You must configure this module first via "Module Settings"

Bắc Giang đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng đến năm 2030

Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” được các cấp, các ngành và nhân dân tỉnh Bắc Giang tích cực tham gia hưởng ứng. Trong đó, phong trào TDTT quần chúng của tỉnh phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, thu hút nhiều đối tượng tham gia tập luyện dưới nhiều hình thức phong phú.

Đến nay, tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên là 32,0%; Số hộ gia đình thể thao là 53.300 hộ;; Số câu lạc bộ TDTT là 2.030. Các hoạt động TDTT diễn ra sôi nổi, thường xuyên đáp ứng nhu cầu rèn luyện thân thể, vui chơi giải trí, nâng cao sức khoẻ, cải thiện đời sống văn hoá, tinh thần của người dân.

Với phương châm mỗi người lựa chọn 01 môn thể thao phù hợp để tập luyện, phong trào TDTT trong cán bộ CNVC-LĐ ngày càng phát triển. Hiện có khoảng 55 - 65% cán bộ CNVC-LĐ tham gia tập luyện thường xuyên. Hàng năm, ngành VHTTDL và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh duy trì tổ chức các Giải thi đấu thể thao, các Hội thi Văn nghệ - Thể thao đã thu hút rất nhiều các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia.

Công tác tổ chức giải đã trở thành định kỳ ở các đơn vị cơ sở và đã bước đầu phát huy tốt công tác xã hội hóa TDTT. Ở các đơn vị cơ sở, 1 năm tổ chức được 3 giải, ở các môn thể thao: Cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, bóng đá, bóng bàn, quần vợt… và 25% kinh phí tổ chức giải được huy  động từ nguồn xã hội hóa. Cấp tỉnh 6 giải/năm, huy động các tổ chức xã hội tài trợ được 40% kinh phí.

Việc triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại’ đã thu hút nhiều thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tham gia. Sở VHTTDL và Đoàn thanh niên, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều giải thi đấu cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố và cơ sở như Hội khỏe Phù đổng cấp huyện, cấp tỉnh; các giải thể thao học sinh các cấp… Trong những năm qua, các nhà Văn hóa, Câu lạc bộ TDTT luôn là những điểm quy tụ đông đảo thanh thiếu niên, nhi đồng đến sinh hoạt, tổ chức được các đội tuyển tham dự các giải thể thao phong trào của tỉnh và toàn quốc. Thanh thiếu niên luôn là lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động TDTT phục vụ các ngày lễ, tết, các kỳ Đại hội TDTT và các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Sở VHTTDL đã ký liên tịch với Hội nông dân, Ban dân tộc tỉnh về kế hoạch phát triển TDTT… đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong trong các đối tượng nông dân, nông thôn, miền núi. Các hình thức hoạt động như: Câu lạc bộ TDTT, điểm tập luyện, cụm văn hóa – thể thao hoạt động theo phương thức tự quản, có tổ chức, có sự hướng dẫn…đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển.

Hàng năm, các địa phương và Sở đã tổ chức gần 20 giải thi đấu; cấp huyện, thành phố: 18 giải/ năm, huy động các tổ chức xã hội tài trợ được 40% kinh phí tổ chức giải; cấp tỉnh 1 giải/ năm, huy động các tổ chức xã hội tài trợ được 20% kinh phí tổ chức). Các hoạt động thi đấu, biểu diễn các môn thể thao: Bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, vật, võ…các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được tổ chức gắn với các ngày lễ, ngày tết, ngày truyền thống của địa phương được duy trì hàng năm.

Cùng với đó, phong trào TDTT của người cao tuổi phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Một số môn thể thao được người cao tuổi yêu thích tập luyện là: Thể dục dưỡng sinh, đi bộ, cầu lông, bóng bàn, cờ tướng, bóng chuyền. Hàng năm, ở cấp cơ sở tổ chức 2 giải/đơn vị/năm huy động các tổ chức xã hội tài trợ kinh phí tổ chức giải; cấp tỉnh 1 giải/ năm huy động các tổ chức xã hội tài trợ được 35% kinh phí tổ chức giải.

Tỉnh luôn quan tâm đến hoạt động TDTT của người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thông qua hoạt động TDTT nhằm khuyến khích và động viên những người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vượt qua mặc cảm vươn lên hòa nhập cùng cộng đồng.

Công tác phát triển, bảo tồn các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian luôn được đặc biệt quan tâm nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc, làm phong phú hơn đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và góp phần phát triển du lịch của tỉnh. Hàng năm, tại các lễ hội truyền thống của các địa phương, nhiều môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được tổ chức tại các lễ hội của huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lạng Giang với các môn: Võ cổ truyền, Đua thuyền, Vật Đẩy gậy, Bắn nỏ, Kéo co… Bên cạnh đó, còn có các trò chơi dân gian như: Đánh đu, chọi gà, ném còn, bắt vịt, bịt mắt, đập niêu, kéo co, đi cầu kiều, nhảy bao bố, thổi cơm thi, chọi chim, bịt mắt bắt dê…

Công tác rèn luyện TDTT trong lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đi vào nề nếp và được kiểm tra thường xuyên theo định kỳ hàng năm. Kết quả kiểm tra hàng năm, 100% cán bộ chiến sĩ quân đội, công an, bộ đội biên phòng đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khỏe. Hàng năm, cấp tỉnh tổ chức 1 giải/năm: cấp đơn vị cơ sở tổ chức 2 giải/đơn vị/ năm đã thu hút nhiều các đơn vị, chiến sĩ tham gia. Cơ sở vật chất cho các hoạt động TDTT của lực lượng vũ trang ngày càng được tăng cường như: Quân đoàn 2 có 01 bể bơi, 01 nhà tập luyện cầu lông và nhiều sân thể thao khác.

Với những kết quả đạt được, Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 37-38% dân số tập luyện thể thao thường xuyên, 24-25% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao, duy trì 100% cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang tập luyện TDTT thường xuyên. Đến năm 2030, có 40% dân số tập luyện thể thao thường xuyên, 26-28% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao, duy trì 100% cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang tập luyện TDTT thường xuyên.

Đến năm 2025, 100% số xã hoặc cụm xã, có Trung tâm thể thao xã; 90% số thôn hoặc cụm thôn có Khu thể thao thôn. Tiếp tục thực hiện xoá mù bơi trong trường học. Xây dựng khu liên hợp thể thao của tỉnh, bao gồm sân vận động mới. Và có 45-55 VĐV đạt cấp I, kiện tướng trở lên; 40-45 VĐV đạt cấp kiện tướng; Đại hội Thể thao toàn quốc giành 250-300 huy chương các loại, duy trì nằm trong 10 tỉnh đứng đầu toàn quốc. Đến năm 2030: Có 50-70 VĐV đạt cấp I, kiện tướng trở lên; giành 450-500 huy chương các loại.

Để đạt những mục tiêu trên, ở khu vực nông thôn, hàng năm cấp tỉnh và cấp huyện đều tổ chức các Hội thao nông dân ở các môn: Bóng đá, bóng chuyền,…Phấn đấu huy động 30% kinh phí xã hội hoá. Khuyến khích phát triển thể thao giải trí, các hình thức TDTT gắn với khu du lịch, lễ hội truyền thống của địa phương. Khuyến khích thành lập các CLB TDTT, mở thêm các cơ sở dịch vụ tập luyện TDTT. Xây dựng thiết chế Văn hoá - Thể thao ở xã, phường, thị trấn...

Đối với nhân dân thành thị, tập trung phát triển các môn như Bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, bóng bàn, cầu lông, việt dã, bóng ném và các nội dung thể thao giải trí mới. Khuyến khích phát triển các điểm thể thao giải trí, các hình thức lễ hội gắn với khu du lịch của thành phố. Thành lập thêm các câu lạc bộ TDTT; mở thêm các cơ sở dịch vụ tập luyện TDTT (dịch vụ công, tư nhân…); Cải tiến hệ thống thi đấu thể thao; Mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT; duy trì số lượng và nâng cao chất lượng cán bộ TDTT cấp huyện, thành phố.

Phối hợp với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để mở rộng phong trào “Thanh niên khoẻ”, “Khoẻ để lập nghiệp và giữ nước”, triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Phát triển các giải thể thao truyền thống như: Chạy việt dã, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá thanh thiếu niên, phát triển thể thao du lịch, trải nghiệm, thể thao giải trí... Phấn đấu xoá mù bơi, phòng chóng đuối nước trong thanh thiếu niên

KC

Ảnh trong bài
  • Bắc Giang đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng đến năm 2030