You must configure this module first via "Module Settings"

Công tác CCHC của Sở VHTTDL Bình Dương giai đoạn 2021-2025 tập trung vào 7 nội dung

Trong những năm qua, việc triển khai công tác CCHC của Sở VHTTDL Bình Dương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh ngày càng phát triển. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2021-2025 công tác CCHC của Sở tập trung vào 7 nội dung, bao gồm: công tác chỉ đạo, điều hành; thể chế; thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy; chế độ công vụ; tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt do Giám đốc Sở chịu trách nhiệm trực tiếp; trong đó trưởng phòng và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm tham mưu. Giai đoạn 2021-2025, Sở đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện điểm số và nâng cao thứ hạng, trong đó tập trung các giải pháp nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch hành chính. Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục tăng cường các giải pháp bồi dưỡng, đào tạo công chức, viên chức; Theo dõi, giám sát quá trình giải quyết TTHC, kịp thời chấn chỉnh những hành vi, thái độ chưa chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời xử lý nghiêm minh những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, thực hiện sai quy định của pháp luật.

Sở cũng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống VBQPPL của ngành phù hợp, khả thi với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; Tổ chức thi  hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nghiêm minh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật; Rà soát VBQPPL kiến nghị sửa đổi bổ sung.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành VHTTDL Bình Dương hướng tới đó là cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các TTHC, liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC; Tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đến năm 2025, số hóa 100% kết quả giải quyết TTHC đủ điều kiện đang còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.100% TTHC được công bố công khai và cập nhật kịp thời và có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến. Đặc biệt từ ngày 1/1/2022, 100% TTHC đủ điều kiện áp dụng và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ giám sát  thực hiện giải quyết TTHC; nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan đạt tối thiểu 95% vào năm 2025.

Cùng với cải cách TTHC, Sở tập trung cải cách tổ chức, bộ máy.  Theo đó, nhiệm vụ đặt ra là hoàn thành việc bố trí, sắp xếp, kiện toàn số lượng cấp phó của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở theo đúng quy định tại Nghị định 107/2000/NĐ-CP ngày 14/9/2000 của Chính phủ và Nghị định 102/2000/NĐ-CP ngày 07/10/2000 của Chính phủ. Điều chỉnh, bổ sung và xây dựng Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức và hạng chức danh nghề nghiệp viên chức gửi Sở nội vụ thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Thực hiện tốt các quy định về phân cấp trong phạm vi quy định, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực hoạt động của cơ quan. Triển khai các biện pháp đổi mới, cải tiến phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

Để công tác CCHC của Sở đạt kết quả theo kế hoạch đặt ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Thông qua việc thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút những người thực sự có đủ tài, đức vào làm việc.

Hàng năm, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ viên chức phù hợp với cơ cấu vị trí việc làm. Khuyến khích công chức, viên chức tự học tập nâng cao trình độ và năng lực. Rà soát chọn cử công chức, viên chức dự thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức. Thực hiện nghiêm túc các quy định về sử dụng, quản lý công chức, viên chức. 100% công chức đáp ứng tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; 100% công chức đạt trình độ chuyên môn theo vị trí việc làm; cơ bản hoàn thành việc chuẩn hóa trình độ chuyên môn theo vị trí việc làm đối với viên chức.

Song song với các nhiệm vụ trên, Sở tiếp tục tăng cường công tác quản lý ngân sách nhà nước; nâng cao hiệu quả phân bố và sử dung các nguồn lực tài chính; đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; tăng mức tự chủ tại một số đơn vị sự nghiệp công lập, giảm chi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. 04 đơn vị sự nghiệp công lập được nhà nước đảm bảo chi thường xuyên 100% và 01 đơn vị sự nghiệp công lập được đảm bảo chi 1 phần chi thường xuyên.

Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số cũng là một nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Sở tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân.

Đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc được quan tâm chú trọng với mục tiêu: 100% hồ sơ công việc của cơ quan được giải quyết trên môi trường mạng. Áp dụng 100% văn bản phát hành, trao đổi giữa Sở và các cơ quan được thực hiện dưới dạng điện tử; được ký bởi chữ ký chuyên dùng (trừ văn bản thuộc phạm vi mật). 90% báo cáo định kỳ của cơ quan được thực hiện thông qua hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh phục vụ hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành. 100% dịch vụ công mức độ 4 của Sở được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

100% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền. Tham gia xử lý 100% vấn đề người dân, doanh nghiệp phản ánh qua tổng đài 1022 của tỉnh và Bộ phận kiểm soát TTHC của Văn phòng UBND tỉnh đúng thời gian quy định. Xây dựng danh mục tài nguyên thông tin dữ liệu và thực hiện chia sẻ thông tin. Đẩy mạnh số hóa dữ liệu và kết quả giải quyết TTHC. Triển khai có hiệu quả các đề án, dự án, kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt liên quan đến chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh Bình Dương trên các lĩnh vực hoạt động của ngành.

Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, Sở cũng đặt ra những giải pháp cụ thể cho từng nhiệm vụ. Theo đó, hàng năm bên cạnh kế hoạch công tác CCHC, Sở tăng cường công tác kiểm tra hành chính, giám sát, ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch kiểm tra CCHC, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các nhiệm vụ CCHC dưới nhiều hình thức; Họp Ban giám đốc và các phòng chuyên môn định kỳ 6 tháng để đánh giá các nhiệm vụ theo kế hoạch; khuyến khích công chức, viên chức đổi mới, sáng tạo trong công việc, có hình thức khen thưởng đột suất với công tác tham mưu đạt hiệu quả.

Tiếp tục triển khai Luật ban hành VBQPPL năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật banh hành VBQPPL năm 2020; thực hiện chất lượng, hiệu quả kỳ hệ thống hoá VBQPPL của HĐND tỉnh, UBND tỉnh trong lĩnh vực của ngành; định hướng và xây dựng kế hoạch rà soát văn bản, theo dõi thi hành pháp luật hàng năm.

Đặc biệt đối với cải cách TTHC, Sở tập trung tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ Giám sát thực hiện giải quyết TTHC nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan đạt tối thiểu 95% vào năm 2025. Thường xuyên rà soát các TTHC mới; sửa đổi bổ sung và bãi bỏ để tham mưu chủ tịch UBND tỉnh công bố, trên cơ sở đó chủ động xây dựng các quy trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2015 trong hoạt động của Sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để tổ chức, cá nhân khi đến thực hiện TTHC thường xuyên thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, góp phần hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp. Đẩy mạnh việc nghiên cứu các sáng kiến ứng dụng mới đáp ứng phù hợp với triển khai, tiếp nhận 100% TTHC mức độ 4.

VD