You must configure this module first via "Module Settings"

Ngành VHTTDL Đồng Tháp đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao đến năm 2030

Theo đó, đến năm 2030, ngành VHTTDL Đông Tháp đặt mục tiêu hoàn thiện, củng cố, phát triển đồng bộ và khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện và cơ sở. Cùng với đó nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa tinh thần, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân; tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp “nghĩa tình, năng động, sáng tạo”.

Những kết quả đạt được

Trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được củng cố phát triển đồng bộ, khai thác có hiệu quả đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT được tổ chức đa dạng, phong phú góp phần phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh, góp phần  xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hiện, tỉnh Đồng Tháp có 12 Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh cấp huyện. Khu liên hợp TDTT tại các huyện, thành phố hiện có 08 sân bóng đá 11 người, 9 nhà thi đấu, 13 nhà tập và các phòng tập, sân tập... được sử dụng cho người dân sinh hoạt thể thao rèn luyện sức khỏe và tổ chức các hoạt động thể thao của địa phương. Khu liên hợp TDTT cấp huyện từng bước được quy hoạch theo đúng chuẩn gồm: 01 sân vận động; 01 nhà thi đấu; 01 hồ bơi và một số phòng tập, sân thể thao ngoài trời (tập luyện các môn bóng chuyền, cầu lông, võ thuật, thể dục dưỡng sinh….).

Hàng năm,Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, TDT thông tin, triển lãm…phục vụ nhân dân dịp mừng Đảng - mừng Xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh và địa phương. Bình quân hàng năm tổ chức khoảng 400 cuộc thi đấu, giao lưu thể thao, thu hút khoảng 80.000 lượt VĐV tham gia; 80 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn cấp huyện góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.

Những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều tập trung thực hiện sửa chữa, đầu tư nâng cấp sân bóng đá, nhà tập và sân bãi thể thao kết hợp chặt chẽ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Lập kế hoạch đầu tư nâng cấp theo hướng Tổ hợp công trình thể thao gồm: sân bóng đá 11 người, nhà thi đấu, hồ bơi và một số phòng tập, sân thể thao ngoài trời tập luyện các môn bóng chuyền, cầu lông, võ thuật, thể dục dưỡng sinh, …một số địa phương chưa có sân bóng đá 11 người, thực hiện quy hoạch đất và huy động nguồn lực đầu tư Tổ hợp công trình thể thao nhiều môn là thế mạnh của địa phương, phù hợp định hướng phát triển thể thao của tỉnh.

Toàn tỉnh có 103/115 xã có TTVH-HTCĐ được xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ VHTTDL (trong đó 97 TTVH-HTCĐ xây dựng mới, 06 TTVH-HTCĐ cải tạo nâng cấp), 11 TTVH-HTCĐ sử dụng chung Hội trường UBND xã để hoạt động, 01 sử dụng chung với TTVH-TT huyện. TTVH-HTCĐ xã thời gian qua đã góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, TDTT quần chúng; bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ làm nòng cốt cho phong trào ở cơ sở;

100% ấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đều có Nhà Văn hóa khu thể thao; trong đó: 409/572  ấp có Nhà Văn hóa ấp, liên ấp đạt chuẩn theo quy định, tỷ lệ 71,5%.

Cấp tỉnh hiện có 27 sân bóng đá 11 người, 57 sân bóng đá 5-7 người, 275 sân bóng chuyền, 25 hồ bơi cố định vừa và nhỏ, cùng nhiều điểm tập ở các khu công viên, sân cơ quan, trường học... được sử dụng cho người dân tập thể dục, chơi thể thao rèn luyện sức khỏe.

Mục tiêu hướng đến

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao trên toàn địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2022 – 2025, mục tiêu ở cấp huyện sẽ có 12/12 huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh. Đối với cấp xã, phấn đấu 95% số xã có Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng (TTVH-HTCĐ) được xây dựng mới hoặc nâng cấp đạt chuẩn và cấp ấp phấn đấu 82% ấp có Nhà văn hóa ấp, liên ấp được xây dựng mới hoặc nâng cấp đạt chuẩn.

Định hướng đến năm 2030,  cấp xã phấn đấu 100% số xã có TTVH-HTCĐ xã được xây dựng mới hoặc nâng cấp đạt chuẩn. Ở cấp ấp, phấn đấu 100% ấp có Nhà văn hóa ấp, liên ấp được xây dựng mới hoặc nâng cấp đạt chuẩn.

Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế,ngành VHTTDL tỉnh Đồng Tháp cũng đẩy mạnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút người dân tham gia sinh hoạt.  Trong đó, cấp huyện sẽ chú trọng đưa các hoạt động văn hóa, thể thao cấp huyện về tổ chức tại xã, phường, thị trấn tạo điều kiện cho người dân tham gia sinh hoạt, vui chơi giải trí...

Ở cấp xã tập trung tổ chức các hoạt động thu hút 30% trở lên/tổng số dân đến sinh hoạt thường xuyên, trong đó đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em. Đối với cấp ấp sẽ tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT thu hút 50% trở lên/tổng số dân đến sinh hoạt thường xuyên, trong đó đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em.

Nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện

Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, từ 2022-2030, ngành VHTTDL tỉnh Đồng Tháp đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, trong đó sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở: đầu tư cơ sở vật chất và bố trí nguồn nhân lực, kinh phí phù hợp (tập trung các địa phương khu vực nông thôn, biên giới); đào tạo, tập huấn cán bộ; tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, sinh hoạt cộng đồng...

Đổi mới nội dung, chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu hưởng thụ của người dân (về thông tin; đọc sách báo; giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm; xây dựng nếp sống văn hóa, kỹ năng sản xuất, học tập cộng đồng...). Tổ chức nhiều loại hình hoạt động văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng: các liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng, hội thi các môn thể thao, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc tạo điều kiện để người dân nông thôn tham gia hoạt động sáng tạo, bảo tồn và truyền dạy các loại hình văn nghệ, môn thể thao, trò chơi dân gian truyền thống. Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất kịp thời phát hiện các vấn đề mới phát sinh cần xử lý.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đạt hiệu quả. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu phù hợp với điều kiện, tập quán của từng địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, vị trí, lợi ích của việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đối với đời sống văn hóa công đồng và phát triển kinh tế - xã hội.

Có chế độ ưu đãi, đào tạo hạt nhân năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, trong đó ưu tiên đối tượng là các nghệ nhân dân gian. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 347/QĐ-UBND.HC ngày 24/4/2012 của UBND Tỉnh ban hành Đề án thành lập TTVH-HTCĐ cấp xã; Quyết định số 350/QĐ-UBND.HC ngày 26/4/2012 của UBND Tỉnh ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của TTVH-HTCĐ cấp xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

KC

Ảnh trong bài
  • Ngành VHTTDL Đồng Tháp đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao đến năm 2030