You must configure this module first via "Module Settings"

Bình Định xây dựng Đề án phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2026 và định hướng đến năm 2030

Để phát triển thể thao thành tích cao một cách toàn diện, đáp ứng các yêu cầu trong giai đoạn mới, tỉnh Bình Định đã ban hành Đề án “Phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Bình Định đến năm 2026 và định hướng đến năm 2030”.

Đề án ra đời đã tạo nên điểm nhấn, cú hích thể hiện sự quyết tâm của các cấp chính quyền tỉnh Bình Định hướng đến phát triển một nền thể thao ngày càng chuyên nghiệp, đi vào chiều sâu. Với lộ trình hợp lý, hiệu quả, khai thác tối đa mọi nguồn lực xã hội, Đề án còn là cơ sở pháp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút, đào tạo tài năng thể thao trong toàn tỉnh.

Để cụ thể hóa các mục tiêu mà Đề án đặt ra, trong thời gian tới tỉnh Bình Định xác định tập trung đầu tư vào những môn thể thao mũi nhọn, trọng điểm, tiềm năng có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là các môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic, Asiad, SEA Games, Đại hội Thể thao toàn quốc. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống đào tạo VĐV một cách khoa học, chuyên nghiệp, phù hợp với đặc điểm thể chất con người Bình Định và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, tập trung đầu tư VĐV ưu tú thi đấu giành thành tích cao tại các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc, tham gia các đội tuyển quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, Bình Định nằm trong top 20 tỉnh, thành, ngành có phong trào TDTT mạnh trong cả nước.

Cụ thể, giai đoạn 2022 đến năm 2026 số lượng VĐV chuyên nghiệp là 410, số lượng HLV chuyên nghiệp là 49. Về thành tích, tham gia các giải quốc gia hàng năm phấn đấu đạt từ 300 - 320 huy chương các loại (trong đó tại các giải vô địch, cúp, trẻ quốc gia phấn đấu đạt từ 120-140 huy chương). Số VĐV đẳng cấp kiện tướng đạt 35 - 40 VĐV/năm, VĐV cấp 1 đạt 40 - 45 VĐV/năm và VĐV cấp 2 đạt: 40- 45 VĐV/năm. Tỷ lệ tăng số huy chương và VĐV được phong cấp từ 2 - 4%/năm (trừ những năm tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc).

Tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, Bình Định phấn đấu đạt từ 07 - 08 HCV, xếp thứ hạng từ 23- 22/65 tỉnh, thành, ngành. Đại hội lần thứ X - năm 2026, phấn đấu đạt từ 09 - 10 HCV, xếp thứ hạng từ 22-21/65 tỉnh, thành, ngành. Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) năm 2023 phấn đấu có từ 03 - 04 VĐV, 02 HLV tập trung đội tuyển quốc gia, đạt 02 - 03 huy chương; SEA Games năm 2025 có 04 - 05 VĐV, 02 HLV tập trung đội tuyển quốc gia đạt từ 03 - 04 Huy chương. Đại hội thể thao châu Á (Asiad) năm 2026: có ít nhất 01 VĐV được tập trung đội tuyển Quốc gia.

Ở giai đoạn tiếp theo từ 2027 – 2030, Bình Định phấn đấu có 445 VĐV và 54 HLV chuyên nghiệp. Tham gia các giải quốc gia hàng năm phấn đấu đạt từ 350 - 370 huy chương các loại (trong đó tại giải vô địch, cúp, trẻ quốc gia đạt từ 140 - 160 huy chương). Số VĐV đẳng cấp kiện tướng hàng năm đạt 40 - 45 VĐV/năm, số VĐV cấp 1 đạt 45 - 50 VĐV/năm và số VĐV cấp 2 đạt: 45 - 50 VĐV/năm. Tỷ lệ tăng số huy chương và số VĐV được phong cấp hàng năm từ là 2 -4%/năm (trừ những năm tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc).

Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ XI, đoàn thể thao Bình Định phấn đấu đạt từ 11 - 12 HCV, xếp thứ hạng 21 -20/65 tỉnh, thành, ngành. SEA Games năm 2027, phấn đấu có từ 05 - 06 VĐV tham dự và đạt 04 - 05 huy chương. SEA Games năm 2029, phấn đấu có 06 - 07 VĐV tham dự và giành 05 - 06 huy chương các loại. Đại hội Thể thao cấp châu lục (Asiad) năm 2030, mục tiêu tỉnh Bình Định đặt ra là có ít nhất 02 - 03 VĐV tham gia đội tuyển quốc gia, đạt 01 Huy chương.

Để thực hiện được các mục tiêu như đã đề ra, tỉnh Bình Định tập trung vào bám sát triển khai các giải pháp phù hợp.

Cụ thể, tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về TDTT, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân đối với TDTT nói chung, thể thao thành tích cao nói riêng. Xây dựng các chương trình phối hợp, liên kết với các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh; các tỉnh, thành, ngành trong công tác tuyển chọn, tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển thể thao thành tích cao.

Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển thể thao thành tích cao hiện đang có hiệu lực thi hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, ưu tiên và tập trung đầu tư cho các môn có thế mạnh và tiềm năng, các môn trong chương trình thi đấu các giải quốc gia, quốc tế, bảo đảm tương ứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo HLV, VĐV theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, tập luyện, thi đấu bảo đảm chất lượng, hiệu quả bền vững. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, y học, chăm sóc dinh dưỡng cho VĐV thành tích cao.

Mở rộng mối quan hệ với các địa phương, các trung tâm thể thao quốc gia để tranh thủ sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, công tác tuyển chọn, đào tạo HLV, VĐV, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực thể thao thành tích cao. Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế để phát triển các môn thể thao phù hợp với tố chất của con người Việt Nam.

N.H