Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố Kon Tum luôn quan tâm chú trọng phát triển sự nghiệp TDTT. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước và các văn bản của tỉnh về TDTT luôn được sát sao, kịp thời. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của TDTT đối với việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể lực và chất lượng cuộc sống, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thành phố Kon Tum đã tiến hành quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao, trong đó có Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố và các phường, xã; Đầu tư mua trang thiết bị, dụng cụ, phục vụ yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT của địa phương. Hiện có 97% xã, phường, thị trấn triển khai quy hoạch, bố trí đất và xây dựng công trình TDTT phục vụ hoạt động TDTT như các sân chơi, bãi tập, công trình thể thao trong quần thể trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, cụm thôn, làng.
Tính đến nay, thành phố Kon Tum có 16 nhà tập luyện, nhà thi đấu thể thao đa năng; 31 nhà tập luyện, thi đấu thể thao đơn môn; 58 bể bơi; 43 sân vận động; 454 sân bóng đá, 855 sân bóng chuyền, 294 sân cầu lông; 52 sân quần vợt; 5 sân bóng rổ…
Công tác GDTC và hoạt động TDTT trong học đường được quan tâm và ngày càng có nhiều CLB được thành lập
Ngoài các công trình TDTT do nhà nước đầu tư xây dựng, thành phố còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tài trợ các hoạt động thi đấu TDTT, trong đó nhiều công trình có mức vốn đầu tư lên tới hàng vài tỷ đồng như: sân cầu lông trong nhà với quy mô 7 sân tại phường Duy Tân. Bên cạnh đó, thành phố cũng huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa để mua sắm lắp đặt thiết bị TDTT ngoài trời tại Quảng trường 16/3 gồm 12 thiết bị với tổng kinh phí gần 150 triệu đồng; trong đó, ngân sách xã hội hóa gần 90 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Mân - Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: Thời gian qua, UBND thành phố Kon Tum dành nguồn ngân sách, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT. Hiện nay ở các xã, phường, tổ dân phố, thôn, làng đa số đều có khu thể thao để phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe; phần nào đáp ứng được việc tập luyện và thi đấu giao hữu thể thao của các địa phương, đơn vị đối với một số môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn...
Các thiết chế Văn hóa – Thể thao được xây dựng và sử dụng hiệu quả đã góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT thường xuyên cho đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, các lực lượng vũ trang và nhân dân.
Việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” luôn gắn kết chặt chẽ với phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…, đã góp phần tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về vai trò, tác dụng của tập luyện TDTT đối với sức khỏe.
Mỗi người tự chọn cho mình một môn TDTT phù hợp để tập luyện hàng ngày; một số môn được đông đảo Nhân dân thành phố tham gia tập luyện như: cầu lông, bóng bàn, việt dã, bóng đá, bóng chuyền… Toàn thành phố hiện có khoảng 240 câu lạc bộ, phòng tập TDTT trong khu dân cư, 252 câu lạc bộ thể thao trường học..
Hàng năm, nhân các sự kiện chính trị và các ngày lễ lớn, thành phố Kon Tum tổ chức các giải thi đấu thể thao, Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân, đã thu hút hàng ngàn lượt người tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi. Thông qua việc tổ chức các giải thể thao hàng năm, đã tuyển chọn, bồi dưỡng, thành lập đội tuyển của thành phố tham gia các giải thể thao do tỉnh tổ chức và luôn đạt thành tích cao.
Đặc biệt, công tác GDTC và hoạt động TDTT trong trường học có bước phát triển đáng kể. Số trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề thực hiện chương trình thể thao ngoại khóa đạt 95% vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020; năm 2015 có 95% học sinh, sinh viên đạt chuẩn về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể, năm 2020 đạt 100%. Số trường học phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa năm 2015 đạt 100%; số trường phổ thông có câu lạc bộ TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa năm 2015 đạt 50%, đến năm 2020 đạt từ 65 - 70% tổng số trường, vượt 10% so với kế hoạch đề ra; số học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể năm 2015 đạt 95%, đến năm 2020 đạt 100% tổng số học sinh phổ thông các cấp.
Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, số hộ gia đình thể thao trên địa bàn thành phố tăng nhanh qua các năm. Hiện toàn thành phố có số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt tỷ lệ 40%; số gia đình luyện tập TDTT thường xuyên đạt tỷ lệ 25,1%
Các giải thể thao, hội thao định kỳ là thế mạnh của địa phương, được nhiều người yêu thích thường tổ chức vào các dịp lễ hội, lễ kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, đất nước. Song song với việc tổ chức các giải thi đấu thể thao như: Bóng đá, Xe đạp, Cầu lông, Bóng chuyền…, nhiều môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được bảo tồn và phát triển như:
Kéo co, Đẩy gậy, Đua ghe…, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, hấp dẫn, thu hút sự tham gia nhiệt tình của đông đảo thanh thiếu niên, công chức, viên chức, quần chúng nhân dân.
Hoạt động hội thao của các cơ quan, đoàn thể được duy trì tổ chức ngày càng nâng lên về chất lượng, mở rộng nội dung thi đấu như: Hội thao người cao tuổi, Hội thao nông dân, Hội thao công nhân, viên chức, lao động, Hội thao phụ nữ, Hội thao thanh niên…
Sau hơn một năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid, các hoạt động TDTT trên địa bàn thành phố Kon Tum đã trở lại bình thường. Trong năm 2021-2022, thành phố đã tổ chức thành công Đại hội TDTT các cấp và Đại hội TDTT thành phố Kon Tum lần thứ VII và đặc biệt, đoàn VĐV thành phố đã xuất sắc giành 88 huy chương các loại; trong đó có 33 HCV, 34 HCB, 21 HCĐ, xếp thứ Nhất tại Đại hội TDTT tỉnh Kon Tum lần thứ VII.
Để phong trào TDTT quần chúng phát triển rộng khắp, có hiệu quả, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa việc rèn luyện thể thao thường xuyên, “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, lao động, học tập, công tác đạt hiệu quả cao. Tiếp tục tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình, CLB thể dục, thể thao ở cơ sở, các loại hình tập luyện, thi đấu TDTT quần chúng… phù hợp với đặc điểm từng đối tượng; Duy trì và đẩy mạnh các hoạt động thể thao quần chúng, chú trọng đầu tư quy hoạch đất, xây dựng cơ sở vật chất dành cho TDTT, nhất là việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDTC và hoạt động TDTT trong trường học; Duy trì tốt các hoạt động TDTT trong lực lượng vũ trang, công nhân viên chức, lao động. Đẩy mạnh công tác Xã hội hóa nhằm huy động các các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho TDTT; Nhân rộng các điển hình tiên tiến, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân tiêu biểu trong hoạt động TDTT…
VD