Nhằm đưa phong trào TDTT phát triển, hàng năm huyện đã xây dựng kế hoạch, phát động các phong trào, triển khai nhiều bộ môn thể thao phù hợp với từng điều kiện, lứa tuổi để mọi người dân đều có thể tham gia các hoạt động TDTT, rèn luyện sức khỏe theo sở thích, nhu cầu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về vai trò, tác dụng của việc tập luyện TDTT qua đó vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động TDTT.
Bên cạnh đó, UNND huyện cũng giao phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia luyện tập, thi đấu TDTT, thông qua các hội thao, Hội thi thể thao, Hội thi văn nghệ thể thao từ huyện đến cơ sở. Hàng năm, vào dịp lễ tết, huyện vận động các xã, các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động thi đấu, giao lưu TDTT lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ…
Trung bình, mỗi năm huyện duy trì tổ chức từ 5-7 gải thi đấu thể thao, 10-12 giải thể thao cấp xã. Ngoài ra, còn có hàng chục giải văn nghệ, thể thao giữa các cơ quan, đơn vị, các CLB TDTT… Các môn thể thao hiện đại như Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông,… được duy trì tổ chức thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiều môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian cũng được huyện chú trọng, duy trì tổ chức nhằm bảo tồn và phát triển như: Đấu vật, Kéo co, Đánh đu, Đánh đáo...Việc tổ chức và duy trì đều đặn hệ thống các giải thi đấu từ cấp cơ sở đến cấp huyện đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng của hoạt động TDTT, đồng thời tạo không khí sôi nổi trong nhân dân.
Hàng năm, nhiều CLB TDTT ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện được thành lập và hoạt động hiệu quả
Trong năm 2020, 2021, dịch Covid bùng phát, nhiều hoạt động thi đấu thể thao bị ảnh hưởng, nhưng công tác TDTT của huyện vẫn đảm bảo được duy trì bằng những nội dung, hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn. Một trong những hoạt động nổi bật trong công tác TDTT của huyện trong năm qua đó là việc tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp huyện cả về quy mô và nội dung thi đấu.
Đại hội có sự tham gia của 33 đoàn và gần 1.300 VĐV đến từ các cơ quan, đơn vị thuộc Huyện ủy, UBND huyện; 28 xã, thị trấn trên toàn huyện. Trước đó, 100% xã, phường tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp cơ sở và nhận được sự tham gia của đông đảo người dân. Các môn thi đấu tại Đại hội TDTT các cấp cũng chính là những môn thể thao thế mạnh của địa phương, được người dân yêu thích tập luyện.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, huyện đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở. Năm 2021, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 trên địa bàn. Các thiết chế văn hóa (trung tâm văn hóa - thể thao xã và nhà văn hóa thôn) còn thiếu về diện tích đều được quy hoạch đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Xây dựng và tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Trong năm, toàn huyện có 9 nhà văn hóa thôn được xây mới với ngân sách hỗ trợ 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị TDTT ngoài trời cho trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã và khu thể thao các thôn, tổ dân phố, UBND huyện đã chỉ đạo lắp đặt dụng cụ TDTT tại 7 trung tâm văn hóa - thể thao xã, 64 nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí gần 11,7 tỷ đồng.
Để thúc đẩy các hoạt động TDTT, ngoài nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, huyện đã tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa bằng những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực TDTT. Chính vì vậy, nhiều công trình phục vụ cho việc tập luyện của người dân như sân bóng cỏ nhân tạo, bể bơi thông minh, phòng tập Gym, Yoga... được nhiều doanh nghiệp đầu tư, xây dựng. Sự chung tay của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng các sân chơi, bãi tập đã góp phần đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của người dân.
Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có 1 trung tâm hội nghị văn hóa - thể thao huyện với nhiều công trình TDTT hiện đại như Sân vận động, Nhà tập đa năng, sân quần vợt....; 28 trung tâm văn hóa - thể thao xã (đều có sân tập thể thao), 178 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có nhà tập luyện TDTT đa năng với quy mô, diện tích, công năng sử dụng đạt tiêu chuẩn; các thôn, tổ dân phố đều có sân bóng chuyền, sân thể thao đơn giản…
Các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của người dân và được sử dụng đúng công năng, mục đích, từ đó, thúc đẩy phong trào TDTT trong quần chúng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Một trong những điểm nhấn trong phong trào TDTT của huyện Vĩnh Tường chính là sự hình thành và phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng của các CLB TDTT. Các CLB thành lập trên tinh thần tự nguyện, tự chủ về nguồn tài chính đã góp phần thu hút người dân tham gia luyện tập thường xuyên; đồng thời, gây dựng phong trào TDTT ở cơ sở, huy động nguồn lực từ nhân dân trong việc phát triển hoạt động TDTT. Tính đến nay, toàn huyện có 334 CLB văn hóa - văn nghệ, TDTT với gần 14.000 hội viên, thành viên tham gia; trong đó có 15 CLB cấp huyện, 228 CLB cấp xã, 91 CLB thuộc khối giáo dục. Các CLB, các đội nhóm TDTT hoạt động thường xuyên và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện với tinh thần tự giác, tự đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các CLB.
Chia sẻ về những lợi ích của việc luyện tập TDTT thường xuyên, Cô Vũ Thị Kim Thanh, thành viên CLB bóng chuyền hơi của xã Lý Nhân cho biết: “Vào các buổi chiều hàng ngày, tôi cũng cùng các thành viên trong CLB đều ra sân nhà văn hóa xã để tập luyện bóng chuyền hơi. Chúng tôi duy trì CLB đã được 3 năm nay và số hội viên tăng lên hàng năm. Đây không chỉ là nơi để chúng tôi tập luyện TDTT, rèn luyện sức khỏe mà còn giúp tôi có cơ hội được giao lưu, chia sẻ với nhau nhiều điều về cuộc sống.Các buổi luyện tập, giao lưu thể thao cũng góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó xóm làng…”.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, đặc biệt là nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển TDTT đã được triển khai thực hiện hiệu quả nên phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn huyện Vĩnh Tường ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Đến nay, toàn huyện có hơn 65% hộ gia đình luyện tập TDTT, tỷ lệ người dân thường xuyên luyện tập TDTT đạt hơn 45%. Phong trào TDTT quần chúng đã góp phần tăng cường thể lực, nâng cao sức khỏe và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn. Đóng góp vào sự phát triển của phong trào TDTT của huyện phải kể đến một số xã, thị trấn như: Tam Phúc, Thổ Tang, Tứ Trưng, Thượng Trưng, An Tường, Bình Dương, Lý Nhân...
Để phong trào TDTT tiếp tục lan tỏa rộng khắp, thời gian tới huyện Vĩnh Tường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng nông thôn mới; chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng VĐV có năng khiếu; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển phong trào TDTT, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe người dân.
Mặt khác, huyện Vĩnh Tường tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa - thể thao; triển khai hiệu quả Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị TDTT ngoài trời cho trung tâm văn hóa - thể thao các xã, thị trấn và khu thể thao ở các thôn, tổ dân phố. Đồng thời, tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân về vai trò, tác dụng của tập luyện TDTT; Nâng cao chất lượng các giải thi đấu thể thao, phát hiện và kịp thời bồi dưỡng những gương mặt VĐV xuất sắc bổ sung vào các đội tuyển của huyện, tham gia các giải thể thao do tỉnh tổ chức.
Bài, ảnh VD