Những kết quả đạt được
Phong trào TDTT quần chúng phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phong phú góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình “xây dựng nông thôn mới” được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng, góp phần nâng cao sức khoẻ, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh ở cơ sở. Công tác tổ chức "Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân" và tuyên truyền tập luyện môn bơi, phòng chống đuối nước được tổ chức hàng năm...
Các hoạt động TDTT được tổ chức thường xuyên gắn với các ngày lễ, ngày hội, các sự kiện quan trọng của các ngành, địa phương và đất nước. Các trò chơi dân gian như: kéo co, tung còn, đẩy gậy… được quan tâm khuyến khích đưa vào các lễ hội, các hoạt động văn hóa ở địa phương và được nhân dân tích cực hưởng ứng. Đến nay, toàn tỉnh có số người tập luyện TDTT thường xuyên là 29 %, số gia đình thể thao đạt 19%, có trên 100 câu lạc bộ thể thao .
Hoạt động TDTT trong cán bộ, công nhân viên chức và người lao động được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong 5 năm (0215-2020) cấp công đoàn tổ chức hơn 330 giải thi đấu với hơn 27.680 lượt người tham gia hoạt động TDTT. Hoạt động TDTT cho người cao tuổi phát triển mạnh mẽ, toàn tỉnh đã thành lập được trên 112 câu lạc bộ người cao tuổi với nhiều loại hình, thu hút được trên 3.000 người tham gia và thường xuyên duy trì, luyện tập; Số câu lạc bộ Liên thế hệ giúp nhau có 05 câu lạc bộ với 315 người tham gia; phong trào TDTT cho người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng luôn được quan tâm góp phần thực hiện tốt các chính sách xã hội.
Hoạt động TDTT trường học đã thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất theo quy định. Nhiều trường tổ chức hoạt động TDTT ngoại khóa trong đó, có nhiều đơn vị trường tổ chức tốt như: Trường THPT Chuyên, THPT Thành phố, PTDT Nội trú Tỉnh... Chương trình Giáo dục thể chất kết hợp với giáo dục quốc phòng, y tế học đường và dinh dưỡng học đường ngày càng được quan tâm, đầu tư và phát triển, các hoạt động dần đi vào nền nếp, tăng cường các phẩm chất thể lực cho học sinh, sinh viên đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện. Đẩy mạnh và mở rộng các lớp năng khiếu thể thao, đào tạo bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh.
Hoạt động TDTT dành cho người cao tuổi luôn được quan tâm phát triển (Ảnh: B. Ngân)
Lực lượng vũ trang của tỉnh đã thực hiện tốt Cuộc vận động“Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với nhiều hình thức đa dạng, chất lượng phong trào từng bước được nâng lên. Kết quả xây dựng môi trường văn hóa ở đơn vị cơ sở tiếp tục được mở rộng, thu hút được đông đảo cán bộ, chiến sỹ tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ quan, đơn vị. Tỷ lệ trung bình về số quân nhân tham gia tập luyện thường xuyên so với quân số biên chế tại các đơn vị đạt 95%. Các môn thể thao phong trào được chú trọng phát triển như: Bóng đá, Cầu lông, Bóng chuyền, Bóng bàn, Quần vợt,... góp phần nâng cao sức khỏe, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ chiến sĩ.
Thể thao thành tích cao của tỉnh được quan tâm đầu tư, chất lượng từng bước được phát triển về chỉ tiêu và số VĐV được đào tạo tập trung; Hằng năm thực hiện tốt công tác tuyển chọn lực lượng VĐV các môn thể thao có thế mạnh của tỉnh, tham dự một số giải thể thao khu vực, toàn quốc. Đặc biệt tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, đoàn VĐV tỉnh Cao Bằng đạt 04 huy chương các loại (01 HCB, 03 HCĐ), xếp thứ 13/19 đoàn các tỉnh miền núi tham gia; được Bộ VHTTDL tặng Bằng khen đơn vị tổ chức tốt Đại hội thể dục thể thao. Từ năm 2016 đến 2019, tham gia thi đấu 60 giải khu vực, toàn quốc, đạt 244 huy chương (64 HCV, 80 HCB, 100 HCĐ). Đặc biệt có 03 VĐV cấp Kiện tướng, 55 lượt VĐV đạt đẳng cấp I quốc gia.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở TDTT trong tỉnh được quan tâm tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện, nguồn lực thực tế của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 7 sân vận động có khán đài, 16 nhà tập luyện và thi đấu thể thao đa năng, 8 nhà tập luyện và thi đấu thể thao đơn môn, 31 sân bóng đá mini, 382 sân bóng chuyền, 40 sân bóng rổ, 158 sân cầu lông, 26 sân quần vợt và rất nhiều loại hình sân tập khác... Hệ thống cơ sở vật chất TDTT của tỉnh cơ bản đáp ứng công tác huấn luyện VĐV và nhu cầu tập luyện của người dân, đảm bảo điều kiện tổ chức các hoạt động TDTT ở địa phương.
Cùng với đó, ngành VHTTDL Cao Bằng thường xuyên soát, sắp sếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên làm công tác TDTT. Sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ thể thao có tâm huyết, có trình độ chuyên môn cao vào các vị trí chủ chốt tại các đơn vị quản lý, đào tạo thể thao thành tích cao đáp ứng nhiệm vụ công tác xây dựng đề án, chiến lược, công tác huấn luyện và tổ chức thi đấu, từng bước hội nhập với thể thao thành tích cao của cả nước. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ TDTT được quan tâm triển khai đồng bộ gắn với chương trình cải cách hành chính bước đầu đã thu được một số kết quả, nhất là trong công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV thành tích cao, công tác tổ chức thi đấu, công tác đánh giá, dự báo...
Giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển TDTT
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển TDTT, Cao Bằng đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác TDTT đặc biệt là thể thao ở cơ sở.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ vị trí, vai trò, tác dụng của TDTT, đồng thời xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực TDTT, gắn nhiệm vụ phát triển TDTT với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các ngành, các cấp.
Làm tốt công tác tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp liên ngành, thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tạo sức mạnh tổng hợp trên các lĩnh vực hoạt động để phát huy vai trò các nguồn lực và khả năng sáng tạo to lớn của nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ TDTT để xác định các điển hình tiên tiến, nắm bắt kịp thời những mặt mạnh, yếu, những việc chưa làm được từ đó đề ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả hơn.
Tập trung công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trọng tài, VĐV, huấn luyện viên và cán bộ làm công tác thể thao, đồng thời thường xuyên rà soát và xây dựng quy hoạch TDTT ở địa phương. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT, phát triển các tổ chức xã hội TDTT, đầu tư cơ sở vật chất, các hình thức dịch vụ hoạt động TDTT đáp ứng nhu cầu cho người tập. Đa dạng hình thức, hợp tác khai thác các nguồn lợi đầu tư sự nghiệp TDTT từ các tổ chức, các cá nhân. Nâng cao và phát huy hoạt động của các Liên đoàn thể thao của tỉnh. Xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ giữa cơ quan quản lý nhà nước với Liên đoàn thể thao cấp tỉnh. Tiếp tục tiến hành thành lập thêm các Liên đoàn thể thao khi có đủ điều kiện..
KC