Báo cáo nêu rõ: Với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang tất cả các đối tác CPTPP năm 2019 đạt tăng trưởng trung bình 7,2% (8,1% nếu chỉ tính các đối tác đã phê chuẩn CPTPP; 26-36% ở các thị trường mới như Canada, Mexico…) so với năm 2018, nhập khẩu tăng rất nhẹ (0,7%), CPTPP đã ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực, đặc biệt là các thị trường mới. Tuy nhiên, trong trung bình, mức tăng kim ngạch xuất khẩu với CPTPP thấp hơn mức chung xuất khẩu ra thế giới (8,4%). Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%, mức rất thấp không chỉ so với mức trung bình năm 2019 (37,2%) mà còn so với tỷ lệ tận dụng năm đầu tiên của nhiều FTA khác. Năm 2020, dưới tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, xuất khẩu sang các nước CPTPP vẫn giữ được kim ngạch tương tự 2019, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan đã được cải thiện hơn (4%) dù vẫn còn là thấp.
Từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2019, Việt Nam thu hút xấp xỉ 9,5 tỷ USD vốn đầu tư từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với năm 2018. Kết quả này ít nhiều gây thất vọng, đặc biệt khi (i) tổng thu hút vốn FDI của Việt Nam từ tất cả các nguồn năm 2019 vẫn tăng 7,2% và (ii) tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các đối tác CPTPP vẫn tăng 51,3% trong năm này. Điểm sáng trong bức tranh này là vốn FDI từ các đối tác mới trong CPTPP vào Việt Nam (Canada, Mexico) hoặc các đối tác truyền thống nhỏ (Brunei, New Zealand) lại được cải thiện đáng kể.
Năm 2020, tình hình được cải thiện hơn, khi tổng vốn đầu tư thu hút từ các đối tác CPTPP đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4% so với 2019 trong bối cảnh tổng vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam thu hút trong năm này giảm gần 25%.Từ góc độ hoàn thiện thể chế, đã có tổng cộng 18 văn bản được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung để thực thi cam kết CPTPP trong hai năm qua. Mặc dù hoàn thành yêu cầu về số lượng, phần lớn các văn bản này không đáp ứng yêu cầu về tiến độ (chậm từ nửa tháng tới 20 tháng so với thời hạn yêu cầu).
Về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về CPTPP, 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ về Hiệp định này, cao hơn tất cả các FTA khác, 25% doanh nghiệp có hiểu biết nhất định về Hiệp định. Tuy nhiên, cứ 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.
Về các tác động tổng thể, CPTPP nằm trong tốp 3 FTA được doanh nghiệp đánh giá cao nhất, với 51% doanh nghiệp cho rằng Hiệp định có tác động tương đối hoặc rất tích cực với hoạt động kinh doanh của mình thời gian qua. Về các tác động cụ thể của CPTPP, cứ 4 doanh nghiệp thì mới có 1 doanh nghiệp đã từng được trải nghiệm các lợi ích từ Hiệp định này. Nhóm lợi ích phổ biến nhất với các doanh nghiệp này vẫn là thuế quan, đặc biệt là ở các thị trường mới như Canada, Mexico.
Với các doanh nghiệp chưa từng hưởng lợi ích trực tiếp nào từ CPTPP, lý do chủ yếu (60%) là họ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan tới thị trường hay đối tác ở khu vực CPTPP trong hai năm vừa qua. Trong số các doanh nghiệp đã từng có giao dịch với các thị trường này nhưng chưa hưởng lợi CPTPP, lý do được phần lớn (75%) doanh nghiệp đề cập là họ không biết có cơ hội nào từ CPTPP; cũng có một tỷ lệ đáng kể (60%) không thấy có cam kết CPTPP liên quan hoặc do đã hưởng ưu đãi khác phù hợp hơn; một số ít doanh nghiệp (14- 16%) nêu các lý do khác như các văn bản hướng dẫn ban hành chậm, thủ tục hưởng ưu đãi phức tạp, quy trình cấp phép khó khăn, hay khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu của doanh nghiệp còn hạn chế… Nhật Bản là thị trường có mối liên hệ chặt chẽ nhất với doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP nhưng Canada là thị trường có tỷ lệ doanh nghiệp từng có lô hàng tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP cao nhất (50% doanh nghiệp, so với mức 21-29% ở các thị trường còn lại). Lý do khiến doanh nghiệp “tích cực”, như thuế MFN đã là 0% nên không cần thiết sử dụng ưu đãi thuế quan (43% doanh nghiệp đề cập), hay đã sử dụng ưu đãi thuế theo các FTA khác (37%)…
Hai là các nguyên nhân “tiêu cực”, như không biết về ưu đãi thuế (45%), không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ (40%), gặp vướng mắc về thủ tục hay để lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ (20%), thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết (15%)….
Hơn phân nửa thời gian có hiệu lực của CPTPP, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị xáo trộn theo cách chưa từng có bởi đại dịch COVID-19. Trước tương lai “bình thường mới” hậu COVID-19, đa phần các doanh nghiệp tỏ thái độ khá bình tĩnh, với 60,4% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục hoạt động bình thường, 13,3% thậm chí có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Tuy nhiên cũng có khoảng 17,2% doanh nghiệp rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, và gần 1% tính tới việc ngừng kinh doanh tạm thời hoặc vĩnh viễn trong thời gian tới.
Về tác dụng của CPTPP và FTA trong tương lai “bình thường mới”, 60% doanh nghiệp cho rằng CPTPP và các FTA sẽ tương đối hoặc rất hữu ích, 10% doanh nghiệp cho rằng CPTPP và các FTA hầu như sẽ không có Ý nghĩa gì, 29% doanh nghiệp không chắn chắn về chuyện CPTPP hay các FTA có thể có tác động gì, tiêu cực hay tích cực. Trong một tương lai xa hơn, doanh nghiệp cũng tỏ ra rất lạc quan về các tác động tích cực của CPTPP và các FTA. 91,5% doanh nghiệp kỳ vọng ở mức độ khác nhau vào một/các lợi ích CPTPP và các FTA có thể mang lại cho hoạt động kinh doanh của họ. Ở đó, các cơ hội về hợp tác liên kết kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu được các doanh nghiệp nhấn mạnh (94-96%) hơn là các cơ hội trực tiếp về thương mại hàng hóa (85-90%). Doanh nghiệp cũng có quan ngại về một số yếu tố sẽ cản trở mình hiện thực hóa các cơ hội này, trong đó hàng đầu là sự thua kém về năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp so với các đối thủ (51% doanh nghiệp đề cập), tiếp theo các các biến động và bất định của thị trường (45%), các hạn chế trong công tác thực thi của các cơ quan Nhà nước chỉ đứng hàng thứ ba (41-43%).
Để chuẩn bị cho một tương lai xa mà ở đó CPTPP và các FTA có thể là một trợ lực hiệu quả, 3/4 các doanh nghiệp cho biết họ đã/đang có kế hoạch điều chỉnh kinh doanh để tận dụng các Hiệp định này. Trong các kế hoạch này, doanh nghiệp ưu tiên cho các điều chỉnh để củng cố bản thân - cải thiện năng lực cạnh tranh nền tảng của doanh nghiệp, sau đó mới tới các tính toán để tận dụng các cơ hội thị trường trực diện từ CPTPP và các FTA, và cuối cùng là các kế hoạch để sẵn sàng cho những cơ hội tầm xa.
Đối với 1/4 các doanh nghiệp còn lại không có kế hoạch điều chỉnh gì cho tương lai hội nhập CPTPP và các FTA, lÝ do lớn nhất lại là bởi họ không có đủ năng lực, nguồn lực để làm hoặc không biết phải điều chỉnh thế nào dù biết là điều chỉnh là cần thiết (39% doanh nghiệp, chủ yếu là siêu nhỏ, nhỏ). 28-36% doanh nghiệp lựa chọn không điều chỉnh do không nhìn thấy sự cần thiết của việc điều chỉnh hay chuyển đổi. Họ hoặc là tự tin năng lực hiện tại đã đủ để tận dụng các cơ hội từ các FTA, hoặc là cho rằng các FTA không có tác động gì tới tương lai kinh doanh của họ. Chỉ có 5% doanh nghiệp lựa chọn không điều chỉnh bởi không tin việc này có tác dụng gì cho mình.
Thùy Anh (t/h)