You must configure this module first via "Module Settings"

TDTT Bình Phước giai đoạn 2021-2025: Nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng

Đa dạng hóa các loại hình, hoạt động TDTT quần chúng, khuyến khích nhân dân chọn một môn thể thao tập luyện hàng ngày; tăng cường công tác xã hội hóa TDTT; chú trọng quy hoạch đất đai và đầu tư cơ sở hạ tầng TDTT; nâng cao chất lượng phong trào TDTT ở cơ sở… là những định hướng của thể thao quần chúng tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025.

Phát triển mạnh nhưng chưa đều

Hiện toàn tỉnh có 33,7% tổng dân số tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; số hộ gia đình thể thao đạt 22,3% tổng số hộ dân. Hệ thống các giải thi đấu được duy trì tổ chức hàng năm trung bình với 10-15 giải thể thao cấp tỉnh, 8-10 giải cấp xã và hàng ngàn giải thi đấu thể thao quần chúng thu hút đông đảo người dân tham gia.

Cơ sở vật chất TDTT ở Bình Phước ngày càng được đầu tư hoàn thiện. Hiện nay, ngoài các công trình thể thao khang trang, hiện đại đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn như: Sân vận động, Nhà thi đấu đa năng 2500 chỗ ngồi… Bình Phước còn huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho TDTT. Nhiều trung tâm TDTT, phòng tập, khu thể thao – vui chơi, giải trí do tư nhân xây dựng được đưa vào khai thác và sử dụng hiệu quả. Đến nay, hầu hết địa phương trong tỉnh nở rộ hình thức đầu tư kinh doanh dịch vụ TDTT như: Bóng đá sân cỏ nhân tạo, hồ bơi, phòng tập gym, yoga, bida, nhảy zumba, các cơ sở kinh doanh đồ tập thể thao.

Phong trào TDTT quần chúng của tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ (Ảnh: D.Thu)

Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở cũng từng bước được hoàn thiện đã góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT thường xuyên của nhân dân. Ở cấp huyện đã có 7/11 đơn vị có nhà thi đấu TDTT đa năng, 5/11 đơn vị đã có sân vận động, 3/11 đơn vị có hồ bơi. 111/111 xã phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa, thể thao hoặc hội trường, Nhà văn hóa. Hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật TDTT trong trường học, công an, quân đội, các khu công nghiệp cũng được triển khai đầu tư, xây dựng phục vụ hoạt động tập luyện và thi đấu TDTT trong từng ngành, đơn vị.

Chia sẻ với báo giới, ông Trần Văn Chung- Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Phước cho biết: Những năm gần đây, TDTT của Bình Phước phát triển mạnh về mọi mặt một phần nhờ chúng ta có cơ chế, chính sách tốt. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, chế độ cho VĐV, HLV, chúng tôi cũng chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở”.

Bên cạnh sự phát triển, những năm qua, phong trào TDTT tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể, phong trào thể thao quần chúng phát triển không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các xã, phường, thị trấn trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố; Cơ sở vật chất, phương tiện tập luyện TDTT ở các địa phương còn thiếu, xuống cấp. Nhiều địa phương chưa được đầu tư xây dựng 1 trong 3 thiết chế TDTT cơ bản là sân vận động, nhà thi đấu, hồ bơi. Đa phần các công trình TDTT chỉ đáp ứng nhu cầu tập luyện, thi đấu thể thao phong trào, chưa đáp ứng được nhu cầu huấn luyện nâng cao, đăng cai các giải thi đấu toàn quốc. Bên cạnh đó, một số công trình TDTT ở cơ sở chưa khai thác, sử dụng hiệu quả; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Cùng với đó, kinh phí phân bổ cho TDTT ở các địa phương, đơn vị còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển thể thao phong trào; Số liên đoàn, hội thể thao còn ít và chưa chủ động trong xây dựng và triển khai phát triển chuyên môn;….

Nhiều mục tiêu phát triển đến năm 2025

Nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại, qua đó đưa phong trào TDTT tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng phong trào TDTT quần chúng tỉnh đến năm 2025.

Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 40% trở lên, số hộ gia đình thể thao đạt 30%; Tỷ lệ cộng tác viên TDTT đạt trên 0,1% dân số; Toàn tỉnh có 12008 CLB TDTT. 100% thôn (ấp, khu phố), xã (phường, thị trấn) có ít nhất 1 loại hình sân bãi đơn giản để tổ chức các hoạt động tập luyện, thi đấu TDTT; 100% huyện, thị xã, thành phố có sân vận động (đủ điều kiện tổ chức môn Bóng đá 11 người), 100% huyện, thị xã, thành phố có nhà thi đấu TDTT đa năng; 50% huyện, thị xã, thành phố có hồ bơi (tối thiểu 25m), hoàn thiện Sân vận động cấp tỉnh và xây dựng hồ bơi cấp tỉnh đạt tiêu chuẩn.

Hàng năm, 100% xã, phường, thị trấn; huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh tổ chức từ 500 giải thể thao trở lên. Trong đó, mỗi xã, phường tổ chức tối thiểu 3 giải thể thao/năm và tham gia đầy đủ các giải thể thao do huyện tổ chức; mỗi huyện, thị xã, thành phố tổ chức từ 08 giải thể thao/năm và tham gia đầy đủ các giải thể thao cấp tỉnh; cấp tỉnh tổ chức tối thiểu 15 giải thể thao/năm và tham gia ít nhất 05 giải thể thao quần chúng toàn quốc/năm.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Bình Phước đặt ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về TDTT; Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh đối với sự nghiệp phát triển TDTT, góp phần chăm lo sức khỏe thể chất, tinh thần cho nhân dân. Tuyên truyền vận động, tập hợp quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động tập luyện, thi đấu TDTT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vận động mỗi người dân lựa chọn ít nhất một môn thể thao để tập luyện hàng ngày. Phổ biến kiến thức, hướng dẫn phương pháp tập luyện TDTT an toàn, hiệu quả. Giới thiệu, biểu dương những cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến có nhiều đóng góp trong công tác phát triển phong trào TDTT ở cơ sở.

Chú trọng quy hoạch đất đai dành cho TDTT và phát triển hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị TDTT. Theo đó, triển khai quy hoạch đất đai dành cho TDTT từ cơ sở đến tỉnh đảm bảo duy trì ổn định từ 3,5 -4 m2/người dân. Sử dụng hiệu quả nguồn đất đai đã được bố trí dành cho TDTT để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân. Hoàn thiện đầu tư xây dựng 03 công trình TDTT cơ bản còn thiếu tại các huyện, thị xã, thành phố gồm: sân vận động, nhà thi đấu đa năng, hồ  bơi và đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời tại các khu vực công cộng; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống Nhà văn hóa – khu thể thao, Trung tâm Văn hóa – Thể thao từ cơ sở đến cấp thành phố, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của Bộ VHTTDL.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động tập luyện, thi đấu TDTT, từng bước nâng cao chất lượng phong trào TDTT cơ sở. Trong đó tập trung hình thành các giải thi đấu thể thao được tổ chức thường xuyên tại các địa phương, đơn vị. Chú trọng các môn thể thao dân tộc, truyền thống, các môn thể thao đơn giản, dễ tập, ít tốn kém, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như chạy bộ, đẩy gậy, kéo co, bóng đá, bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, thể dục dưỡng sinh, bóng bàn, cầu lông… Duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức ngày chạy "Olympic vì sức khỏe toàn dân” trên địa bàn toàn tỉnh; Hàng năm, lồng ghép tổ chứ hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị; nghiên cứu tổ chức các giải thi đấu thể thao đỉnh cao mang tàm quốc gia, quốc tế, phù hợp với thế mạnh và điều kiện thực tế của tỉnh.

Đồng thời, tăng cường đầu tư, nâng cấp các điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện tập luyện cho các địa phương; tăng cường công tác xã hội hóa, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng hoạt động phong trào.

Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt những quy định của nhà nước đã ban hành, đảm bảo các điều kiện về chuyên môn cũng như sự an toàn cho người dân trong quá trình sử dụng dịch vụ.

 VD