You must configure this module first via "Module Settings"

Bắc Giang phát huy những hiệu quả đạt được từ công tác xã hội hóa TDTT

Trong những năm qua, công tác xã hội hóa TDTT luôn được các cấp, các ngành tỉnh Bắc Giang quan tâm, chỉ đạo sát sao và đạt nhiều kết quả khả quan. Xã hội hóa đã có tác động tích cực đến sự nghiệp TDTT toàn tỉnh, các loại hình hoạt động TDTT đã được đa dạng hoá và mở rộng về quy mô, góp phần cải thiện đời sống văn hoá, tăng cường bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.

Thông qua việc xã hội hóa TDTT, việc huy động của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia xây dựng cơ sở vật chất, đóng góp kinh phí tổ chức các giải thể thao tăng lên rõ rệt. Các tổ chức kinh tế, các công ty, doanh nghiệp, tư nhân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng các công trình thể thao phục vụ tập luyện của quần chúng như: Bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, sân điền kinh, bể bơi…. Nhiều đơn vị như: Công ty TNHH một thành viên phân đạm và hóa chất Hà Bắc, Khách sạn Bắc Giang…đã đầu tư xây dựng các công trình TDTT: bể bơi, nhà tập luyện và thi đấu. Các công trình này đã góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của cán bộ công chức, công nhân lao động và đáp ứng một phần dịch vụ cho khách du lịch.

Hiện hệ thống cơ sở vật chất TDTT của các huyện, ngành gồm: 12 sân vận động; Nhà tập luyện 10; Sân quần vợt 33, các sân thể thao khác 512. Trên địa bàn toàn tỉnh đã có 21,7% số xã, phường, thị trấn xây dựng được khu trung tâm văn hóa - thể thao, 78,3% số xã, phường, thị trấn còn lại đều có các điểm tập luyện TDTT.

Việc huy động kinh phí tổ chức các giải thi đấu thể thao đã bước đầu được duy trì. Các đơn vị cơ sở 1 năm tổ chức được 3 giải, ở các môn thể thao: Cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, bóng đá, bóng bàn, quần vợt…huy động được 25% kinh phí tài trợ tổ chức giải; Cấp tỉnh 6 giải/năm, huy động tài trợ được 40% kinh phí tổ chức giải. Phong trào TDTT trong các tổng công ty, doanh nghiệp, các ngành, tiếp tục phát triển sâu rộng, mạnh mẽ và đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn nhiều so với những năm trước đây. Điển hình như năm 2013 các tổ chức, cá nhân đồng hành tài trợ cho các hoạt động thể thao với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng, trong đó (vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ cho các hoạt động thể thao trong chương trình Đại hội TDTT các cấp trên địa bàn toàn tỉnh là trên 2 tỷ đồng, tài trợ tại buổi lễ xuất quân của đoàn Thể thao Bắc Giang tham dự ĐHTDTT toàn quốc lần thứ VII-2014 là 313 triệu đồng và cho các giải thể thao của tỉnh).

Các hình thức hoạt động như: Câu lạc bộ TDTT, điểm tập luyện, cụm văn hóa – thể thao hoạt động theo phương thức tự quản, có tổ chức, có sự hướng dẫn… ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa. Hàng năm, các địa phương và Sở đã tổ chức gần 20 giải thi đấu; cấp huyện, thành phố: 18 giải/ năm, huy động các tổ chức xã hội tài trợ được 40% kinh phí tổ chức giải; cấp tỉnh 1 giải/ năm, huy động các tổ chức xã hội tài trợ được 20% kinh phí tổ chức). Các hoạt động thi đấu, biểu diễn các môn thể thao: Bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, vật, võ…các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được tổ chức gắn với các ngày lễ, tết, ngày truyền thống của địa phương được duy trì hàng năm tại các lễ hội truyền thống của nhiều địa phương trong tỉnh.

Công tác xã hội hoá đã thu hút được nhiều nguồn lực của các tổ chức tham gia đồng hành cùng các giải thể thao như: giải Quần vợt Liên đoàn được các doanh nghiệp tài trợ khoảng 500 triệu đồng; Công ty TNHH một thành viên Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc tài trợ hiện vật cho giải chạy tập thể, việt dã Báo Bắc Giang với tổng trị giá trên 200 triệu đồng; giải Cầu lông các nhóm tuổi của tỉnh được hãng Dunlop và hãng cầu Thành Công tài trợ một số hiện vật trị giá khoảng trên 40 triệu đồng. Toàn tỉnh hiện có 3 liên đoàn thể thao cấp tỉnh gồm: Cầu lông, Võ thuật, Quần vợt. Có 21 hội thể thao cơ sở, trong đó: 10 hội cầu lông của 10 huyện, thành phố; 11 hội Cầu lông của các ngành. Bước đầu các Liên đoàn thể thao cấp tỉnh, Hội thể thao cơ sở đã phát huy tốt chức năng nhiệm vụ phục vụ công tác chuyên môn và phát triển phong trào TDTT trong tỉnh.

Cũng nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa mà hiện nay phong trào TDTT của người cao tuổi phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng với nhiều môn thể thao như: Thể dục dưỡng sinh, đi bộ, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, bóng chuyền. Hàng năm, ở cấp cơ sở tổ chức 2 giải/đơn vị/năm huy động các tổ chức xã hội tài trợ kinh phí tổ chức giải; cấp tỉnh 1 giải/ năm huy động các tổ chức xã hội tài trợ được 35% kinh phí tổ chức giải.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ TDTT trên địa bàn tỉnh đang có sự chuyển biến, phát triển: Hiện có 4 cơ sở sản xuất quả cầu lông, có khoảng trên 300 gia đình có cơ sở dịch vụ TDTT tại nhà và các cơ sở TDTT dân lập, tuy chưa nhiều, quy mô còn nhỏ lẻ song đã có tác động tích cực thúc đẩy phong trào TDTT phát triển.

Công tác phát triển xây dựng các hội thể thao, câu lạc bộ TDTT đa môn được các cấp quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, các câu lạc bộ tổ chức hàng ngàn cuộc thi đấu với kinh phí tự có, tự quản trên 700 triệu đồng. Các câu lạc bộ TDTT do quần chúng và các tổ chức xã hội tự xây dựng đã đáp ứng một phần nhu cầu tập luyện và hưởng thụ TDTT của nhân dân.

Tuy nhiên, công tác xã hội hóa về TDTT của tỉnh còn hạn chế chưa phát huy hiệu quả và tiềm năng to lớn từ mọi nguồn lực của xã hội. Cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động TDTT bước đầu đã được hình thành nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa giải quyết được các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với HLV, VĐV trong và sau thời gian phục vụ cho các đội tuyển. Cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ cho hoạt động TDTT còn thiếu so với yêu cầu. Diện tích đất dành cho TDTT, trang thiết bị dụng cụ tập luyện vẫn còn thiếu thốn so với nhu cầu...

Hướng đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT bằng việc  tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về xã hội hoá TDTT. Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách quản lý Nhà nước về xã hội hoá TDTT; từng bước chuyển các tổ chức sự nghiệp TDTT công lập sang đơn vị sự nghiệp có thu theo cơ chế dịch vụ công. Tăng nguồn thu từ việc tổ chức biểu diễn, thi đấu thể thao và dịch vụ TDTT theo nhu cầu xã hội.

Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách về xã hội hoá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp các nguồn lực cho hoạt động TDTT; Khuyến khích xây dựng các công trình TDTT; các đơn vị sản xuất và kinh doanh thiết bị, dụng cụ thể thao; Xây dựng cơ chế để huy động tối đa các nguồn lực vốn, kinh nghiệm cho phát triển các trung tâm văn hóa, thể thao, với phương châm Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng, các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh. Thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, các dịch vụ TDTTL.

Chủ chương thực hiện xã hội hoá TDTT trong những năm tới là tiếp tục tăng mức đầu tư của Nhà nước cho sự nghiệp TDTT, đồng thời tăng nguồn thu từ các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Phát triển mạnh các cơ sở TDTT ngoài công lập, tư nhân với hai loại hình: dân lập và tư nhân. Mỗi cơ sở TDTT ngoài công lập, tư nhân đều có thể hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận hoặc theo cơ chế lợi nhuận. Theo cơ chế phi lợi nhuận thì ngoài phần được dùng để bảo đảm lợi ích hợp lý của các nhà đầu tư, phần để tham gia thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi nhuận chủ yếu được dùng để đầu tư phát triển. Tiến hành chuyển một số cơ sở thuộc loại hình công lập sang loại hình bán công, ngoài công lập để tập thể hoặc cá nhân quản lý và hoàn trả vốn cho Nhà nước.

Khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch phát triển, yêu cầu và đặc điểm của từng lĩnh vực. Các nhà đầu tư được đảm bảo lợi ích hợp pháp về vật chất và tinh thần.

Huy động triệt để các nguồn lực của toàn xã hội bao gồm toàn dân, các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức xã hội về thể thao… vào công cuộc phát triển sự nghiệp TDTT.

KC

Ảnh trong bài
  • Bắc Giang phát huy những hiệu quả đạt được từ công tác xã hội hóa TDTT