You must configure this module first via "Module Settings"

Hưng Yên đặt mục tiêu phát triển TDTT đến năm 2030

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, công tác TDTT của tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển theo hướng ổn định và đi vào chiều sâu. Các hoạt động TDTT phong phú về nội dung lẫn hình thức đã thu thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, các chỉ tiêu cơ bản về thể thao cho mọi người tăng hằng năm; Thể thao thành tích cao ngày càng được củng cố và phát triển.

Trong giai đoạn 2010-2020, số người luyện tập TDTT thường xuyên bình quân hằng năm tăng từ 0,9 đến 1,3%; số gia đình thể thao bình quân tăng từ 0,8 đến 1%.

Nhận thức của người dân về lợi ích của luyện tập TDTT, nâng cao sức khỏe được nâng lên; ý thức tự giác tập luyện TDTT của các tầng lớp nhân dân, từ thiếu niên, nhi đồng đến người cao tuổi; các tầng lớp nông dân, công nhân, trí thức; .. đều tăng cao. Các điểm, nhóm, câu lạc bộ TDTT cơ sở ngày càng gia tăng góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Công tác GDTC trong nhà trường thường xuyên được củng cố và nâng cao chất lượng, các hoạt động thể thao trong trường học ngày càng phong phú. 100% trường cấp Tiểu học, THCS, THPT tổ chức giảng dạy GDTC nội khóa theo đúng chương trình của Bộ giáo dục và Đào tạo quy định; trên 80% số trường có giờ TDTT ngoại khóa. Hằng năm cấp Tiểu học, THCS, THPT đạt từ 90-95% tiêu chuẩn rèn luyện thể thao; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đạt 85-90%.

Phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang thường xuyên được duy trì, trọng tâm là tổ chức huấn luyện, rèn luyện thể lực theo chuẩn, gắn liền với phong trào "Chiến sỹ khỏe”; thực hiện phương châm mọi quân nhân đều phải tham gia chương trình huấn luyện thể lực bắt buộc, đồng thời mỗi người tự chọn cho mình một môn thể thao hoặc một hình thức luyện tập để tăng cường sức khỏe nâng cao hiệu quả công tác, phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần. Có 98,1% cán bộ, chiến sỹ trong độ tuổi đạt tiêu chuẩn về rèn luyện thân thể hằng năm.

Thể thao thành tích cao giữ vững thế mạnh ở một số môn và nâng cao chất lượng ở các môn tiềm năng, đóng góp nhiều thành tích cho tỉnh và thành tích chung cho quốc gia. Số VĐV đạt đẳng cấp quốc gia và số huy chương tại các giải thể thao toàn quốc năm sau cao hơn năm trước và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nhiều VĐV được tham gia các giải quốc tế và đạt nhiều thành tích như: HCV giải Vô địch trẻ Taekwondo Đông Nam Á năm 2015, HCV giải Vô địch Pencaksilat Đông Nam Á năm 2016, HCV Giải Rowing Vô địch Đông Nam Á năm 2016, HCV giải Vô địch Đông Nam Á Canoeing 2019, HCB giải Vô địch Taekwondo Châu Á năm 2019...

Hai môn thể thao tập thể đạt được thành tích xuất sắc: Đội Bóng đá Nhi đồng nhiều năm liên tục là một trong 8 đội mạnh toàn quốc, năm 2018 giành HCB toàn quốc; năm 2020 giành HCĐ toàn quốc; đội Bóng đá Phố Hiến giành hạng Nhì giải hạng Nhất quốc gia 2019; năm 2020 đứng thứ 4. Tại Đại hội TDTT Toàn quốc lần thứ VII năm 2014 thể thao Hưng Yên đạt 01 HCV, 08 HCB và 16 HCĐ xếp thứ hạng 44/65 tỉnh, thành, ngành; Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, giành được 25 huy chương các loại, trong đó có 03 HCV, 07 HCB, 15 HCĐ, xếp thứ hạng 35/65 tỉnh, thành, ngành.

Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện VĐV cũng như đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân được quan tâm đầu tư. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 152 sân vận động, sân bóng đá diện tích sân (5-7 người); 79 nhà luyện tập thể thao đơn giản; 44 bể bơi các loại; 773 sân luyện tập TDTT đơn giản, 72 phòng luyện tập TDTT đơn giản. 10/10 huyện, thị xã, thành phố có đất quy hoạch cho công trình phục vụ hoạt động TDTT; 4/10 huyện, thành phố có nhà tập luyện TDTT gồm: Văn Lâm, Phù Cừ, Khoái Châu, thành phố Hưng Yên. Thị xã Mỹ Hào và các huyện còn lại có sân vận động, các phòng, sân bãi luyện tập các môn thể thao, đáp ứng nhu cầu tập luyện cơ bản của người dân.

Cùng với những thuận lợi trên, công tác TDTT tỉnh Hưng Yên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, phong trào TDTT quần chúng phát triển chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, người dân ở nông thôn, vùng xa thị trấn tham gia tập luyện TDTT còn ít. Chưa quan tâm đến việc phát triển TDTT cho người khuyết tật, lực lượng công nhân; Hoạt động các Liên đoàn thể thao của tỉnh kém hiệu quả. Chất lượng và hiệu quả công tác GDTC trong nhiều trường học chưa đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện; hoạt động ngoại khóa TDTT quan tâm chưa thường xuyên; đội ngũ giáo viên thể dục trong toàn tỉnh còn thiếu (bậc tiểu học, THCS); kinh phí bảo đảm cho hoạt động TDTT của mỗi đơn vị còn nhiều hạn chế; cơ sở vật chất chưa bảo đảm nhu cầu giảng dạy, tập luyện và tổ chức thi đấu.

Hệ thống đào tạo VĐV thể thao thành tích cao chưa mang tính liên tục; sự thiếu hụt VĐV các tuyến; lực lượng HLV giỏi, huấn luyện đỉnh cao còn thiếu; công tác thải loại, tuyển chọn VĐV chưa khoa học; đầu tư các môn còn dàn trải, hiệu quả thấp. Trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho huấn luyện thể thao thành tích cao còn thiếu, lạc hậu, chậm được nâng cấp, sửa chữa; không có nhà thi đấu TDTT tiêu chuẩn, nhà tập đa môn, sân điền kinh tiêu chuẩn... Một số môn thể thao trọng điểm của tỉnh như: Bóng chuyền nữ, đua thuyền rowing, canoeing, bóng bàn, bắn cung, quần vợt không đạt được chỉ tiêu đề ra.

Nhiều địa phương chưa có quy hoạch đất cho công trình TDTT. Thực trạng đất cơ sở dành cho thể thao đến hết năm 2021 mới đạt 0,11% đất tự nhiên; diện tích đất dành cho thể thao/người mới đạt 2,6m2/người.

Trước thực trạng đó, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng Đề án Phát triển TDTT tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu cụ thể đề ra , phấn đấu số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 37%; Số gia đình tập luyện TDTT đạt 31%; Hằng năm tổ chức khoảng 27 - 30 giải thể thao quần chúng cấp tỉnh và tham dự 4 - 5 giải thể thao quần chúng toàn quốc; Số CLB, điểm nhóm tập luyện thể thao tại các cơ quan đơn vị, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hơn 2.000 CLB.

Số trường học phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa đạt 100% theo quy định. Đổi mới nội dung, hình thức đa dạng hóa các hoạt động TDTT ngoại khóa, phấn đấu đạt khoảng 85%. Số cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang kiểm tra tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng rèn luyện thân thể đạt trên 98,5%.

Đối với thể thao thành tích cao, sẽ đào tạo từ 250 - 300 VĐV (14 môn hiện có, nghiên cứu phát triển thêm 03 môn mới: Muay Thái, nhảy cầu, bi sắt hoặc thay thế những môn kém hiệu quả). Hằng năm tham gia từ 38 - 45 giải thể thao quốc gia, quốc tế, Sea Games phấn đấu giành 145 - 150 huy chương các loại, trong đó trên 20 huy chương các loại ở giải vô địch quốc gia.. Đại hội thể thao toàn quốc năm 2022 phấn đấu xếp hạng 36- 40/65 tỉnh, thành, ngành; giành được từ 2-3 HCV trở lên. Có trên 50 VĐV được phong cấp I, dự bị kiện tướng, kiện tướng quốc gia; hằng năm phấn đấu có 10 VĐV các môn thể thao được triệu tập vào các đội tuyển Quốc gia, tuyển trẻ quốc gia.

Định hướng đến năm 2030, phấn đấu số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 40%; Số gia đình tập luyện TDTT đạt trên 33%; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GDTCtrong trường học; Số cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt trên 98,5% và nâng cao chất lượng hiệu quả.

Đào tạo từ 350 - 400 VĐV các môn thể thao trọng điểm của tỉnh, nghiên cứu phát triển thêm một số môn thể thao mới như: Kick boxing, khiêu vũ thể thao, bóng chuyền bãi biển, vovinam.. hoặc thay thế những môn kém hiệu quả. Hằng năm phấn đấu đạt từ 170 - 185 huy chương các loại, trong đó có trên 40 huy chương các loại ở giải vô địch quốc gia. Đại hội thể thao toàn quốc năm 2026 phấn đấu xếp hạng dưới 30 toàn đoàn, giành được trên 6 HCV và  Đại hội thể thao toàn quốc năm 2030 phấn đấu xếp hạng trên 25 toàn đoàn, giành được trên 7 HCV. Có trên 80 VĐV được phong cấp I, kiện tướng quốc gia hằng năm.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, các cấp các ngành tỉnh Hưng Yên đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, trong đó tập trung tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đối với công tác phát triển TDTT. Xác định rõ công tác phát triển TDTT là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy Đảng, chính quyền, phải đưa nội dung này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm và dài hạn của các huyện, thị xã, thành phố.

Tích cực tuyên truyền về tác dụng, lợi ích của luyện tập TDTT, qua đó giúp cán bộ và nhân dân nhận tích cực tham gia các hoạt động TDTT phù hợp với sở thích, lứa tuổi, trình độ thể lực, hình thành ý thức tự giác say mê luyện tập. Tập trung đổi mới nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý công tác TDTT cũng như phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống liên đoàn, hiệp hội TDTT;

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích huy động, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia quản lý, giám sát, tổ chức hoạt động, kinh doanh dịch vụ TDTT. Hỗ trợ, tài trợ đào tạo, huấn luyện, thi đấu thể thao thành tích cao. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân khởi xướng, góp vốn, thành lập và duy trì hoạt động các quỹ tài trợ, quỹ bảo vệ tài năng thể thao, quỹ hỗ trợ tài năng thể thao... Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển một số môn thể thao theo mô hình chuyên nghiệp, ngoài công lập.

KC

Ảnh trong bài
  • Hưng Yên đặt mục tiêu phát triển TDTT đến năm 2030