĩnh Long đã để lại dấu ấn trên trường quốc tế như: Trương Thị Kim Tuyền, Nguyễn Phan Khánh Hân, Lê Ngọc Hân ( HCV châu Á năm 2018, 2019 nội dung quyền Taekwondo); Nguyễn Văn Đầy, Thạch Phi Hùng, Nguyễn Tường Vy (HCV môn Bắn cung Cúp châu Á năm 2019); hay Trần Thị Thanh Chúc ( HCV tại giải vô địch Vovinam thế giới năm 2009)...

Gần đây nhất là tại SEA Games 31, Vĩnh Long đã đóng góp cho đoàn TTVN 17 thành viên, trong đó có 13 VĐV và giành 5 huy chương. Trong đó có 1 HCV môn Taekwondo của VĐV Trương Thị Kim Tuyền; 1 HCB đồng đội bắn cung 1 dây của VĐV Nguyễn Duy; 1 HCB đồng đội nữ cung 3 dây của VĐV Nguyễn Thị Hồng Gấm; 1 HCĐ đồng đội cầu mây 3 người; 1 HCĐ của đồng đội cầu mây 4 người.

Bên cạnh đó, Vĩnh Long là một trong 2 địa phương trên cả nước sở hữu 2 đội bóng chuyền thi đấu ở hạng đội mạnh quốc gia là CLB nam Xổ số kiến thiết Vĩnh Long và CLB nữ Truyền hình Vĩnh Long. Ngoài ra, tỉnh còn có cả đội xe đạp 620 Châu Thới Vĩnh Long với sức trẻ đầy triển vọng ở tương lai... Sự phát triển mạnh của thể thao thành tích cao Vĩnh Long có sự đóng góp không nhỏ của các  doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh từ đầu tư kinh phí cho công tác đào tạo, tập huấn cũng như thi đấu của một số VĐV của các môn như Bóng chuyền, Xe đạp…

Cùng với những thuận lợi trên, công tác XHH TDTT ở Vĩnh Long vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp và XHH ở cơ sở do chưa có kế hoạch lâu dài, bài bản, chủ yếu là vận động tài trợ riêng lẻ ở một số giải thể thao, hội thao, Đại hội TDTT các cấp.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác XHH, nhằm huy động sự chung tay ủng hộ nhiều hơn nữa cho sự phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh trong thời gian tới, Vĩnh Long sẽ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt chủ trương XHH hoạt động TDTT theo chỉ đạo của Đảng, nhà nước; Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh để đẩy mạnh XHH TDTT. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về XHH để nhận được sự đồng thuận ngày càng cao của nhân dân. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho các hoạt động thể thao chuyên nghiệp, thể thao giải trí và thiết chế thể thao ở cơ sở. Đẩy mạnh việc phát triển các hiệp hội, liên đoàn thể thao cũng như nâng cao năng lực quản lý và chất lượng hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội…

VD

Ảnh trong bài
  • Xã hội hóa TDTT ở Vĩnh Long